Độc đáo hoa bằng giấy, ruột sắn
“Làng Thanh Tiên có lịch có lề/ Có sông Hương xanh mát có nghề làm hoa”. Trong một tờ sắc phong hiện được dân làng lưu giữ, đề ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 9 (1924) có ghi: “Sắc làng Thanh Tiên, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên trước đây phụng thờ ngài khai canh Võ Đại Lang nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần, giữ nước, giúp dân, hiển rõ linh ứng ban cấp sắc phong theo đó để phụng thờ...”.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế Hồ Vĩnh, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên được hình thành bởi nhu cầu làm hoa để phục vụ trong ngày Tết. Dần dần, từ những bông hoa đơn giản trên bàn thờ cúng (trang Ông, trang Bà), bếp thờ... đã được người nông dân Xứ thơ sáng tạo cho ra đời thêm hoa sen giấy. Những ngày này, ở một số gia đình trong làng còn lưu giữ nghề làm hoa giấy đã bắt đầu công việc chuẩn bị nguyên vật liệu làm hoa. Theo tục lệ, vào tháng 10 âm lịch trong năm, các công đoạn như chẻ tre để làm cuốn hoa (tăm), cành hoa (chông) đã được hoàn thiện, chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Gia đình nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy là nơi vừa đóng vai trò như một “bảo tàng hoa giấy Thanh Tiên”, đồng thời đây cũng là nơi còn sản xuất hoa theo đúng với truyền thống trong làng.
Nghệ nhân Huy cho hay: “Điều duy nhất chỉ có ở làng hoa giấy Thanh Tiên chúng tôi có chính là những nụ hoa được làm từ ruột cây sắn (khoai mì). Phần ruột sắn được gọt và nhuộm mầu theo các mẫu hoa trong tự nhiên như hoa hồng, hoa hướng dương... Trước đây và cả bây giờ, hoa Thanh Tiên được dùng để trang trí, thờ cúng nguyên một năm và hết một năm thì đốt đi”. Vào thời điểm mới hình thành, những nghệ nhân đầu tiên ở đây sử dụng giấy pơ-luya mỏng mầu trắng để làm hoa sen. Khi đó, thân cọng sen được chế tác bằng tre, hóp. Đến nay, do xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng mà hoa giấy Thanh Tiên được điểm thêm nhiều mầu sắc, trong đó nổi bật nhất vẫn là hoa sen với 9 cánh.
“Đến tham quan làng nghề và được nghệ nhân Thân Văn Huy cũng các cộng sự của ông giới thiệu những tuyệt tác, từng bó hoa được chính tay ông làm nên, tôi thật sự rất ấn tượng. Từ cách nhuộm mầu, tạo ra nét độc đáo của hoa sen, đến cách buộc dây, làm nếp nhăn cho cánh hoa sen... tất cả đều được làm toàn bộ bằng phương pháp thủ công, thật sự kỳ công”, bạn Ngô Thị Quỳnh Anh (21 tuổi), sinh viên ngành Du lịch - Đại học Huế chia sẻ.
Không tránh khỏi những thăng trầm biến cố, ngôi làng này từng có lúc tưởng như đã bị mai một. Từ năm 2008 đến 2014, với mong muốn vực dậy tên tuổi cũng như giữ gìn các giá trị lâu đời cho làng, nghệ nhân Huy cùng gia đình phối hợp địa phương tổ chức năm đợt festival làng nghề. “Nhờ những cư dân trong làng như nghệ nhân Huy góp phần phục hồi lại mô hình làm hoa, một số hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm nên đến nay tên tuổi của nghề vẫn còn được biết đến”, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh bày tỏ.
Cộng hưởng hoa giấy - sơn dầu
Là một người con sinh ra và lớn lên tại vùng đất cố đô, chị Phan Ngọc Hiếu (sinh năm 1989) đã đem niềm đam mê nghệ thuật của mình đến với hoa giấy Thanh Tiên. Vốn theo học ngành Ngoại thương, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, tuy nhiên hiện nay chị đang theo đuổi việc sáng tạo, phát triển hoa giấy Thanh Tiên theo phong cách hiện đại. Cái duyên với hai chữ “Thanh Tiên” đã đưa chị Hiếu trở lại quê hương.
Từ niềm yêu thích các mẫu hoa giấy mang nguồn gốc làng Thanh Tiên, chị Hiếu đã lồng ghép tính hiện đại bằng cách kết hợp tranh sơn dầu cùng hoa giấy để cho ra tranh hoa giấy Thanh Tiên. Nguồn gốc ý tưởng này được chị cho hay: “Bản thân mình mong muốn được kết hợp giữa sự hiện đại của tranh sơn dầu cùng nét cổ kính mà hoa giấy Thanh Tiên vốn có. Qua quá trình tìm tòi và nghiên cứu, mình nhận thấy một sản phẩm nghệ thuật độc đáo cần có sự đan xen nhiều khía cạnh. Tại Huế vốn có nghề hoa giấy Thanh Tiên, khi kết hợp tranh hiện đại sẽ tạo được sự lan tỏa, ứng dụng cao hơn...”.
Mỗi bức tranh hoa giấy đều mang theo một câu chuyện. Hình ảnh hoa sen đặc trưng của làng nghề Thanh Tiên luôn được chị chọn lựa làm đề tài cho tranh. Bức tranh “Sen ở Thuận Khiêm Hồ” là một trong số đó. Hình ảnh chủ đạo là những đóa sen làm theo quy cách tiêu chuẩn làng Thanh Tiên, hòa quyện trên nền mầu sắc sơn mài đã tạo sự mới lạ, bắt mắt. Cộng sự của chị Hiếu còn có chị Phan Ngọc Hương. Vừa đính lá hoa, chị Hương bảo: “Mặc dù là làm tranh hoa giấy nhưng từng đóa hoa giấy này đều phải được tạo hình theo đúng nguyên bản hoa giấy trước đây. Công đoạn tạo hình, đính lá trên thân nhánh hoa là kỳ công nhất”.
Danh tiếng hoa giấy làng Thanh Tiên đã có sự trở mình, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống hơn ba thế kỷ nay. Hơn ai hết, chính những người con xứ Huế đã chung tay bảo tồn, nhân rộng tính mộc mạc, giản dị của Thanh Tiên.
“Lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến nghề làm hoa giấy này. Các sản phẩm được tạo ra vừa mang giá trị văn hóa địa phương, đồng thời đây cũng là sản phẩm chỉ duy nhất tỉnh Thừa Thiên Huế mới làm ra được. Hiện nay, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã được đưa vào phục vụ cho học sinh, sinh viên tìm hiểu, tiếp truyền”, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết.