Quốc đảo Barbados ở Caribe đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Trong tiến trình đó, việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng thân thiện môi trường là cần thiết. Nhưng điều này cũng có thể gây ra khó khăn khi không nhiều người dân ở đây đủ khả năng mua ô-tô điện. Quốc gia này đã xem xét phương án sử dụng mía làm nhiên liệu sinh học, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vốn phải nhập khẩu tốn kém. Tuy nhiên, vẫn cần chi phí rất lớn nếu chuyển đổi theo hướng này.
Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng sang giải pháp khả thi hơn. Kỹ sư cơ khí Legena Henry là giảng viên tại Trường đại học West Indies (Jamaica) cho biết, chứng kiến những chiếc xe tải chở rong biển từ các bãi biển đi tiêu hủy, bà cùng nhóm nghiên cứu đã quyết định theo đuổi ý tưởng sản xuất nhiên liệu sinh học từ rong biển dùng cho xe ô-tô. Tiến sĩ Legena Henry giải thích rằng, giống tảo biển sargassum rất sẵn có để chuyển đổi thành sinh khối cung cấp năng lượng cho ô-tô. “Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng rất nhiều do tảo biển, các khách sạn đã chi hàng triệu USD để giải quyết vấn đề này. Đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích”, bà khẳng định.
Từ khoảng năm 2011, quốc đảo Barbados đã phải đối mặt một cuộc “khủng hoảng rong biển”, khi rong biển phát triển mạnh do tình trạng đại dương ấm lên và ô nhiễm gia tăng. Người dân địa phương đã rất bối rối khi những đám rong biển xâm lấn lớn dạt vào các bãi biển. Rong bắt đầu thối rữa, khiến các khu nghỉ dưỡng ven biển phải chi hàng triệu USD mỗi năm để dọn dẹp. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này thật sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan chưa từng có đối với những hòn đảo nhỏ phụ thuộc vào du lịch và có nguồn tài nguyên hạn chế. Năm 2018, chính quyền Barbados đã tuyên bố “tảo sargassum là tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Theo Nature, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng thay vì đưa đến bãi rác, rong biển có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu, vừa giảm ảnh hưởng tới ngành du lịch, vừa giúp bảo vệ sức khỏe con người. Phát triển từ phòng thí nghiệm, hiện nay nhóm của bà Henry đã tạo ra các lò phản ứng cỡ nhỏ, sản xuất khí thiên nhiên nén dùng cho xe hơi từ rong biển và nước thải của nhà máy chưng cất rượu rum. Nguồn khí thiên nhiên này cũng đã được thử nghiệm để vận hành xe hơi thành công. Theo bà Henry, để chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học như vậy, các loại xe động cơ đốt trong hiện nay có thể lắp thêm một bộ dụng cụ với thời gian lắp đặt chỉ khoảng bốn giờ và chi phí chỉ khoảng 2.500 USD, bằng một phần nhỏ so chi phí mua một chiếc xe ô-tô điện.
Hiện, bà Legena Henry đã cùng các cộng sự mở Công ty Rum and Sargassum để thương mại hóa sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Về lâu dài, công ty đặt mục tiêu cung cấp nhiên liệu cho 100.000 ô-tô, chiếm khoảng 75% tổng số xe ở Barbados. Điều này sẽ giúp giảm khoảng 14 triệu tấn CO2 thải ra không khí, đồng thời cũng giảm một nửa chi phí nhiên liệu cho chủ xe.
Các nhà khoa học cho rằng, sản xuất khí sinh học từ rong biển có thể là giải pháp thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch hiện nay trên các quốc đảo như Barbados. Trong khi chờ đợi những cuộc cải cách lớn, dự án này là một thí dụ cho thấy những doanh nghiệp nhỏ ở vùng Caribe đang nắm bắt cơ hội để giải quyết vấn đề môi trường của mình. Barbados cũng đã lên kế hoạch mở rộng các hoạt động giao thông sử dụng xăng sinh học như taxi, xe bus công cộng… và nâng cấp một số trạm khí sinh học để thay thế nhiên liệu hóa thạch.