Hướng đến quyền lợi người bệnh

Chỉ trong hai ngày 3, 4/3/2023, Nghị định 07 và Nghị quyết số 30 của Chính phủ đã được ban hành với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, bảo đảm đủ thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cấp bách của người dân. Tất cả vì mục tiêu hướng đến chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Các thiết bị y tế liên doanh, liên kết hết hạn hợp đồng đã được phép sử dụng trở lại phục vụ bệnh nhân. Ảnh: HẢI NAM
Các thiết bị y tế liên doanh, liên kết hết hạn hợp đồng đã được phép sử dụng trở lại phục vụ bệnh nhân. Ảnh: HẢI NAM

Gỡ khó trong mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị

Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 với những quy định mới hết sức cần thiết, thuận lợi cho việc tổ chức mua sắm đấu thầu, nhất là quy định về báo giá đã rất rõ ràng để các bệnh viện thực hiện (đơn vị được phép xác định giá gói thầu đối với các gói thầu không tìm được hai hoặc ba báo giá vì đó là nhà phân phối độc quyền và không thể thẩm định giá được).

Nghị quyết cũng tháo gỡ nút thắt để bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục thanh toán các dịch vụ kỹ thuật các máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Được phép sử dụng trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Còn đối với Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã cho phép nhập khẩu thông quan, cấp phép cho các thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất. Đó là việc tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trong nhập khẩu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư, hóa chất do số giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế hết hạn; đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành cũng như những vướng mắc của doanh nghiệp…

Là bệnh viện chuyên ngành điều trị ung thư nhưng cả Bệnh viện K chỉ có năm máy xạ trị. Trong đó, có hai máy hỏng và không thể thay thế được linh kiện đúng hãng. Nguyên nhân là khi đấu thầu, bệnh viện có thể mua phải sản phẩm không đồng bộ. Còn nếu khi đấu thầu, chỉ rõ thông số kỹ thuật thì có thể bị coi là chỉ định thầu. Với việc ra đời Nghị quyết 30 đã giúp bệnh viện đấu thầu, mua thiết bị đúng hãng mà không sợ sai quy định. GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: “Do là chỉ có một nhà cung cấp nên chúng tôi không thể có hai-ba báo giá cùng lúc được. Nay, được mở nút thắt này thì sau 10 ngày có thông báo giá, nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ ký để tiến hành đấu thầu, sửa chữa máy hỏng”.

Tại Bệnh viện Việt Đức, những ngày qua đã có hàng trăm bệnh nhân phải hoãn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên phẫu thuật những ca cấp cứu và bệnh nhân rất nặng. Nhiều ca chấn thương kéo dài thời gian chờ được mổ và thậm chí có bệnh nhân có chỉ định mổ cũng phải trì hoãn. Ngoài ra, ở một số bệnh viện đầu ngành, nhiều người nhà bệnh nhân phải mua một số vật tư y tế như thuốc đến cả chỉ khâu phẫu thuật. Giờ đây, các bệnh viện đã có thể triển khai sớm nhất các điều kiện để phục vụ người bệnh.

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Trong vòng một tuần nữa, các nhà cung cấp hứa sẽ cung cấp đầy đủ vật tư, hóa chất. Có nghĩa là với Nghị quyết 30, việc mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị đã được cởi trói và trong vòng một tuần nữa, Bệnh viện Việt Đức sẽ trở lại hoạt động bình thường”. Lãnh đạo các bệnh viện khẳng định, bên cạnh việc tháo gỡ các khó khăn thì các bệnh viện phải chịu trách nhiệm việc làm của mình, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng vật tư hóa chất và cơ sở y tế không được lợi dụng việc tháo gỡ để trục lợi cho cá nhân, tập thể.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, một số trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm là liên doanh, liên kết như máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy đã ngừng hoạt động hơn một năm sau khi hết hạn hợp đồng. Cùng với đó là hai máy cộng hưởng từ, hai máy Xquang và hệ thống máy PET City cũng đã kết thúc hợp đồng cách đây hai năm. Những thiết bị này phục vụ cho hàng trăm bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày. Theo Nghị quyết 30, những máy móc này đã được phép hoạt động trở lại. PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nghị quyết 30 đã mở cho Bệnh viện Bạch Mai trước mắt chưa cần phải làm sở hữu toàn dân để đưa các thiết bị hữu ích vào hoạt động mà BHYT vẫn thanh toán cho người dân, đây có thể coi là bước “cởi trói” rất lớn!”.

