Sự phục hồi tích cực của nhóm hàng chủ lực
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức "Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024". Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết, trong bối cảnh lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Ngoài ra, chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Tuy vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã và đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu để đạt được thành tích ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, gồm: Tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD; nhuyễn thể khác 14,5 triệu USD.
Tương tự, xuất khẩu cà-phê xô đổ tất cả các kỷ lục lịch sử trước đó, thu về 5,5 tỷ USD cho dù sản lượng cà-phê giảm. So với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà-phê tăng 28,7% và giá bình quân xuất khẩu cũng tăng 56%. Tương tự, mặt hàng gạo với khối lượng xuất khẩu 9,01 triệu tấn, thu về gần 5,8 tỷ USD, lập kỷ lục lịch sử cả về sản lượng lẫn giá trị kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo). Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam lần đầu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm 2023, duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới trong gần 2 thập niên.
Trong lĩnh vực dệt may, thay vì phải đi tìm kiếm đơn hàng hằng tuần, hằng tháng như năm trước, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ về đích 44 tỷ USD trong năm như mục tiêu đề ra, tăng 11,26% so với năm ngoái.
Theo Bộ Công thương, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng chủ lực, đến hết năm 2024, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến đạt một mốc kỷ lục mới 783 tỷ USD, tăng hơn 2 lần trong 10 năm.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may sẽ về đích 44 tỷ USD tăng 11,26% so với năm 2023. Ảnh: HẢI NAM |
Sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt
Về triển vọng năm 2025, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hoạt động xuất khẩu có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn đối diện với một số rủi ro khó đoán định, như việc FED dự kiến chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9. Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng ở châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Đặc biệt, biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Mỹ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.
Vì vậy, các doanh nghiệp nên xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế...
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc. Cùng với đó, tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, tích cực triển khai đa dạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời không để tỷ giá tăng nhanh, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam đã mất nhiều năm để vượt mốc xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2012, sau đó thêm 5 năm để vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2017 và 4 năm để vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2021. Tiếp theo, chỉ sau 3 năm kim ngạch xuất khẩu lại tăng thêm 100 tỷ USD, đạt mốc 400 tỷ USD.
Sang năm 2025, Bộ Công thương tiếp tục đặt ra mục tiêu thách thức với xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024 .