Khúc khích cùng trẻ thơ

Viết cho thiếu nhi chưa bao giờ đơn giản, nếu không muốn nói đó là thách thức với mọi cây bút. Những năm gần đây, văn học thiếu nhi đã có bước khởi sắc đáng kể thể hiện qua số lượng lớn đầu sách được xuất bản, sự đón nhận sôi nổi của bạn đọc và dấu ấn giải thưởng. Tuy nhiên, để tìm được một tên tuổi, giọng điệu duyên dáng với mảng đề tài này và có sự mở rộng, lan tỏa, kết nối lại không dễ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh giao lưu cùng các em nhỏ.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh giao lưu cùng các em nhỏ.

1/Nhà thơ, dịch giả, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh là cây bút khiến ta có thể tin tưởng khi đề cập câu chuyện này. Mới nhất, cuối năm 2022, chị đã cho ra mắt tập thơ thiếu nhi “Phù thủy sợ ma” do NXB Kim Đồng ấn hành, họa sĩ Kim Duẩn vẽ minh họa. Một tập sách trong veo, lảnh lót, dễ thương và tạo được dấu ấn bất ngờ, thú vị. Mở đầu tập thơ là bài “Đồng dao tình yêu”, một đề tài có vẻ quen mà nhiều khi lại không quen với các bé bởi hễ nhắc tới tình yêu thì người lớn cứ “lơ lở lờ lơ”. Nắm bắt tâm lý ấy, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh có cách đặt vấn đề và giải quyết thật tinh tế, đáng yêu: “Mẹ ơi, lạ thật:/Tình yêu là gì?/Mà khi con hỏi/Ai cũng bỏ đi!/Hỏi bố, bố lắc/Bà... bật ti vi/Quay sang hỏi chị/Chị còn học thi!/-Tình yêu là thứ/Cần nói rất nhiều!/Nói về cánh diều/Bay lên cùng gió,/Nói về ngọn cỏ/Đẫm một lá sương,/Nói về hương thơm/Nước hoa tóc mẹ,/Nói về tuổi trẻ,/Nói về tuổi già,/Nói về năm cũ,/Về ngày hôm qua... Những vần thơ nhắc ta, dường như không có câu hỏi nào của trẻ mà người lớn không thể trả lời một cách thật trẻ thơ, vấn đề là chúng ta chọn cách đón nhận món quà ấy như thế nào. Ta coi đó như món quà, hay chỉ là sự tò mò, rắc rối.

Những sự việc giản đơn, quen thuộc như ăn, ngủ, nghỉ, học, chơi… được tác giả tiếp cận như một món quà thế giới tuổi thơ gửi tặng. Chẳng hạn, để hiểu, bé tập viết có những khi: “Chữ nó chẳng nghe lời,/Đuổi theo hết cả hơi,/Cứ bay trên dòng kẻ!” (Tập viết). Hay một Giấc trưa bình yên mèo con và nắng ôm nhau cho đến lúc “Nằm lâu nắng mỏi,/Cựa mình rung rinh./Mèo vội hé mắt,/Vỗ về: Im! Im!”. Trong thế giới của người lớn, thật khó gặp cái mỏi nào dễ thương để có thể rung rinh cựa mình. Cũng hiếm lời đề nghị “im im” nào không gây khó chịu. Nhưng trẻ thơ là vậy, thiên nhiên là vậy, ta mở lòng ra, trong sáng sẽ ùa vào ngập tràn như: “Rất nhiều bông nắng/Rụng xuống lòng tay,/Đậu vào mái tóc -/Là quà của cây...”. (Đôi bạn).

“Phù thủy sợ ma”, tên tập thơ cũng là tên một bài thơ mới ngộ nghĩnh, lý thú làm sao: “Phù thủy sợ ma,/Vừa đi vừa khóc!/Mèo đen khuyên học/Sử dụng đũa thần,/Dơi bay rợp sân,/Nhắc làm bùa chú,/Gặp thày giáo Cú/Thông minh có thừa,/Lần chuyện xa xưa,/Bày cho mua tỏi,/Xong xuôi thì gọi:/“Mẹ ơi! Mẹ ơi!”/Thế là tức thời/Hết luôn cả sợ!”. Rất trong trẻo, cũng đầy lém lỉnh, thông minh mới có thể mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi một phù thủy gần với trẻ thơ đến thế. Không còn là hình tượng đáng sợ và xa lạ, phù thủy của Nguyễn Thụy Anh bước ra với trẻ bằng chân dung hồn nhiên, cũng có bạn bè, thầy giáo, cũng được bày trò, chỉ bảo, và cuối cùng “bùa chú” linh nghiệm nhất là tiếng gọi “mẹ ơi!”. Vừa như một trò chơi, vừa như truyện ngụ ngôn mang đến sự vỡ òa khúc khích. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi, dù thể loại, đề tài nào, cũng cần sự vỡ òa chặng cuối, tiếc là, những tác giả làm được điều ấy không nhiều.