Hướng đến quyền lợi người bệnh ảnh 1

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được tạo thuận lợi. Ảnh: NHƯ AN

Người bệnh hưởng lợi

Cùng trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến Nghị định 07 và Nghị quyết số 30 của Chính phủ, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nghị định 07 thay thế cho Nghị định 98 của Chính phủ đã cho phép việc nhập khẩu, thông quan các hàng hóa, trang thiết bị y tế một cách dễ dàng. Đặc biệt là các thiết bị đã về đến cảng, cửa khẩu mà chưa được nhập về trong nước từ đó có trang thiết bị để cung ứng cho các bệnh viện.

Nghị quyết 30 tháo gỡ đã giúp cho các bệnh viện hoàn toàn thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Người dân là người được hưởng lợi nhiều nhất và đặc biệt là các kỹ thuật, thủ thuật được thực hiện bởi các máy móc này lại được BHYT thanh toán cho người dân. “Cá nhân tôi là một quản lý bệnh viện, tôi rất mừng, mừng cho bệnh viện và mừng cho người dân được hưởng lợi”, ông Cơ chia sẻ.

Bệnh viện Bạch Mai có lúc như “ngồi trên đống lửa” về tất cả các xét nghiệm máu. Nếu không tháo gỡ thì nhiều bệnh viện lớn khác cũng như vậy. Vì không có máy, các bệnh viện không biết dựa vào đâu để đi thuê xét nghiệm hay dừng xét nghiệm. Nếu một bệnh nhân đến mà chỉ khám lâm sàng, không xét nghiệm thì các bác sĩ sẽ không thể dựa được vào bằng chứng để chẩn đoán chính xác. Bên cạnh đó, Nghị quyết 30 của Chính phủ tiếp tục thanh toán khám, chữa bệnh bằng BHYT đối với dịch vụ, kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp dưới dạng đặt, mượn mà trước đây là điểm rất vướng do yêu cầu không thanh toán BHYT cho các dịch vụ thực hiện trên thiết bị hợp đồng ký sau ngày 5/11/2022. “Với Nghị quyết 30, tất cả những gói thầu mà chúng tôi đang thực hiện sẽ được ký kết hợp đồng thầu. Người bệnh được hưởng lợi từ Nghị quyết 30 có nghĩa là sẽ được thanh toán những xét nghiệm, những kỹ thuật thực hiện trên máy đặt mượn sau khi trúng thầu hóa chất, vật tư ở bệnh viện. Đây là cái cơ bản, quan trọng nhất của văn bản này”, ông Cơ khẳng định.

Một trong những điểm mới trong Nghị quyết 30 là vấn đề gỡ vướng “ba báo giá” đối với gói thầu. Bệnh viện Bạch Mai hiện có khoảng 2.000 mặt hàng cần đấu thầu, mua sắm phục vụ chẩn đoán và khám, chữa bệnh. Thế nhưng, hai phần ba trong số đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc là có giá tham chiếu cao. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện lấy báo giá các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm từ các công ty trên trang web. Tuy nhiên, sau hai lần xin thông báo, bệnh viện chỉ nhận được một phần ba trong số các mặt hàng đó có đủ ba báo giá, còn lại hoặc là không có báo giá hoặc chỉ có một hoặc hai báo giá. Như vậy, gói thầu không thực hiện được.

Thực tế, có những loại máy móc, thiết bị trên thế giới chỉ có một công ty sản xuất, họ vào Việt Nam cũng chỉ có một đại diện, có nghĩa chỉ có một báo giá của một công ty duy nhất, nên hiện tại các bệnh viện đang rất vướng về “ba báo giá”. Theo quy định, mua các linh kiện vẫn phải có ba báo giá. Trong khi, máy chính chỉ do một hãng sản xuất, một công ty phân phối thì không bao giờ thay được thiết bị đó. Điều đó gây hệ quả, cả chiếc máy không hoạt động được. Đơn cử như việc các bệnh viện loay hoay thay cái bóng ở máy cộng hưởng từ thì nay, những loại linh kiện này hoàn toàn có thể thay thế một cách dễ dàng với một báo giá mà vẫn bảo đảm những quy định theo Nghị quyết 30 của Chính phủ…

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều công ty, nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức đã trao tặng cho các bệnh viện thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sau giai đoạn phòng, chống dịch thì những thiết bị này hoàn toàn có thể phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt, tại các Bệnh viện như Bạch Mai có rất nhiều thiết bị liên doanh, liên kết và sau khi hết hợp đồng các công ty, nhà đầu tư tặng lại cho bệnh viện. Những thiết bị này hoàn toàn có thể sử dụng được. Trước đây, những máy cho, tặng, biếu phải làm quy trình sở hữu toàn dân, nhưng nay, Nghị quyết 30 cho phép, trong giai đoạn cấp bách, khẩn cấp vẫn có thể đưa vào hoạt động phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Như vậy, các bệnh viện có thể đưa chúng vào hoạt động phục vụ công tác khám, chữa bệnh và người dân được thanh toán BHYT từ những kỹ thuật thực hiện trên các thiết bị này.