Vươn mình đi lên
Vốn là một tỉnh thuần nông ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ, những năm qua kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển vượt bậc. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19 chưa từng có, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều cao hơn bình quân chung cả nước. Đạt được kết quả đó, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đồng bộ triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Năm 2022 đánh dấu bước phát triển mới của Thái Nguyên với những thành tựu đạt được cao nhất từ trước đến nay. Đó là, tốc độ tăng trưởng đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước (8,02%); xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 932 nghìn tỷ đồng, giữ vững vị trí cao thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bốn năm liền; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và xây dựng chiếm hơn 90% trong cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 19.100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 107 triệu đồng/người, đến nay có 180 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,5 tỷ USD. Kết quả này tạo đà cho năm 2023 Thái Nguyên tự cân đối thu-chi ngân sách và điều tiết 4% số thu ngân sách về Trung ương. Quý I năm nay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thái Nguyên vẫn đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%).
Triển lãm ảnh 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam được tỉnh Thái Nguyên tổ chức để ôn lại thành tựu về văn hoá trên địa bàn. |
Từng là “Thủ đô gió ngàn” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; là “Thủ phủ Gang thép” của miền bắc thời “công nghiệp hóa và Chủ nghĩa xã hội” trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước; trong 10 năm trở lại đây, Thái Nguyên còn được biết đến là trung tâm (lắp ráp) điện thoại thông minh Samsung lớn nhất thế giới.
Nắm bắt thời cơ, xu thế chuyển đổi số sẽ tạo nên đột phá, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề đối với lĩnh vực mới mẻ này và hiện nay đứng thứ tám toàn quốc về chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa cho biết, sau hơn hai năm triển khai, công tác chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tư duy, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng như cán bộ, đảng viên và toàn dân về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực. Tài liệu các cuộc họp của tỉnh, các sở, ngành, địa phương được số hóa, phòng họp không giấy tờ, các hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở được triển khai phổ biến. Tương tác của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành đối với người dân, tinh thần trọng dân, gần dân, vì cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Theo ông Hoàng Văn Đạt ở phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, với việc phát triển nhiều ứng dụng chuyển đổi số hướng đến nhân dân, nổi bật là ứng dụng “C-ThaiNguyen”, người dân có thể phản ánh tình hình cơ sở ở mọi lúc, mọi nơi một cách chính xác, nhanh chóng, thuận tiện đến các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, sau đó được phản hồi kịp thời. Qua đó, góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương và tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền. Với việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến mức độ ba, mức độ bốn ở cả ba cấp, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền, sở, ngành (SIPAS) của Thái Nguyên xếp thứ hai toàn quốc.
Tiềm năng phát triển lớn
Thái Nguyên có ba nhóm tiềm năng, lợi thế chính là tài nguyên tự nhiên (gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên du lịch); vị thế vùng- tọa độ kết nối không gian và liên kết phát triển; là trung tâm phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ ở hầu khắp các khía cạnh cơ bản của đời sống, như kinh tế, xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ. Điển hình là những tiềm năng, lợi thế nổi trội, khác biệt: có những loại khoáng sản quý hiếm đặc biệt là volfram, bismuth; có nguồn tài nguyên đất đai, rừng, núi đủ lớn và đặc sắc, thích hợp để phát triển nền nông nghiệp đặc sản, công nghệ cao; tài nguyên du lịch nhiều chủng loại, nổi bật là hồ Núi Cốc, kết hợp với toàn bộ sườn đông dãy Tam Đảo còn hoang sơ, cộng với tài nguyên lịch sử, văn hóa phong phú và đặc sắc, tạo thành “nguồn lực dự trữ” để phát triển; thành phố Thái Nguyên hội tụ nhiều trường đại học cấp vùng, bệnh viện hạng đặc biệt.
Ưu thế của vị trí địa lý gần kề Thủ đô, chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài 40-50 km bằng đường cao tốc và trong kết nối vùng với duyên hải Đông Bắc, kết nối Việt Bắc với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với diện tích lớn, nền đất tốt, nguồn nước sạch dồi dào tạo lợi thế cho Thái Nguyên trong cạnh tranh thu hút đầu tư, là tiềm năng, tiền đề để tỉnh trở thành trung tâm hội tụ và lan tỏa phát triển.
Theo PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ba nhóm tiềm năng, lợi thế này hợp thành thế và lực phát triển tổng hợp của Thái Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, thế và lực đó cơ bản vẫn là tiềm năng, chưa chuyển hóa đầy đủ thành động lực phát triển; những kết quả phát triển Thái Nguyên đạt được, dù ấn tượng và đáng tự hào, vẫn chưa xứng tầm tiềm năng, lợi thế, vẫn giới hạn chủ yếu trong “phạm vi Thái Nguyên” và “vì Thái Nguyên”. Trong giai đoạn trước đây, do một số nguyên nhân, như trình độ phát triển chung thấp, cơ chế kế hoạch hóa tập trung, cách tổ chức công nghiệp “đời cũ”, thiếu hạ tầng kết nối... làm cho Thái Nguyên chưa thể phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế, chưa khai thác hiệu quả vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và tạo lan tỏa phát triển vùng.
Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ chuyển hóa tiềm năng thành động lực phát triển, biến lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh vẫn là nội dung chủ đạo, xuyên suốt chiến lược phát triển của Thái Nguyên. Theo logic đó, nỗ lực trở thành cực tăng trưởng vùng, trung tâm liên kết, hội tụ và lan tỏa phát triển vùng là mục tiêu hướng tới.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên thu hút khoảng 10,5 tỷ USD, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. |
Khát vọng trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm về sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch; chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Đến năm 2050, Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Thái Nguyên cần cách tiếp cận mới: hội tụ và lan tỏa phát triển là trục chính. Để làm được điều đó, tỉnh cần có chiến lược giảm ưu tiên, tiến tới thu hẹp quy mô thu hút đầu tư, sản xuất dựa trên nền tảng lao động chất lượng thấp và tiền lương thấp. Định hướng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược căn cứ vào xu thế thời đại (xu thế toàn cầu hóa và xu thế công nghệ), dựa trên những “lợi thế mặc cả” đang được cải thiện nhanh chóng của Thái Nguyên. Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Bắc Mỹ và Tây Âu cần được dành sự quan tâm mạnh mẽ hơn. Định vị lại chức năng, vai trò (đặc thù, khác biệt) của Thái Nguyên trong “đội hình” phát triển quốc gia để có những đề xuất mang tính đổi mới về thể chế phù hợp.