Nhà văn Di Li:

“Không áp lực khi viết đề tài dễ gây tranh cãi”

Nhân dịp nhà văn Di Li ra mắt cuốn sách “Tật xấu người Việt” do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành, Thời Nay đã có cuộc trao đổi ngắn với chị về cuốn sách mới, cũng như những “tật xấu” và “tính tốt” của người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: PHẠM DUY
Ảnh: PHẠM DUY

Phóng viên (PV): Tại sao chị lại lựa chọn viết về “tật xấu” của người Việt, một đề tài dễ gây tranh cãi?

Nhà văn Di Li: Tôi là người thích nghiên cứu, đặc biệt về văn hóa và tâm lý. Tâm lý của một cá nhân hay tâm lý đám đông, tâm lý dân tộc đều là những điều mà tôi quan tâm. Nghiên cứu là việc làm gần như hằng ngày của tôi, cũng tương tự mô hình nghiên cứu khoa học mà tôi vẫn phải thực hiện hằng năm ở nhà trường. Nhưng công việc khoa học này khi kết hợp với văn chương, nó sẽ biến thành một thứ khoa học thường thức dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm đối với số đông độc giả.

PV: Là nữ nhà văn đầu tiên viết về đề tài này, chị có thấy áp lực không? Chị đã chuẩn bị những gì để có dũng cảm viết cuốn sách này?

Nhà văn Di Li: Tôi không áp lực, vì rất tự tin vào những gì mình viết ra.

Thứ nhất, khi viết tôi toàn tự phản biện, tự lật đổ chính những quan điểm của mình, theo cách hình dung trước những câu hỏi phản biện của người đọc để có thể đi tìm dẫn chứng thỏa mãn sự thắc mắc của độc giả. Đây là công việc nặng nhọc nhất vì phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu, nhưng cũng vì thế mà nó vô vàn thú vị. Tôi được khám phá một nguồn tư liệu khổng lồ và hấp dẫn.

Thứ hai, tôi sử dụng những câu chuyện chân thật chung quanh mình, những câu chuyện mà người đọc có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu để làm minh họa, cả những câu chuyện cả nước đều biết vì đã được đưa lên mặt báo.

Thứ ba, tôi sử dụng bút pháp hài hước, châm biếm, tự trào để làm dịu đi không khí căng thẳng của đề tài. Trong cuộc sống thường ngày, khi phê bình ai đó tôi cũng thường sử dụng phương pháp này để khiến người nghe cảm thấy “dịu” hơn, dễ tiếp thu hơn, đỡ sinh ra phản ứng tự vệ.

Có nhiều quan điểm tôi đi ngược lại so số đông. Thí dụ, đa phần mọi người cho rằng người Việt đặc biệt đố kỵ hơn những dân tộc khác nhưng tôi lại cho rằng không phải thế. Hoặc bệnh thành tích bắt nguồn từ phụ huynh chứ không phải do nhà trường. Tại sao lại như vậy thì tôi đã giải thích cụ thể trong cuốn sách.

PV: Ngay trong lời nói đầu cuốn sách vừa ra mắt, chị đã “vội” chia sẻ, sau cuốn sách này sẽ còn cuốn viết về “tính tốt” của người Việt. Phải chăng đây là cách để độc giả “nương tay” hơn với cuốn sách viết về “tật xấu”?

Nhà văn Di Li: Tôi có tính cầu toàn, làm gì là muốn làm một cách hoàn hảo, hoàn chỉnh, kỹ lưỡng. Tôi quan niệm không có người hoàn toàn xấu hay người hoàn toàn tốt. Con người ta ai cũng có phần tốt và phần xấu bên trong, chỉ có điều thứ gì trội hơn mà thôi, và tùy từng hoàn cảnh mà bộc lộ ra. Thêm nữa tôi phát hiện ra một điều rằng mọi tính cách đều có tính hai mặt, nó vừa có thể là xấu mà cũng vừa có thể là tốt. Thí dụ như tính linh hoạt, dễ thích nghi, nhanh trí của người Việt là mặt tốt nhưng cũng vì “linh hoạt”, “sáng kiến” quá mà đôi khi chuyển sang những phương án tiêu cực để “đi đường tắt”. Hoặc người Việt cũng có tập quán gia đình, chủ nghĩa tập thể, duy tình, nhưng cũng chính vì điều này mà đôi khi chúng ta bỏ qua sự công bằng và chân lý.

Chính vì thế cuốn “Tính tốt người Việt” là rất cần thiết để chúng ta nhận diện ra chính mình. Để chúng ta cũng bớt sùng ngoại đi và thấy rằng chúng ta cũng có nhiều cái nết cao quý. Và cũng là để chúng ta nhân rộng những tính tốt đó hơn nữa.

PV: Chị thấy mình có những “tật xấu” của người Việt mà chị đề cập trong cuốn sách của mình không?

Nhà văn Di Li: Có chứ, tôi cũng hay cả nể vì không muốn người khác tổn thương nên nhiều lúc cứ nhận lời nhưng trong bụng không muốn.

PV: Chị đã liệt kê tới hơn 40 “tật xấu” của người Việt trong cuốn sách của mình. Đây là một con số đáng kể. Vậy theo chị, người Việt có “tật xấu” hay “tính tốt” nhiều hơn?

Nhà văn Di Li: Rất khó để nói cái gì nhiều hơn. Tôi nghĩ là 50/50. Hoặc có chênh lệch thì ít thôi. Vì cũng còn nhiều tật xấu nữa tôi chưa viết và cũng không thể thống kê hết tính tốt được.

PV: Chị mất tới 15 năm nghiên cứu để ra mắt cuốn sách này. Vậy chị mất bao nhiêu lâu nữa để nghiên cứu về “tính tốt” và chị dự định bao giờ sẽ ra mắt cuốn sách “Tính tốt của người Việt”?

Nhà văn Di Li: Tôi cần thêm một năm để làm việc này. Trong 15 năm tôi song song nghiên cứu cả hai, chỉ là chưa viết xong thôi.

PV: Xin cảm ơn chia sẻ của chị!