Khổ vì thiếu quy hoạch tổng thể chống ngập

Những cơn mưa đầu mùa đã khiến nhiều khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập sâu. Sau các đợt nóng kinh hoàng chưa kịp hạ nhiệt, người dân lại thấp thỏm lo úng ngập.
0:00 / 0:00
0:00
Cơn mưa lớn chiều 13/5, làm nhiều tuyến đường ở khu vực thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh bị ngập nặng. Ảnh: Lê Quân
Cơn mưa lớn chiều 13/5, làm nhiều tuyến đường ở khu vực thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh bị ngập nặng. Ảnh: Lê Quân

Cơn mưa chuyển mùa hồi đầu tháng 5 trong khoảng 30 phút đã khiến một số khu vực tại thành phố Thủ Đức, như đường Lê Văn Việt, hay hầm chui trước bến xe Miền Đông mới… bị ngập sâu.

Tập trung xử lý ngập tại các tuyến đường trục chính

Trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố mới đây, ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến năm 2023, thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và năm tuyến đường trục chính ngập do triều cường.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2024-2025 mới được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành, thành phố đề ra chỉ tiêu giải quyết ngập do mưa đối với 13 tuyến đường nói trên cũng như khắc phục tình trạng ngập do triều cường tại thành phố Thủ Đức và ba quận, huyện.

Hiện nay,Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị làm ba dự án xây dựng, cải tạo các đường Nguyễn Văn Khối-Lê Văn Thọ, đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu), đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Như vậy, sẽ giải quyết được việc ngập của 4/13 tuyến đường. Đối với việc giải quyết các tuyến ngập do triều cường, thành phố phấn đấu hoàn thành và vận hành dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư (hiện nay đã hoàn thành 93%). Từ đó, giải quyết việc ngập do triều cường ở cả năm tuyến đường nêu trên.

Trên thực tế, những kế hoạch chống ngập của thành phố được đặt ra từ nhiều năm trước song hiệu quả chưa cao. Quy mô nhất có lẽ là chương trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng với kỳ vọng chống ngập cho khoảng 6,5 triệu dân ở ven sông Sài Gòn và khu vực trung tâm. Song sau tám năm khởi công, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.

Những vướng mắc từ dự án này làm nhiều người dân sốt ruột và mong tình trạng này không lặp lại đối với các dự án chống ngập rất lớn khác vừa được khởi công trong thời gian qua.

Thay đổi cách tiếp cận

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, việc chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp hơn bởi xuất hiện sự lún sụt cốt nền đô thị và tác động của biến đổi khí hậu. Tại buổi giám sát Ủy ban nhân dân thành phố mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn giai đoạn 2010-2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề phát sinh trong việc hình thành không gian ngầm tại địa bàn. Đại biểu Nghĩa nêu bối cảnh, các công trình, dự án đã hình thành trên mặt đất, nhiều tòa nhà cao tầng đã "cắm rễ" xuống thì việc phát triển không gian ngầm có gặp bất lợi hay không. Ông đặt câu hỏi về phương án quy hoạch không gian ngầm của thành phố trong giai đoạn tới trước tình trạng này. Đại biểu Nghĩa cho rằng, việc các dự án bất động sản mọc lên ngày càng nhiều kèm sụt lún càng khiến vấn đề chống ngập trở nên nan giải. Mùa mưa tới, Thành phố Hồ Chí Minh phải chứng kiến hình ảnh bất hợp lý giữa một bên là hàng loạt tòa nhà cao tầng, đô thị lớn, một bên chịu cảnh ngập úng kéo dài.

Theo PGS, TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cơ chế để nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới các dự án chống ngập theo đúng quy hoạch. Càng để lâu, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ bị giảm tác dụng vì Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng phải đối mặt nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp… "Thay vì chỉ tập trung vào nhóm giải pháp ngăn chặn, chống ngập bằng cách không cho nước vào thông qua hệ thống đê, cống ngăn triều, cống thoát nước..., cần kết hợp với nhóm "thích nghi", tức là quy hoạch mặt phủ thấm nước. Trên địa bàn thành phố còn nhiều không gian có thể tận dụng được để thực hiện các giải pháp này", PGS, TS Hồ Long Phi nói.

Chống ngập là công tác hạ tầng bắt buộc đối với bất cứ đô thị nào chứ chẳng riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh. Mong rằng những dự án đang được xây dựng phải tránh được những bất cập mà một số dự án chống ngập trước đây gặp phải như: giải ngân chậm, thi công ì ạch, mất tác dụng khi thay đổi quy hoạch…

Cùng đó, cần tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu về cấp nước, giảm ngập, xử lý nước thải cũng như phát triển hệ thống hạ tầng đô thị trong thời gian tới