Theo CNN, thị trấn Longyearbyen, nơi được mệnh danh là “Thủ phủ cực Bắc”, có khoảng 2.500 cư dân, nằm ở vị trí trung tâm của quần đảo Svalbard. Nơi đây không chỉ là thị trấn trung tâm xa nhất ở cực Bắc trên Trái đất, mà còn là “căn cứ” duy trì những hoạt động kinh tế và nghiên cứu khoa học với sự tham gia của công dân từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn với những người yêu thích khám phá.
Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Cecilia Blomdahl đã chuyển đến Longyearbyen, Svalbard từ năm 2015. Cô chia sẻ: “Khi sống ở đây, tôi thật sự đắm chìm vào thiên nhiên yên tĩnh và thanh bình”. Nhưng so những nơi khác trên Trái đất, cuộc sống ở Svalbard thật sự khắc nghiệt. Nhiệt độ có khi giảm xuống dưới âm 30oC, gấu và cáo Bắc Cực thỉnh thoảng lang thang trên đường phố địa phương, đe dọa tấn công bất chợt. Vào mùa hè, thời tiết dễ chịu hơn và dù không có tuyết rơi nhưng mặt trời chiếu sáng liên tục trong nhiều tháng. Ngược lại, mùa đông luôn tối tăm, thường xuyên có bão tuyết, tuyết lở.
“Chúng tôi luôn phải mang theo đồ bảo hộ đề phòng gấu Bắc Cực khi đi ra ngoài các khu định cư, đây là quy định bắt buộc về mặt pháp lý ở Svalbard”, Blomdahl cho biết. Cô và những cư dân Svalbard khác luôn mặc sẵn đồ bảo hộ gấu, họ có thể còn phải mang theo súng khi tới những địa điểm gấu thường xuất hiện. Dù vậy, nhiếp ảnh gia chia sẻ: “Một ngày bình thường ở đây lại rất khác biệt, tôi có thể uống cà-phê ngắm Bắc Cực quang, hoặc nhìn thấy mặt trời lúc nửa đêm”. Cộng đồng Svalbard đều có chung những trải nghiệm như vậy.
Một năm ở Svalbard được đánh dấu bằng hai giai đoạn ánh sáng bất thường là đêm cực và ngày cực - khi thì bóng tối kéo dài, khi thì mặt trời chiếu sáng liên tục. Đêm cực là hiện tượng ngược lại với mặt trời lúc nửa đêm (ngày cực), khi mặt trời không xuất hiện phía trên đường chân trời. Đêm cực kéo dài từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 1; ngày cực kéo dài khoảng 4 tháng, từ giữa tháng 4 đến tháng 8, là khi mặt trời không lặn dưới đường chân trời.
Với vai trò và vị trí đặc biệt của mình, từ nhiều năm qua, Svalbard đã được trang bị đầy đủ từ dịch vụ thiết yếu đến các tiện nghi để duy trì cuộc sống. Thị trấn Longyearbyen có đủ cơ sở hạ tầng như một thành phố, bao gồm sân bay, bệnh viện, cơ sở giáo dục các cấp cho trẻ và trung tâm nghiên cứu thuộc đại học, sau đại học… Hiện nay, người dân từ khoảng 50 quốc gia khác nhau đang sinh sống ở thị trấn Longyearbyen và một số vùng khác của Svalbard. Phần lớn họ làm việc trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học và du lịch theo mùa.
Địa điểm được biết đến nhiều nhất tại đây có lẽ là Kho lưu trữ hạt giống dự phòng Svalbard tại Longyearbyen, do Ngân hàng Gene Bắc Âu (NordGen) thành lập từ năm 1984. Nơi đây được xem là ngân hàng gene toàn cầu, nơi lưu trữ dự phòng các loại thực vật trên toàn thế giới. Ngày nay, Kho hạt giống toàn cầu Svalbard được đặt trong lớp đá rắn của một ngọn núi băng vĩnh cửu.
Hoạt động khoa học và nghiên cứu là một đặc thù ở Svalbard. Với điều kiện độc đáo, sinh viên và nhà nghiên cứu chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số Longyearbyen. Trường đại học Svalbard (UNIS) đã trở thành trung tâm nghiên cứu Bắc Cực toàn cầu. Có gần 750 sinh viên đang theo học tại UNIS, trong đó khoảng 50% là sinh viên liên kết với các trường đại học khác của Na Uy, còn lại là sinh viên đến từ các trường đại học quốc tế. UNIS chuyên về Sinh học Bắc Cực, Địa chất Bắc Cực, Địa vật lý Bắc Cực và Công nghệ Bắc Cực.
Ở đảo Spitsbergen, một hòn đảo khác trong quần đảo Svalbard, các nhà khoa học từ 11 nước đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu Ny-Alesund. Ny-Alesund đóng vai trò là trạm nghiên cứu quanh năm ở cực Bắc thế giới.