Kế thừa di sản công nghiệp dệt may

Prato là thành phố công nghiệp dệt may lớn nhất Italy và là trung tâm thời trang may sẵn nổi tiếng toàn châu Âu. Kế thừa những di sản công nghiệp dệt may, ngày nay thành phố đã xây dựng tên tuổi theo chuẩn mực mới về tái chế, tái sử dụng, thu hồi và giảm thiểu rác thải dệt may.
0:00 / 0:00
0:00
Một cenciaiolo làm công việc tái chế vải. Ảnh: SHUTTER STOCK
Một cenciaiolo làm công việc tái chế vải. Ảnh: SHUTTER STOCK

Tại Prato, “cenciaiolo” là một thuật ngữ đặc biệt chỉ những nghệ nhân thành thạo việc phân loại vải vụn và hàng dệt may có thể tái chế. Đây là nghề truyền thống đã tồn tại ở thành phố thuộc vùng Tuscany trong hơn 100 năm qua. Hoạt động tái chế vật liệu dệt may bắt nguồn từ việc tránh lãng phí vải thừa hoặc hàng dệt lỗi vẫn còn có thể tái sử dụng. Sản phẩm sử dụng đồ tái chế cho thấy hiệu quả hơn về mặt chi phí so các sản phẩm mới, đặc biệt là những loại như sợi len và cashmere đắt đỏ.

Ông Mario Crisa Pavarini, một “cenciaiolo” lâu năm làm việc tại Công ty dệt Goritex cho biết: “Công việc này luôn làm chúng tôi say mê. Từ nhiều năm qua, thành phố đã đặt mục tiêu biến rác thải dệt may thành tài nguyên mới, đây là lý do tại sao chúng tôi coi trọng truyền thống độc đáo và lâu đời này. Công việc của cenciaiolo dường như tách biệt với thế giới tự động hóa ngày nay”. Cho dù đã đưa những tiến bộ công nghệ vào sản xuất, việc phân loại và tái chế vật liệu dệt may vẫn gần như thực hiện hoàn toàn thủ công, dựa trên kinh nghiệm của cenciaiolo.

“Khi rác thải dệt may được thu gom từ các thùng rác đô thị hoặc các nguồn cung cấp khác đến cơ sở phân loại tại Prato, nhiệm vụ đầu tiên là chọn ra những mặt hàng có giá trị có thể bán lại dưới dạng quần áo cổ điển”, ông cho hay. Sau đó, cenciaiolo sẽ phân loại những loại vải, sợi hay chất liệu khác nhau có thể thu hồi được. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và dày dạn kinh nghiệm. “Chúng tôi thu lại những sợi vàng hoặc bạc, các tấm lông thú lớn hoặc đinh, khuy bằng kim loại hay đá quý”, Pavarini cho biết. Nhìn chung, quá trình phân loại này có thể hấp thụ khoảng 70% lượng rác thải dệt may.

Khu công nghiệp Prato bao gồm khoảng 7.000 công ty trong lĩnh vực thời trang, trong đó có hơn 2.000 công ty dệt may. Trước đây, các công ty này chủ yếu sản xuất vải cho ngành may mặc, sản phẩm dệt may như sợi cho ngành dệt kim, vải không dệt và vải đặc biệt cho mục đích sử dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, thành phố đã phải chịu hậu quả của suy thoái kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp gia đình đều thất bại hoặc dừng hoạt động.

Nhà văn, cựu doanh nhân dệt may Marini Nesi nhớ lại, cuộc khủng hoảng của ngành dệt may đã khiến thành phố vật lộn để tồn tại và do đó phải định hình lại tầm nhìn của mình. “Prato từ lâu đã xây dựng bản sắc của mình là thành phố công nghiệp, trái ngược với Florence gần đó có bề dày về lịch sử nghệ thuật. Vì thế, những nghệ nhân cenciaiolo lại càng có vai trò quan trọng, là nghề truyền thống độc đáo ở Prato”, Nesi giải thích. Từ năm 2021, thành phố đã quảng bá và nâng cao nhận thức về các địa điểm và thực trạng của khu vực thông qua dự án Du lịch công nghiệp Prato (TIPO), được thiết kế để nhấn mạnh vào ý thức bảo vệ môi trường và quảng bá vẻ đẹp một đô thị với đầy các nhà máy công nghiệp.

Nhờ dự án TIPO, du khách có thể đến thăm những xưởng sản xuất đang hoạt động, tận mắt chứng kiến những “cenciaiolo” làm việc, hoặc ghé thăm nhà máy đã ngừng sử dụng, được chuyển đổi sang mục đích và chức năng mới. Trên thực tế, tại Prato, nhiều nhà thiết kế và hãng thời trang tới tìm kiếm những công ty thân thiện với môi trường có khả năng cung cấp các sản phẩm tái chế chất lượng cao, kết hợp giữa truyền thống, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nhiều công ty trong khu vực cung cấp vải đã được chứng nhận “bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”. Thí dụ, nhãn “len tái sinh” hay “sợi thân thiện môi trường” và là sản phẩm yêu thích của khách du lịch cũng như những nhà buôn lớn.