Thoát nghèo nhờ rừng tre

Theo The Guardian, việc khôi phục quyền sử dụng rừng đã giúp một ngôi làng nhỏ tại Ấn Độ xây dựng doanh nghiệp, tăng thu nhập, và giảm tình trạng người dân phải di cư đến thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng Gajanan Themke. Ảnh: THE GUARDIAN
Vợ chồng Gajanan Themke. Ảnh: THE GUARDIAN

Pachgaon là một ngôi làng nhỏ tại Ấn Độ với khoảng 300 cư dân, từng phải đối mặt với đói nghèo triền miên. Do mùa màng bấp bênh và lũ lụt xảy ra thường xuyên, nhiều nông dân tại đây buộc phải di cư đến các bang như Karnataka và Gujarat để làm các công việc tay chân, nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Với việc giành lại quyền quản lý khu rừng 1.006 ha vào năm 2012, làng Pachgaon đã thay đổi hoàn toàn.

Theo Đạo luật Quyền rừng năm 2006 và Đạo luật Panchayat năm 1996 của Ấn Độ, các hội đồng làng có thể xin giấy phép để quản lý và khai thác trong mức cho phép nguồn tài nguyên từ rừng. Tuy nhiên, do người dân thiếu nhận thức và sự trì hoãn từ chính quyền, ít nơi thực hiện thành công các đạo luật này. Một nhà vận động tên Vijay Dethe là người đã đứng ra hướng dẫn dân làng Pachgaon khai thác tiềm năng từ rừng tre và chỉ họ cách giành quyền lợi từ Đạo luật Quyền rừng. Năm 2012, sau 3 năm kiên trì xin cấp quyền, Pachgaon chính thức được cấp giấy sở hữu và kiểm soát 1.006 ha đất rừng. Với quyền khai thác tre, nhiều dân làng đã trở về từ các thành phố và tre trở thành nguồn thu nhập chính của họ.

Nguồn thu từ việc khai thác và bán tre mang lại sự ổn định tài chính cho cả làng. Năm 2013, ngôi làng bán được 8.100 bó tre với giá khoảng 700.000 rupee (tương đương 8.100 USD), và chỉ một năm sau, con số này tăng hơn gấp đôi, đạt 2,7 triệu rupee (khoảng 31.500 USD). Doanh thu hằng năm trong thập kỷ qua thường ở mức gần 6 triệu rupee (70.000 USD), mặc dù giảm xuống dưới 800.000 rupee (9.300 USD) trong năm đại dịch Covid-19.

Công việc kinh doanh không chỉ tạo việc làm ngay tại làng mà còn giúp dân làng tiết kiệm để đầu tư vào tương lai. Gajanan Themke, một thành viên của hội đồng làng chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi không có gì ngoài gánh nặng nợ nần. Nhờ thu nhập ổn định, tôi và vợ đã xây được căn nhà bê-tông mới, trồng thêm vườn rau nhỏ vừa dùng cho gia đình vừa có thể chia sẻ với hàng xóm".

Bên cạnh đó, nguồn thu từ rừng còn tạo điều kiện cải thiện chất lượng giáo dục. Ngày càng nhiều học sinh nơi đây được đi học đại học, vốn là điều chưa từng có. Hiện tại, Pachgaon đã có 2 người hoàn thành bằng thạc sĩ, một cột mốc đáng tự hào đối với ngôi làng từng chật vật mưu sinh.

Ngoài việc cải thiện kinh tế và giáo dục, đời sống xã hội tại Pachgaon cũng thay đổi đáng kể. Các chương trình tài trợ từ lợi nhuận rừng giúp dân làng xây dựng nhà cửa khang trang hơn, cung cấp nguyên liệu để sửa chữa mái nhà và hỗ trợ các gia đình nghèo. Một trong những thành công của Pachgaon là bảo đảm bình đẳng cho tất cả người dân. Mọi người tham gia công việc kinh doanh từ rừng đều được trả lương ngang nhau, bất kể giới tính hay vai trò, và không có hệ thống cấp bậc trong quản lý. Điều này thúc đẩy tinh thần đoàn kết và tạo động lực cho mọi người đóng góp. Anh Themke chia sẻ: "Chúng tôi từng không thể tạo ra việc làm, và nhiều người đã phải bỏ làng đi. Giờ đây, ai cũng có cơ hội kiếm sống ngay tại quê hương của mình với quyền sử dụng rừng".

Nhận thức được tài nguyên rừng là có hạn, dân làng Pachgaon chủ động bảo vệ rừng hiện có và mở rộng diện tích trồng tre. Hội đồng làng đã dùng lợi nhuận để mua hơn bốn ha đất, xây dựng các kho lưu trữ và triển khai dự án chế biến sản phẩm từ rừng. Ngôi làng cũng nộp đơn xin quyền sở hữu thêm 900 ha đất rừng vào năm 2014 và hiện chờ phê duyệt. Nếu được chấp thuận, nguồn tài nguyên bổ sung sẽ giúp mở rộng quy mô kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và bảo đảm sự phát triển lâu dài.

Làng Pachgaon là minh chứng sống động cho thấy rằng, việc quản lý tài nguyên bền vững không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ sau này.