Với một tâm hồn nồng ấm, sáng trong, một tình yêu đặc biệt dành cho trẻ nhỏ, chặng đường chữ nghĩa của nhà thơ Nguyễn Thụy Anh luôn mang đến sự an tâm, tin cậy. Những hình ảnh, biểu tượng tưởng như đã “đóng đinh” trong ý nghĩ trẻ thơ, cũng được chị tái hiện lại một cách gần gụi, dễ mến: “Nước mắt cá sấu/Sao chẳng ai thương?/Sấu nằm ngẫm nghĩ/Buồn thiu bên đường…”. (Cá sấu). Rồi cả những thắc mắc giản đơn mà để trả lời thì không hề đơn giản: “Cánh máy bay vì sao/Không vỗ như chim nhỉ?” (Bé đi máy bay). Ngay đến cuộc “ra đi” của những chiếc răng sữa cũng được tái hiện rất tinh nghịch, đương thời: “Cô giáo giải thích:/Mình đã lớn rồi/Nên phải đến thời.../“Răng đi công tác!”/Răng sữa trắng muốt/Chia tay vội vàng/Cả lớp cười vang:/Răng đi công tác!” (Đi công tác).

Tình yêu, niềm tự hào trước những dấu ấn quan trọng của cuộc sống, của đất nước quê hương được nữ tác giả miêu tả đầy sinh động. Với bóng đá sẽ là: “Em cầm lá cờ đỏ/Trên má cũng vẽ cờ/Nhỏ thì phất cờ nhỏ/Người lớn khoác cờ to.../Quả bóng lăn vội vã/Trên ti vi chiều nay/Ai cũng kêu: “Có bão!”/Trời lại hiền... heo may?!/Thì ra... Vui là gió/Gió lộng - vui rộn ràng/Cả nước òa sung sướng/Đổ ra đường - bão sang!”. Với những thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới sẽ là những “Bài ca năm Ngựa”, “Đồng dao năm Khỉ”: “Ngựa vui hớn hở/Ngựa lớn rất nhanh/Lưới nắng dệt quanh/Bờm vàng lấp lánh/Như là mọc cánh/Tung vó ngựa bay/Tiếng hí rất hay/Vang trong trời đất”; “Một năm mới/Toàn màu xanh/Khi chuyền cành/Khi hái quả/Khi kết lá/Khi ngắm hoa/Dù ở xa/Dù bên cạnh/Đều rạng rỡ/Đều thân thương/Luôn nhịn nhường/Vô tư lự...”.

Qua hành trình bền bỉ viết cho trẻ thơ, viết vì trẻ thơ, người đọc tin bên trong tâm hồn Nguyễn Thụy Anh luôn hiện hữu vầng sáng lấp lánh của những ngôi sao, mặt trăng, mặt trời thơ nhỏ. Những tia sáng long lanh, ấm êm tỏa rạng ấy mang đến góc nhìn của một giọt sương. Trong veo, mới có thể kể, tả tài tình, rung rinh cảnh hai chú hổ con ngóng mẹ: “Áp tai liếm láp/Chải lông thật mềm/Sửa soạn đón mẹ/Cũng vừa hết đêm.../Tiếng gầm dữ dội/Phía núi xa xôi/“Mẹ mình gọi đấy/ Dịu dàng quá thôi!!!” (Ngóng mẹ). Trong veo, mới chạm vào được một màn đêm dịu dàng, thân thiện: “Bóng đêm không màu đen/Chỉ nhòa mờ dìu dịu/Em thiếp đi dễ chịu:/Màu đêm là màu êm... ” (Màu êm).

2/Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh đã có một hành trình bền bỉ với trẻ thơ. Chị xuất bản nhiều tập thơ được các em nhỏ yêu thích. Chỉ riêng năm 2014, với sự phối hợp cùng NXB Trẻ, chị đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm “Nhim nhỉm nhìm nhim”, “Ngày xưa, ngày nay, ngày sau”, “Mẹ hổ dịu dàng”, “Vui cùng tiếng Việt”. Bên cạnh thơ ca, nhiều bộ truyện, bộ sách kỹ năng cũng được nữ tác giả xuất bản, như: Bộ truyện 9 tập “Bố ơi vì sao?” (NXB Mỹ thuật và Alpha Books, 2009); Bộ sách kỹ năng 5 tập (NXB Trẻ, 2010); Bộ sách 20 tập “Nói sao cho con hiểu” ( NXB Trẻ, 2016, 2017) và nhiều tác phẩm dịch.

Chia sẻ về tác phẩm cho thiếu nhi, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh vốn coi đó như những người bạn bé bỏng dễ hiểu, dễ chơi nhất với trẻ, cũng khát vọng bình dị: “Tôi ước chúng được vang lên như chuỗi cười khúc khích tự nhiên, kể cho bé về thế giới, nói với bé những lời hiền hậu, thân mến”. Có lẽ, chính bởi tình cảm thật trong sáng, nồng ấm và tự nhiên nhất ấy mà chị đã lan tỏa được nhiều giá trị thật hữu ích, gần gũi với trẻ thơ thông qua nhiều cách thức, con đường mà đôi khi, có lẽ chính chị cũng không nghĩ nó rộng dài và được đón nhận nồng nhiệt đến thế.

Tác giả Nguyễn Thụy Anh sinh tại Hà Nội, là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (1989-1991). Chị tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Sư phạm Moskva, là Tiến sĩ ngành Giáo dục học. Từ năm 2010, chị sáng lập và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) - một tổ chức hỗ trợ văn hóa đọc gia đình, cung cấp phương pháp tiếp cận con trẻ cho các bố mẹ và hỗ trợ rèn luyện cho các em nhỏ kỹ năng đọc, tự học và các kỹ năng xã hội khác. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh được Tạp chí Forbes Vietnam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.