<p>Nhân vật</p>

Họa sĩ Đào Hải Phong: “Nghệ thuật không nên nhìn đời bằng con mắt tối tăm”

NDO - Trong một chiều cuối năm, họa sĩ Đào Hải Phong - một gương mặt nổi bật của hội họa Việt Nam từ cuối thập niên 1990 đến nay đã bộc bạch những suy tư của anh về tương lai gần của mỹ thuật Việt Nam và cả không ít đắn đo về bản sắc hội họa Việt Nam hiện đại.
Họa sĩ Đào Hải Phong: “Nghệ thuật không nên nhìn đời bằng con mắt tối tăm”

ĐỪNG NHÌN XÃ HỘI BẰNG CON MẮT TỐI TĂM

Năm 2012 tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng lại là năm có nhiều triển lãm mỹ thuật của cá nhân nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ tự đầu tư để thực hiện. Đây là dấu hiệu tích cực trong hoạt động nghề nghiệp. Cảm nhận của anh qua các triển lãm đã xem, những nghệ sĩ mà anh từng trò chuyện thế nào?

Để trả lời cho rốt ráo câu hỏi này chắc cùng phải mất đến vài tiếng đồng hồ (cười). Đúng là năm vừa rồi, tôi có đi xem nhiều triển lãm của các bạn trẻ. Tôi xem họ đang làm nghệ thuật như thế nào. Đúng hơn là tôi muốn biết họ đang nghĩ thế nào về nghệ thuật và xã hội, thông qua những sáng tạo cá nhân. Tôi vui vì thấy họ có điều kiện làm nghệ thuật tốt, tranh khổ lớn, số lượng nhiều, tổ chức sự kiện ra mắt lớn. Vui hơn vì có nhiều người trẻ tâm huyết với mỹ thuật. Nhưng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về những gì mà họ đang làm, đang biểu hiện. Tôi không hiểu tại sao các bạn ấy phải nhìn đời với con mắt tối tăm như vậy. Tại sao phải vẽ cả những cảnh bao nhiêu con người hì hụi đẩy cái xe Rolls Royce giữa lụt lội? Tại sao lại phải đưa hàng tấn dây điện xấu xí vào trong một không gian triển lãm cùng xấu xí chẳng kém để nói về phố xá Hà Nội hôm nay? Rồi thì vẽ về gái điếm, về cảnh ăn chơi xa xỉ...

Anh tự hỏi và đến giờ vẫn chưa tìm ra được câu trả lời?

Tôi nghĩ nhiều hơn và tiếp tục đặt ra những giả định. Vì rõ ràng, câu trả lời đúng nhất chỉ có tự thân tác giả đó biết mà thôi.

Vậy thì anh có thể tiếp tục đưa ra các giả định của mình? Có thể, anh sẽ thấy nghệ thuật của họ đang nói những câu chuyện khác hẳn với của anh và anh không thích. Sự khác nhau giữa các thế hệ là đương nhiên mà?

Vấn đề có lẽ rộng hơn ý thích nhỏ hẹp của cá nhân tôi. Trong các triển lãm, đôi khi chỉ là thoảng qua, nhưng tôi kịp đọc được sự hằn học trong ánh nhìn của một số đồng nghiệp trẻ về phía mình. Phải chăng, họ thấy mình làm nhiều vậy mà sao chưa được xã hội rộng rãi đón nhận và “nổi tiếng” như lớp chúng tôi ngày trước. Nhìn rộng ra, bây giờ là thời của văn hóa tiêu dùng chứ không phải là thời của sự đề cao các giá trị tinh thần như trước nữa. Bạn thấy đấy, xưa, khi cả xã hội nghèo khó thì lại có được những người yêu tranh, sưu tập tranh như ông Lâm café, ông Bổng, ông Đức Minh. Danh tiếng họ trong xã hội là cùng thời với cuộc đời của họ, chứ không phải khi họ chết đi rồi thì xã hội mới biết. Nay, nhà to rộng, nhiều chung cư cao cấp mà sao những người như vậy không thấy lộ diện? Chỉ thấy xã hội nhao theo những đồ giả, to tướng, cồng kềnh mà tưởng là sang quý. Có lẽ, ánh nhìn hằn học ấy của bạn trẻ không hẳn dành cho cá nhân tôi, mà còn là một thái độ đối với xã hội của họ nữa. Thật ra, họ chỉ là nạn nhân của một xã hội trọng vật chất và hư danh quá mà thôi.

Nhưng nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật phản ánh xã hội thì họ đang đi đúng đường đấy chứ anh?

Cũng có thể nghĩ vậy. Nhưng cá nhân tôi vẫn tin vào điều này: nếu nghệ thuật chỉ phản ánh xã hội thì đó là thời sự nghệ thuật - nghệ thuật thời sự chứ chưa phải là nghệ thuật thực sự. Bạn có muốn treo bức tranh vẽ người đẩy xe Rolls- Royce nhọc nhằn ấy trong nhà mình không? Có muốn mang bức tranh được kết bằng dây điện đen ngòm về treo trong phòng khách không? Chắc là không. Tôi cho rằng, một sứ mệnh của hội họa là nó phải được lưu giữ dài lâu. Và như vậy, phải có cả cái đẹp lẫn cái tình chan chứa trong đó. Tôi nghĩ là không nên nhìn đời bằng con mắt tối tăm, hay hằn học như vậy. Nghệ thuật phải cao hơn sự bêu riếu và nếu chỉ có sự bêu riếu, các bạn trẻ ấy sẽ đưa mỹ thuật Việt Nam đến đâu, về đâu?

