Trong xu hướng phát triển, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn phải cao hơn số rút lui khỏi thị trường kể cả về tốc độ và con số tuyệt đối. Đặc biệt, vào thời điểm kinh tế có dấu hiệu tốt lên, số doanh nghiệp thành lập mới bao giờ cũng tăng mạnh, còn số rút lui khỏi thị trường giảm dần.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Lý giải cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong giai đoạn qua phần lớn là nhờ vào kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiệu quả vì tiềm lực, quản trị tốt hơn và chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngoài bất ổn với tình hình chính trị kinh tế thế giới, những xu hướng liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã và đang là rào cản lớn của quá trình xuất khẩu hàng hóa trong nước.
Đặc biệt, tốc độ tiêu dùng trong nước đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng xuất khẩu và du lịch khiến các doanh nghiệp sản xuất hướng vào thị trường trong nước cũng phải đối mặt với khó khăn khi người dân vẫn thắt chặt chi tiêu khiến sức mua chưa phục hồi như kỳ vọng. Trong lĩnh vực bất động sản, dù có tín hiệu tích cực, song thị trường này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn làm cho hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực này (gồm vật liệu xây dựng, dịch vụ bất động sản) lúc đầu còn cầm cự nhưng sau đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường. “Chi phí nguyên vật liệu tăng cao hay nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế làm thiếu hụt về nguồn tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bình thường”.
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, dù nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, song sự hỗ trợ này là vẫn chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn trong khi lại gặp khó khăn vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay do nợ xấu tăng. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường do không đủ vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong năm 2024 cao hơn nhiều so với năm 2023, con số này trong năm 2023 cũng cao hơn so với năm 2022, xu hướng này có thể nói là rất đáng quan tâm. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Cần có chương trình quốc gia tổng thể
Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp đánh giá hiệu quả; hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn. Cụ thể, trong các chính sách hỗ trợ, có ba chính sách được đánh giá cao gồm giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 8%. Đây là những chính sách có tính hỗ trợ trực diện vào chi phí của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, điều doanh nghiệp cần nhất là nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh gồm vốn và đất đai. Khác với doanh nghiệp lớn, do quy mô bé và không có tài sản bảo đảm nên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó có thể vào các khu công nghiệp và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Ngoài ra, nhiều DNNVV hiện cũng hướng về xuất khẩu song họ lại không có đội ngũ về phát triển thị trường xúc tiến thương mại mạnh như các tập đoàn lớn. Cùng với đó, các DNNVV rất khó thu hút được nhân lực có chất lượng tốt trong khi gặp nhiều vấn đề trong quản trị điều hành. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có chương trình quốc gia tổng thể để thúc đẩy hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giảm áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh, vì có tới 47% số doanh nghiệp được khảo sát mong muốn được giảm lãi suất cho vay vì chi phí thực tế để vay được vốn hiện tại vẫn khá cao. Ngoài ra, hơn 29% số doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Đáng chú ý, có 30,5% số doanh nghiệp mong muốn ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% số doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Đối với chính sách thuế, phí, lệ phí, có 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước cho phù hợp. Bên cạnh đó, có 28,6% số doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính. “Nhu cầu thị trường trong nước thấp” vì vậy, 27,7% số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% số doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo theo nhằm định hướng tiếp tục quyết liệt, kịp thời chỉ đạo, điều hành với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, duy trì bảo đảm sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi chính sách, nhằm củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.