Ngày 29/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng một số quan chức Pháp đã có mặt tại Nhà thờ Đức Bà để thị sát công tác phục dựng. Đây là lần đầu công chúng được quan sát phía bên trong của công trình này sau thời gian 5 năm. Theo Le Monde, ông Macron đã tỏ ra vô cùng bất ngờ trước diện mạo tráng lệ bên trong nhà thờ. “Nhà thờ Notre Dame hiện tại thậm chí còn đẹp hơn trước. Công trình phục dựng này, một thách thức mà nhiều người cho là không thể, nay đã thành hiện thực", Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Ước tính, tổng chi phí cho dự án lên tới gần 700 triệu euro (hơn 739 triệu USD). Số tiền phục dựng chủ yếu sử dụng từ 846 triệu euro do 150 quốc gia trên thế giới quyên góp. Nhà thờ sẽ mở cửa đón khách trở lại vào ngày 7/12. Lễ khánh thành dự kiến có sự tham dự của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng nhiều quan chức cấp cao khác trên thế giới.
Theo France 24, để có được công trình hoàn hảo như hiện tại, trong suốt nửa thập kỷ qua, đã có sự chung tay của khoảng 2.000 người, từ các nghệ nhân chế tác gỗ, kim loại, đá, đến các thợ xây, thợ thủ công, kỹ sư và nhà nghiên cứu... Tổng thống Macron chia sẻ đây là cơ hội để cảm ơn tất cả những người đã cống hiến cho công trình này.
Will Gusakov, một thợ mộc tại Vermont (Mỹ), biết về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà năm 2019 khi một người bạn ở Paris gửi cho anh một bức ảnh. "Tôi đã không tin nổi. Làm sao điều đó có thể xảy ra được?", Gusakov cảm thán. Gusakov sau đó tham gia Carpenters Without Borders, một tổ chức có trụ sở tại Pháp gồm những người thợ mộc tình nguyện khôi phục các công trình độc đáo. Để thuận tiện cho việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà, Gusakov cùng vợ và các con đã chuyển đến vùng nông thôn Normandy (Pháp) trong 6 tháng. Gusakov tiết lộ, để làm lại phần chóp và mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris, các thợ mộc đã sử dụng tới gần 2.000 cây gỗ sồi. “Việc xây dựng phần khung mái vòm vô cùng phức tạp vì về cơ bản chúng tôi đang tạo ra một bản sao dựa trên bộ khung trước đây, song vẫn cố gắng để phần khung mới có những nét riêng biệt, phù hợp thời đại”, Gusakov cho biết.
Dù không bị thiêu rụi, song chiếc đàn organ bên trong nhà thờ - một trong những đàn organ lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất ở Pháp - cũng bị bao phủ vì khói bụi, tro tàn. Ông Johan Deblieck (Bỉ), là một trong những người đảm nhiệm chính việc phục chế cây đàn. Theo ông Deblieck, cây đàn này có tới 8.000 ống, trong đó một số ống cao tới 10 m, do đó, ông cùng các cộng sự đã mất tới hơn 2 năm để làm sạch, phục dựng lại các chi tiết này. Dù vậy, vẫn phải mất khoảng nửa năm nữa cho công tác khắc phục để cây đàn có thể đạt được chất lượng âm thanh giống trước đây.
Một trong những “báu vật” khác của Nhà thờ Đức Bà là những ô cửa sổ kính mầu, không bị hư hại đáng kể sau trận hỏa hoạn. Tuy nhiên, đám cháy đã làm ố nhiều ô cửa sổ, nên nhà chức trách đã tháo dỡ toàn bộ để vệ sinh và làm mới. Đó là lúc Stefan Lücking (Đức) vào cuộc. Lücking cùng các cộng sự đã dành thời gian hơn 2 năm, từ mùa hè năm 2022 đến tháng 9 vừa qua, để hoàn tất quy trình phục chế và lắp ráp các cửa sổ có diện tích 72 m2. Chia sẻ về quá trình này, Lücking bày tỏ sự tự hào khi góp phần công sức vào việc phục dựng nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới. "Thật ấn tượng khi nhìn thấy nhà thờ sau khi hoàn thiện. Tôi đã vô cùng choáng ngợp khi chứng kiến khoảng 400 - 500 người làm việc trong nhà thờ", Lücking nói thêm.
Sau khi mở cửa trở lại, các nhà chức trách ước tính, công trình nổi tiếng này sẽ thu hút 14 đến 15 triệu du khách mỗi năm, vượt qua con số 12 triệu du khách vào năm 2017.