NẾU CÓ TIỀN, SẼ SƯU TẬP HAI THỨ

Nhìn vào danh mục những thứ để làm nên một cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc, có lẽ anh đã có đủ: nhà mặt phố to đẹp, vợ đẹp, có hai con trai lanh lợi, thu nhập đủ dùng,... Nhưng nếu có khả năng tài chính để sưu tập tranh Việt Nam, anh sẽ sưu tập những gì?

Tôi sẽ sưu tập hai thứ: thứ nhất là tất cả các sáng tác hội họa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là các ký họa. Thứ hai là hội họa thời kỳ đầu đổi mới, từ khoảng năm 2000 trở về trước. Tôi có một liên tưởng, nhiều ca khúc trong thời kỳ kháng chiến sao mà đẹp đến vậy. Bạn từng nghe ca khúc Mùa hoa lêkima của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn rồi chứ? Câu chuyện bi thương và đầy căm phẫn ấy đã được chuyển hóa tài tình trong một khúc ca đẹp đẽ, trong sáng. Với cá nhân tôi, đó mới là nghệ thuật.

Vậy là đã có một sự xác lập riêng của anh về những giá trị của nghệ thuật: đẹp, trong sáng, trữ tình. Thật là gần gụi với cảm nhận về những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Nhưng nhìn anh, tôi không nghĩ anh là người thuộc về văn hóa truyền thống?

Vẻ bề ngoài chỉ là một khía cạnh của con người tôi. Tôi thuộc thế hệ trước, vẽ tranh với nhiều hoài niệm, nhiều lưu luyến với ký ức và trí tưởng tượng của riêng mình. Tôi còn nhớ một lần theo chân bố đi làm phim ở một làng chài. Trời xanh biếc và biển cũng vậy, phẳng lặng, mênh mông, càng về xa càng khó phân biệt được mầu biển và mầu trời... Mầu xanh mênh mông ấy sau này xuất hiện nhiều trong tranh của tôi, mở ra một không gian không giới hạn giữa trời và đất... Và còn vẻ đẹp trữ tình của làng quê Việt trong ký ức thơ ấu đi sơ tán của tôi nữa chứ, vẽ mãi có lẽ vẫn chưa thỏa.

Anh không lo ngại về nguy cơ mài mòn nguồn ký ức ấy?

Không, tôi chỉ e là một ngày nào đó, tình yêu nghệ thuật trong tôi bị cạn. Cái này là tự nhiên như nhiên, tôi không thể cố gồng lên được. Chính vì thế mà lâu nay, với tôi, một lời nhận xét tranh, khen hay là chia sẻ, động viên cũng quan trọng như việc mua tranh của tôi vậy. Tất cả đều đem đến cho tôi nhiều xúc cảm trong công việc. Tôi vẽ ít hơn để bức tranh có chiều sâu và sự tinh lọc hơn.

Anh đang tự sửa mình?

(Cười) Nói thế nghe to tát quá. Tôi tự điều chỉnh mình thôi.

Anh đã đi nhiều nơi trên thế giới, từ trại sáng tác đến du lịch nghỉ dưỡng. Các chuyến đi ấy, với một hoạ sĩ, hẳn không đơn thuần chỉ là đi và hưởng thụ vui vẻ?

Bạn nói đúng. Lý do để tôi đi nhiều cũng chỉ là để so sánh, nhìn lại vị trí của văn hóa đất nước mình, những sản phẩm nghệ thuật của cá nhân mình trong thế giới này vô cùng rộng lớn này. Việt Nam là một nước nhỏ. Và cha ông ta đã tạo dựng nên được rất nhiều vẻ đẹp thấm đẫm tinh thần Việt trong các di sản văn hóa từ cổ xưa. Nếu chúng ta giữ gìn được lâu bền những di sản ấy thì có lẽ chúng ta giàu có văn hóa tinh thần hơn rất nhiều lần so với bây giờ. Và nhờ thế, đời sống văn hóa sẽ bớt nhem nhuốc hơn.

Còn về cá nhân tôi, tôi tự hào vì thế hệ họa sĩ chúng tôi đã cùng nhau tạo nên được một diện mạo hội họa Việt, khác với tất cả, chứ không hề lai căng hội họa Âu, Tàu, Mỹ, Nhật... như hướng đi của nhiều bạn trẻ láu cá hiện nay. Tôi có thể chỉ là một cánh hoa bèo trên cái ao làng hội họa Việt ấy nhưng được là chính mình, thuộc về bờ ao của chính mình. Đó là niềm hạnh phúc.

--------

Họa sĩ Đào Hải Phong và hai tác phẩm của anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)