Khi nghệ thuật tuyên truyền về bình đẳng giới

Cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc đầu tiên tại Việt Nam về bình đẳng giới vừa trao giải tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trong sự kiện này, triển lãm thơ “Áng thơ trên những cánh diều” cũng trưng bày hơn 40 bài thơ chọn lọc từ cuộc thi.
0:00 / 0:00
0:00
Trao giải cuộc thi “Áng thơ trên những cánh diều”.
Trao giải cuộc thi “Áng thơ trên những cánh diều”.

1/Hoạt động này do Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12) và chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12), cuộc thi được đánh giá là thành công. Cùng với đó, là gợi mở cho việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông tăng cường sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng trong việc truyền tải thông điệp về bình đẳng giới nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt và bạo lực trên cơ sở giới. Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho rằng: “Âm nhạc và thơ ca có một khả năng đặc biệt có thể đi sâu vào tâm hồn con người, vượt qua mọi ranh giới và truyền cảm hứng, thôi thúc tinh thần đoàn kết trong việc cùng tạo ra một thế giới công bằng và bình đẳng hơn cho mọi cá nhân trong xã hội”.

Sáu tháng phát động, cuộc thi nhận được hơn 310 bài thơ và 42 bài hát từ mọi miền Tổ quốc với các lứa tuổi khác nhau. Điểm nhấn được nhiều người ghi nhận, là khá đông các em học sinh, các bạn trẻ đã tích cực hưởng ứng cuộc thi, với cách thể hiện theo đánh giá của Ban tổ chức là: Thể hiện góc nhìn về một thế giới bình đẳng, nơi mọi cá nhân có thể phát huy hết các tiềm năng. Ở đó bình đẳng giới có thể là giấc mơ của các bé gái được làm tổng thống hoặc được chơi đá bóng giỏi như nữ cầu thủ Huỳnh Như, hay việc được để tóc dài của các bé trai và làm việc nhà hằng ngày của bố hay ông nội. Tất cả được thể hiện rất bình dị, nhẹ nhàng diễn ra trong cuộc sống quanh ta mà không phải một giấc mơ xa vời.

Khi nghệ thuật tuyên truyền về bình đẳng giới ảnh 1

Trình diễn ca khúc đoạt giải.

2/Nhiều giải thưởng cũng đã thuộc về các tác giả tuổi “teen” và lứa tuổi thanh niên. Cuộc trao giải thân tình, nhỏ gọn đã gợi một số suy nghĩ với việc trình diễn một số ca khúc giành giải, với những bài thơ được họa sĩ Kim Duẩn trình bày đẹp, trẻ trung và những gương mặt trẻ lên nhận giải. Về mặt truyền thông, cách truyền tải qua báo chí, mạng xã hội của cuộc thi tỏ ra phù hợp với đối tượng trẻ - thế hệ của công nghệ, thông tin và những vấn đề xã hội nổi cộm. Về mặt chủ đề, đề tài, thế hệ trẻ cho thấy mối quan tâm nghiêm túc và trách nhiệm đối với thực trạng mà lâu nay vẫn luôn là “điểm nóng”; vẫn có nhiều thách thức trong việc tìm các “phương thuốc” điều trị hữu hiệu. Khi các em lên biểu diễn, đọc rap về sự bình đẳng bạn nam - bạn nữ, khích lệ sự tự tin cần có trong mỗi giới; khi những bài thơ được trưng bày, truyền tải những suy nghĩ hồn nhiên và mạch lạc của các em nhỏ chỉ trên dưới 10 tuổi, về hình tượng cá ngựa bố ấp ủ đàn cá con, về câu chuyện Bà Trưng, Bà Triệu mà bà kể cháu nghe, hay đưa ra lời khuyên về sự tôn trọng của các bạn trai với bạn gái ở lớp…, thì từ đó cũng gợi lên những kỳ vọng. Đó là niềm tin về một thế hệ mới sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn và hành động tích cực, sáng tạo hơn cho bình đẳng giới. Cũng như những con người của thế hệ đó, không đợi đến khi trưởng thành, lập gia đình, mà ngay từ khi còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã là những người thực hành, củng cố sự cân bằng, bình đẳng giới một cách tích cực và tự nhiên. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, thành viên Ban giám khảo chia sẻ niềm hạnh phúc, xúc động khi đọc hàng trăm bài thơ của các em gửi đến cuộc thi. Theo bà Phượng, việc dùng các tác phẩm văn học nghệ thuật để truyền thông về những vấn đề xã hội phức tạp như bình đẳng giới cho thấy hiệu quả trong việc tạo ra sức cuốn hút công chúng. Các tác phẩm hay, chất lượng sẽ gây ấn tượng, được chú ý còn hơn những khóa tập huấn, các bộ tài liệu với những cách truyền tải quen thuộc.

Bài thơ “Chuyện chàng cá ngựa” của bé Trần Trúc Linh, giải nhất khung giải cho học sinh tiểu học có những hình ảnh độc đáo và thuyết phục như: “Tròn bụng yêu thương/Ngàn bé cá con/Đang ngủ cuộn tròn/Trong lòng cá bố//Bố thương cá mẹ/Mình mỏng trứng dày/Tháng tháng ngày ngày/Việc này bố liệu”, “Cá bố gập mình/Nhìn lũ cá con/Rón rén, vụng về/Bơi sau đuôi bố”, “Cá mẹ dịu dàng/Cá bố oai phong/Con cái thuận hòa/Cả nhà vui quá”.

Khi văn học nghệ thuật nói về bình đẳng giới, một điều ý nghĩa nữa cũng được nhận rõ thêm. Đó là đến với văn học nghệ thuật, tinh thần bình đẳng luôn được lan tỏa, không khí bình đẳng luôn được khẳng định. Bởi dù nam, nữ hay các giới khác, đối diện văn học nghệ thuật và đắm mình trong đó, sẽ luôn có chung đối tượng để hướng tới. Đó chính là cái đẹp, cái thiện, sự tôn trọng và hợp tác, lắng nghe và sẻ chia. Đây cũng là một định hướng giá trị, nhằm xây dựng một đời sống đậm chất văn hóa, một xã hội có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt phục vụ cộng đồng. Khi sáng tạo, thưởng thức, lan tỏa những vẻ đẹp văn học nghệ thuật thì đối với nhau, mọi người càng thêm bình đẳng.