Giải pháp tiếp cận hệ thống y tế cho thợ mỏ

Chương trình sàng lọc bệnh lao di động giúp cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị kịp thời cho thợ mỏ tại Pakistan.
Thợ mỏ được sàng lọc bệnh lao ngay lối vào hầm mỏ. Ảnh: THE GUARDIAN
Thợ mỏ được sàng lọc bệnh lao ngay lối vào hầm mỏ. Ảnh: THE GUARDIAN

Thợ mỏ thường xuyên đối mặt nguy cơ mắc bệnh lao do điều kiện làm việc khắc nghiệt trong những hầm mỏ chật chội, thiếu thông thoáng. Họ cũng dễ mắc bệnh bụi phổi silic vì thường xuyên tiếp xúc với bụi mịn, gây sẹo phổi, từ đó làm tăng nguy cơ bị bệnh lao.

Tariq Irfan, một thợ mỏ làm việc tại các mỏ than Pakistan, tự nhận thấy công việc của mình tiềm tàng nguy cơ mắc bệnh. Anh cùng nhóm 10 công nhân phải đào 10-15 tấn than mỗi ngày và chỉ nhận được 2.300 rupee (khoảng 6,5 bảng Anh) cho mỗi tấn khai thác. Môi trường làm việc tối tăm, bụi bặm khiến sức khỏe anh ngày càng suy giảm. Tuy phát hiện mình không khỏe từ bốn năm trước, Irfan không thể nghỉ làm để đi khám vì sợ mất thu nhập và không có đủ tiền để trang trải chi phí y tế.

Bà Kinz Ul Eman, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Quỹ Dopasi chia sẻ, ngay cả khi thợ mỏ xin nghỉ phép để khám, chữa bệnh, họ cũng rất khó tiếp cận các cơ sở y tế do khoảng cách xa và sự thiếu hụt các phòng khám gần khu mỏ. Pakistan hiện là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, với hơn 600.000 ca mắc mới mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân nằm trong nhóm người yếu thế, khiến hệ thống y tế gặp khó khăn trong việc phát hiện và điều trị.

Nhằm giải quyết vấn đề này, năm 2019, Quỹ Dopasi đã triển khai chương trình sàng lọc lao di động cho thợ mỏ với sự hỗ trợ tài chính từ các đối tác ngăn chặn bệnh lao. Những trạm sàng lọc di động được đặt ngay gần lối vào mỏ than, giúp thợ mỏ không phải mất ngày công và có thể tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại nơi làm việc. Tính đến nay, chương trình đã khám sàng lọc cho khoảng 150.000 người. Tại đây, công nhân như Irfan có thể chụp X-quang ngực ngoài trời, với kết quả được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện dấu hiệu bệnh lao. Việc chẩn đoán nhanh chóng này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn hạn chế gánh nặng tài chính cho thợ mỏ từ chi phí khám bệnh.