Rủi ro “trade war 2.0”
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế trong nước đang phục hồi trở lại và ở mức tăng trưởng tương đối cao các quý gần đây. Chỉ số quản trị nhà mua hàng PMI vượt 50 điểm trong nhiều tháng liên tục. Tăng trưởng GDP quý III tăng 7,4% và 9 tháng tăng 6,8%, kỳ vọng cả năm tăng 7%. Lợi nhuận 9 tháng năm 2024 của các công ty niêm yết tăng trưởng khoảng 20% so cùng kỳ năm trước.
Từ nền tảng vĩ mô đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã đưa ra dự phóng, tổng lợi nhuận của toàn doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 20% trong năm 2024 và tiếp tục duy trì ở mức hơn 20%, thậm chí 25% trong năm 2025. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào việc Mỹ đánh thuế ra sao và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất nhanh hay chậm.
Nhận định Việt Nam đang đứng trước thời khắc mang tính bước ngoặt, ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng: Những năm trước đây, chuyện cải cách kinh tế chỉ bó hẹp trong phạm vi các chính sách về thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề cải cách thể chế, môi trường kinh doanh đang được thực hiện rốt ráo qua việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước. Ngoài ra, hàng loạt dự án lớn như Sân bay Long Thành, điện hạt nhân Ninh Thuận, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt tốc độ cao bắc - nam... đang được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực cho nền kinh tế, giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình.
Năm 2024 gần kết thúc với nhiều chỉ tiêu cơ bản đã đạt được, từ tăng trưởng kinh tế đến kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên TTCK - nơi được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế lại diễn biến thất thường trong hai phần ba nửa cuối năm. Lý giải điều này, chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng: Nhìn sâu hơn vào nền kinh tế vẫn có nhiều điểm chưa thỏa mãn với những gì đạt được.
Bề ngoài chúng ta có sự cải thiện nhất định, tuy nhiên để bứt phá thì chưa. Những năm qua, Việt Nam giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại, thặng dư mang về khá tốt. Tuy nhiên, năm nay chênh lệch lãi suất là vấn đề gây ra bất ổn tỷ giá. Chênh lệch lãi suất thường kéo theo việc rút dòng vốn. Bên cạnh đó, thị trường còn đang đối mặt với ẩn số rủi ro “trade war 2.0” từ chính sách thuế quan của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research phân tích: Quá trình thuế quan “Trump 1.0” đã ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu, gây sụt giảm vào giai đoạn 2018 - 2019. Bước vào giai đoạn mới, “Trump 2.0” có thể diễn ra trong giai đoạn 2025 - 2028. Hiện Mexico, Canada và Trung Quốc là ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Việt Nam đứng vị trí thứ 8.
Nếu cuộc chiến thương mại xảy ra thì không có nước nào được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều khả năng chiến lược "vũ khí hóa" chính sách thuế quan là cách Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn các quốc gia quay lại đàm phán để tìm kiếm sự có lợi hơn cho nước Mỹ. Nếu tìm được tiếng nói chung, rủi ro này sẽ sớm được hóa giải.
Kỳ vọng dòng tiền trở lại
Năm 2025 đối mặt với rủi ro từ quốc tế, liệu động lực nội tại có đủ mạnh để mở ra cơ hội tăng trưởng? Ông Phạm Thế Anh cho rằng: Động lực tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2025 vẫn xuất phát từ đầu tư công với loạt dự án mới được khởi động. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với bất ổn chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ. Cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tạo ra động lực cho nhóm sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng ra xuất khẩu.
Nhận định về các ngành nghề đang niêm yết, VPBankS cho biết, hiện tại 9/16 ngành cấp 2 có mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) dưới mức bình quân 8 năm; 14/16 ngành cấp 2 có mức P/B (chỉ số so sánh giá cổ phiếu trên thị trường cao/thấp gấp bao nhiêu lần giá trị sổ sách) dưới bình quân 8 năm; 5-6 ngành có mức P/B và P/E sát 8 năm vừa qua.
Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPBankS cho rằng: Nhìn về dài hạn hơn, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức 12 lần - tương đối thấp trong 5 năm vừa qua. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 20% năm nay và 20 - 25% năm sau thì chỉ tiêu PEG (Price/Earnings to Growth - đo lường P/E so với tốc độ tăng trưởng EPS) đang dưới 1, chứng tỏ định giá TTCK Việt Nam tương đối hấp dẫn so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó, kỳ vọng nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong thu hút dòng vốn từ đầu tư nước ngoài nói chung, trước hết là dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động trong tương lai.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là năm mang tính bước ngoặt quan trọng với TTCK. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Dự báo kịch bản TTCK 2025, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng: Theo lịch sử các chu kỳ hạ lãi suất của FED, nếu không có suy thoái thì S&P 500 thường tăng.
Hiện chứng khoán Mỹ cũng phản ứng mạnh với diễn biến kinh tế khi dòng tiền các quỹ ETF đổ vào TTCK Mỹ cao kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, hút 1.000 tỷ USD. Dự đoán dòng tiền sẽ sớm trở lại khu vực EM (thị trường mới nổi) như Việt Nam. Hiện VN Index vẫn đang ở giai đoạn phản ứng, có thể đối mặt bẫy giảm giá, rung lắc ở đầu năm 2025 để đón sóng nâng hạng thăng hoa vào cuối năm.