Họa sĩ Hắc Long - Đi giữa đời... không còn lặng lẽ!

Nếu chỉ ngắm những bức tranh khổ lớn thấm đẫm tình quê Kinh Bắc, vẽ hết mình này của ông, ít người còn biết ông là võ sư - chưởng môn của môn phái Thiếu lâm kung fu Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Xuống chợ” của họa sĩ Hắc Long.
Tác phẩm “Xuống chợ” của họa sĩ Hắc Long.

Tình dân gian… khổ lớn!

Từ 25/10 đến 2/11/2023, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra một triển lãm rất đáng nhớ mang tên “Quê nhà”. Tác giả của triển lãm cá nhân lần thứ III tại Hà Nội này là họa sĩ Hắc Long.

Tôi được biết Hắc Long từ triển lãm cá nhân lần đầu tiên mang tên “Đi giữa đời lặng lẽ” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài. Triển lãm lần đó trưng bày hơn 80 tác phẩm tranh đủ các khổ to nhỏ bằng các chất liệu acrylic, sơn dầu, bột mầu được ông làm liên tục suốt bốn năm để đưa ra những cái nhìn minh triết ngồ ngộ chung quanh võ thuật dưới con mắt tạo hình của thị giác. Triển lãm lần thứ hai của ông mang cái tên ngắn gọn là “Lộ” (con đường) của ông diễn ra cách đây đúng 10 năm trước (2013) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) với các tác phẩm sơn dầu - acrylic vẫn xoay quanh hai chủ đề đời và đạo (võ thuật và đạo Phật) với nhiều mảng mầu xanh, chứng tỏ sự bền bỉ và hưng phấn với hội họa của ông bằng trái tim đa cảm trên hành trình sống…

Tưởng đã hiểu và cảm về phong cách của Hắc Long cho đến mức quen thuộc, nhưng cho đến khi được ngắm tận mắt hơn năm chục tác phẩm ông dự định trưng bày lần này, thì tôi lại không hết ngạc nhiên giật mình. Điều ngạc nhiên đầu tiên tôi hỏi ông, tại sao anh làm “khủng” vậy, khi sắp bước đến tuổi ngũ thập, mà toàn tranh “đẫm tình” và với khổ lớn với những “tông” mầu khỏe đỏ, vàng, lam… Ông cười cười cho biết là do tầng một Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền không đủ rộng, nên ông chỉ có thể treo ghép đôi được chừng 30 bức. Và vẫn cười, ông nói rằng càng vẽ thì càng thấy tình yêu hội họa và tình quê đằm thắm trong sự hướng tới lần này, nên càng khỏe vậy thôi. Điều ngạc nhiên thứ hai tôi hỏi ông, là nếu như em không từng được biết anh là võ sư nổi tiếng ở Thái Nguyên, thì xem tranh triển lãm cá nhân lần thứ ba này, ít ai sẽ biết được tác giả “siêu võ” như những lần triển lãm trước. Bởi loạt tranh này không còn “giữa đời lặng lẽ” như lần đầu, mà chỉ toàn các chuyện kể bằng hình ảnh về đời sống tình cảm giản phác của con người như “Điếu thuốc lào”, “Khúc nhạc đồng quê”, “Trẻ chơi chim mùa hè”, “Bán thúng”, “Góc chợ chiều”, “Những bà vãi già”, “Láng giềng”, “Tự tình” cho đến những lễ hội dân gian như: “Làn điệu dân ca”, “Đám cưới người Dao”, “Múa nghê”… Hoặc là những hình ảnh biểu tượng đa hướng như: “Khiêu vũ”, “Quan họ”, “Tễu”, “Tiến sĩ Giấy” hay “Ông thầy năm Sửu”. Xem triển lãm lần này của ông, có cảm giác đa hướng như dự một bữa tiệc đủ từ “truyện ngắn” đến “tiểu thuyết”, xoay quanh hai chữ “tình” và “tếu” thấm đậm sự hóm hỉnh vui tươi với triết lý sống dân gian đương đại…

Từ cái nhìn tự bạch…

Nghe tôi thắc mắc dồn dập, họa sĩ Hắc Long vẫn mỉm cười và chầm chậm rút ra bản giấy mời và hỏi lại bằng giọng chầm chậm ấm áp tôi vẫn thường được nghe từ bậc đàn anh là tôi có viết lời tự bạch đây và sẽ treo ở triển lãm, liệu thế đã đủ chưa?

Đúng là đọc xong lời tự bạch của ông, tôi không thể hỏi thêm được điều gì, mà chỉ muốn quay sang… hỏi những bức tranh. Ông viết: “Với tôi, con đường nghệ thuật là phương tiện thiện xảo để tu thân, là năng lượng tưới tắm cho tâm hồn rộng mở và nguồn mỹ cảm sâu xa từ trong tâm thức, là hành trang để tự tại bước trên lộ trình đến với cái đẹp”.

Nếu ai đọc lời tự bạch và xem loạt tranh xoay quanh sự thích thú và tươi tắn, thích ngôn ngữ hình tướng học nhưng lại có ảnh hưởng từ nghệ thuật đình làng Kinh Bắc để áp dụng trên mặt phẳng hai chiều và hướng tới tinh thần nghệ thuật dân gian lần này của Hắc Long. Hẳn ai cũng sẽ ngạc nhiên nếu biết thêm rằng ông vẫn duy trì tu thân hướng đạo Phật tại gia, với pháp danh Thích Thiện Thiền. Nhận xét về phong cách hội họa của Hắc Long, họa sĩ cao niên Lê Trọng Lân - thành viên Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam có mấy ý ngắn gọn như sau: “Mầu sắc đẹp, bộc lộ một tinh thần lạc quan, yêu đời. Hình khối khỏe mạnh có ảnh hưởng của các trường phái Hiện đại nhưng vẫn có tính hài dí dỏm - hồn của dân tộc. Bố cục có yếu tố khái quát, tượng trưng của yếu tố dân gian đương đại. Không gian giới hạn nhưng vẫn có chiều sâu… có sự cân đối giữa hiện thực và cách điệu, cường điệu nhân vật. Chúc sức khoẻ, may mắn và triển lãm thắng lợi!”.