NSƯT Lê Ánh Tuyết:

“Không thể bỏ quên khán giả mới lớn”

“Rồi tôi sẽ lớn” là vở nhạc kịch hướng đến tuổi mới lớn, vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết muốn góp phần xóa khoảng trống các vở diễn về đề tài này trong đời sống sân khấu bấy lâu nay. Chị chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở “Rồi tôi sẽ lớn” - Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn NSƯT Lê Ánh Tuyết.
Cảnh trong vở “Rồi tôi sẽ lớn” - Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn NSƯT Lê Ánh Tuyết.
“Không thể bỏ quên khán giả mới lớn” ảnh 1

Phóng viên (PV): Sau “Trại hoa vàng” để lại ấn tượng, việc tiếp tục một vở diễn dành cho khán giả tuổi mới lớn có khiến chị áp lực?

NSƯT Ánh Tuyết (AT): Nếu như “Trại hoa vàng” dành cho lứa tuổi thanh niên, “Bầy chim thiên nga” dành cho các em thiếu nhi, thì “Rồi tôi sẽ lớn” là vở nhạc kịch đầu tiên nhà hát dành cho lứa tuổi dậy thì. Đây là áp lực chung của anh chị em nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc. Nhưng với chúng tôi, nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng. Không làm mới, không thay đổi nghĩa là đang tụt lùi. Mặc dù thời gian dàn dựng không dài, nhưng chúng tôi đã thai nghén đề tài này từ hơn một năm trước.

PV: Điều gì thôi thúc chị trong những năm gần đây quan tâm đến đề tài dành cho lứa tuổi này?

AT: Tôi không biết lý do gì mà sân chơi nghệ thuật vắng bóng những tác phẩm dành cho lứa tuổi này. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là đối tượng khán giả khó tính, khó đoán, và khó để biết các em nghĩ gì, muốn gì. Đó là thiệt thòi cho các em và các em chỉ còn chiếc điện thoại là phương tiện giải trí. Lớp trẻ bị cuốn theo những giá trị ảo trên mạng xã hội và đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra. Tôi đã chọn đề tài dành cho lứa tuổi này dù biết là rất thách thức.

PV: Nhạc kịch kết hợp nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là yếu tố âm nhạc. Việc dàn dựng công phu, tốn kém. Theo chị, âm nhạc chiếm bao nhiêu phần trăm cho việc thành công của một vở nhạc kịch?

AT: Âm nhạc luôn là điều quyết định cảm xúc trong một vở nhạc kịch. Có thể dài hoặc ngắn, nhưng việc sử dụng âm nhạc sao cho hiệu quả, đặt âm nhạc vào đâu, hoàn cảnh nào mới là quan trọng. Dĩ nhiên, gọi là nhạc kịch thì âm nhạc luôn dành thời lượng lớn.

PV: Làm vở cho thiếu nhi có lẽ dễ bán vé hơn, vì các con còn nhỏ, được cha mẹ đưa đi xem. Vở diễn dành cho thanh niên có lẽ cũng dễ bán vé, vì các bạn có thể đã kiếm được tiền và tự do đến nhà hát theo nhu cầu cá nhân. Còn một vở dành cho các bạn thường ở tuổi học sinh cấp 2, cấp 3, theo tôi nghĩ sẽ khó, vì tuổi đó các bạn không còn thích chỉ đi cùng cha mẹ, mà tiền thì chưa tự kiếm được. Qua “Trại hoa vàng”, giờ là “Rồi tôi sẽ lớn”, chị thấy việc bán vé có khó khăn gì, và chị có “chiêu” gì để “dụ” khán giả đến rạp?

AT: Khi chọn đề tài, ngoài việc đánh giá chuyên môn, nghệ thuật thì việc làm thế nào để đưa sản phẩm nghệ thuật đến với khán giả là điều mà chúng tôi nghiên cứu kỹ. Ở độ tuổi này, các em thường không thích đi với bố mẹ, cũng không tự đi đến rạp. Vậy thì làm thế nào để vở diễn có được khán giả của mình? Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều học sinh

cấp II về sở thích vowis âm nhạc, thời trang, đọc sách, những vấn đề các em quan tâm… để tìm chất liệu dàn dựng sao cho trúng thị hiếu nhất. Hiện nay, cha mẹ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Tôi nghĩ khi có một sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa thì chắc chắn họ sẽ dành món quà này cho con cái họ.

Đây cũng không chỉ là vấn đề doanh thu, mà còn là việc sân khấu đồng hành cùng khán giả, nói những vấn đề bổ ích, thiết thực. Tôi hy vọng, vở diễn sẽ là cái cớ để cha mẹ và các con cùng đi xem, cùng thấu hiểu và xích lại gần nhau.

PV: Đời sống nghệ thuật đang rất cần những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn. Tuy nhiên, để đưa các vở diễn đến với đông đảo bạn trẻ, cần đa dạng cách thức, như đưa vào trường học, hay các dự án liên quan đến học đường, chứ không chỉ là nhà hát. Theo chị, chúng ta cần phải làm gì?

AT: Tôi ao ước các suất diễn của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là những buổi học ngoại khóa của các em. Giáo dục thông qua nghệ thuật sẽ khiến cho trẻ cảm thụ nhanh nhất, khiến cho các em hứng thú với việc nạp kiến thức nhất. Điều đó thể hiện sau mỗi buổi diễn “Trại hoa vàng”, “Bầy chim thiên nga” và mới đây nhất “Rồi tôi sẽ lớn”, khán giả của chúng tôi say sưa phân tích, bàn luận và tranh luận về các tình huống, nhân vật trong vở. Tôi hy vọng các bài học trên lớp sẽ được sân khấu hóa để sân khấu đến gần hơn với thanh niên, thiếu nhi.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Lê Ánh Tuyết!

NSƯT Ánh Tuyết: Bản thân tôi vừa mới trải qua quãng thời gian khủng hoảng với con trai mình. Tôi giận dỗi cháu, trách mình không dạy được con và ngơ ngác không hiểu sao con mình từ một đứa trẻ ngoan, yêu mẹ, trở nên lầm lì, khó chịu và ương bướng. Trải qua quãng thời gian ấy rồi, tôi mới thấy mình may mắn khi cả con và mẹ đều bình an, quay lại được nhịp sống trước đây. Và tôi lên kế hoạch kể lại câu chuyện của mình, của nhiều bà mẹ khác. Tôi thật may mắn khi có được tác giả kịch bản Hoàng Anh Tú-anh Chánh Văn của lứa tuổi học trò; phụ trách vũ đạo và ngôn ngữ hình thể Nguyễn Vũ Khánh; nhạc sĩ Vũ Huyền Trung… cùng anh chị em đoàn Ca múa nhạc đồng hành.