Theo The Guardian, mỗi năm ước tính thế giới mất đi một vài trong tổng số 7.000 ngôn ngữ. Tốc độ ngôn ngữ mất đi đang tăng nhanh. Cách đây 10 năm, ước tính khoảng ba tháng, một ngôn ngữ sẽ bị “tuyệt chủng”. Tuy nhiên, năm 2019, chỉ khoảng 40 ngày một ngôn ngữ sẽ biến mất, tương đương 9 ngôn ngữ mất đi mỗi năm. Với tốc độ đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) dự đoán một nửa số ngôn ngữ trên thế giới sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.
Tochi Precious, nhà hoạt động ngôn ngữ người Nigeria cho biết: “Tôi rất đau lòng khi chứng kiến một ngôn ngữ đang dần biến mất, bởi vấn đề không chỉ nằm ở ngôn ngữ mà còn liên quan lịch sử và văn hóa gắn liền với nó. Khi ngôn ngữ biến mất, mọi thứ liên quan cũng chết theo”. Precious chia sẻ, khía cạnh cộng đồng đã thúc đẩy cô tham gia vào nỗ lực cứu tiếng Igbo - một ngôn ngữ Tây Phi được dự đoán sẽ tuyệt chủng vào năm 2025. Theo những nhà vận động như Precious, việc xây dựng hồ sơ về các từ và ý nghĩa, cách viết và cách sử dụng của chúng là điều quan trọng trong việc bảo tồn ngôn ngữ.
Đồng quan điểm nói trên, Amrit Sufi - người bản địa nói tiếng Angika ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ - thường xuyên ghi lại các video để bảo tồn nền văn hóa truyền miệng của mình, cũng như xây dựng các bản ghi chép và bản dịch sang tiếng Hindi. Sufi cho biết: “Ghi lại các bài hát dân gian là cách tôi tìm hiểu về nền văn hóa của mình và đóng góp công sức của mình cho nền văn hóa đó”.
Theo Sufi, mặc dù có khoảng 7 triệu người nói tiếng Angika, nhưng ngôn ngữ không được sử dụng trong trường học và hiếm khi được viết ra, khiến nó dần bị mai một. Người bản địa cũng ít sử dụng tiếng này vì lo ngại bị kỳ thị, coi Angika là ngôn ngữ thấp kém hơn so ngôn ngữ thống trị như tiếng Hindi.
Trong khi đó, đối với người Rohingya từ Myanmar, những người hiện chủ yếu sống tị nạn ở Bangladesh sau nhiều năm quốc gia rơi vào nội chiến, mối lo ngại về việc ngôn ngữ nói mai một do bị phân tán ra nước ngoài đã dẫn đến những nỗ lực phát triển một phiên bản chữ viết. Những cuốn sách được viết bằng chữ Rohingya Hanifi mới được phát triển hiện được phân phối tới hơn 500 trường học trong các trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Sahat Zia Hero, người làm việc tại Trung tâm Ký ức văn hóa Rohingya cho biết: “Sử dụng sách được dịch sang tiếng Rohingya, cũng như sách lịch sử, chính trị và giáo dục được xuất bản bằng tiếng Rohingya có thể đẩy nhanh đáng kể quá trình giáo dục cộng đồng của chúng tôi. Nếu ưu tiên dạy ngôn ngữ của mình, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, chúng ta có thể ngăn chặn sự mất mát cả về giáo dục và bản sắc văn hóa cho các thế hệ tương lai. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa kép là mất ngôn ngữ và tiếp cận giáo dục có ý nghĩa”.
Dù có những tín hiệu tích cực trong việc bảo tồn ngôn ngữ, song các nhà hoạt động cũng cho rằng, việc thuyết phục người dân sử dụng ngôn ngữ cổ là thách thức lớn. Precious cho biết, mặc dù tiếng Igbo là một trong những ngôn ngữ lớn nhất ở Nigeria, nhiều phụ huynh vẫn tin rằng chỉ có tiếng Anh mới có ích cho tương lai của trẻ. “Các phụ huynh cho rằng nếu con em họ không nói tiếng Anh, chúng không thuộc về nơi này, không phải là một phần của xã hội. Họ cũng nghĩ rằng con em họ sẽ không đi đâu được với tiếng Igbo,” Precious chia sẻ.
Dù khó khăn nhưng các nhà hoạt động vì ngôn ngữ học như Precious vẫn có niềm tin về việc bảo tồn ngôn ngữ cổ. “Tôi nhận ra rằng, ngôn ngữ có thể bị đe dọa nhưng những người nói ngôn ngữ đó cũng có thể đấu tranh để tồn tại. Năm 2025 đã đến rồi và chắc chắn tiếng Igbo sẽ không bị tuyệt chủng”, Precious khẳng định.