Hướng mở cho “kinh tế thần tượng”

Năm 2024 có thể nói là năm bùng nổ của game show truyền hình tại Việt Nam và những hoạt động trình diễn nghệ thuật. Gần đây nhất là hai game show đình đám "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã thu hút hàng chục nghìn khán giả mỗi đêm diễn. Một làn gió kinh tế mới được khởi nguồn từ những hoạt động trình diễn này.
Một tiết mục trong Chương trình âm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai". Ảnh: LÊ MINH
Một tiết mục trong Chương trình âm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai". Ảnh: LÊ MINH

Dù chưa công bố doanh thu, hai concert "Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã thu hút một lượng người xem chưa từng có, xô đổ kỷ lục năm ngoái của Blackpink. Mỗi show diễn đều thu hút từ 50.000 đến hơn 100.000 người.

Điều đáng nói, doanh thu không chỉ dừng ở việc bán vé, khai thác thương mại, các buổi biểu diễn này còn có thể mang về giá trị tăng thêm cho các ngành kinh tế có liên quan.

“Đáng đồng tiền bát gạo”

Các chuyên gia cho rằng, concert không chỉ là sân chơi của giới trẻ, nhiều gia đình, đôi bạn hay nhóm bạn đã biến các buổi hòa nhạc thành dịp để du lịch và khám phá văn hóa địa phương hay còn biết đến là xu hướng du lịch âm nhạc. Điều này tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, từ ngành hàng không, khách sạn, cho đến nhà hàng và dịch vụ vận chuyển.

Theo ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông, 10 - 15 năm trước, lượng khán giả đổ về hai chương trình như "Anh trai" là điều không tưởng với những người tổ chức sự kiện trong nước. Họ có khát vọng chinh phục thị trường, dám bỏ tiền ra làm concert nhưng khi đó Việt Nam chưa hình thành lớp khán giả có khả năng chi trả cho đam mê âm nhạc. Nên hầu hết các sự kiện âm nhạc thua lỗ do lượng khán giả đến không đủ thu bù chi.

Những concert thu hút người xem như "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho thấy công nghệ tổ chức biểu diễn trong nước đã có thể so sánh với nhiều concert quốc tế. Không chỉ phương thức tổ chức mà cả công nghệ trình chiếu, biểu diễn, kỹ xảo cũng như các cách kiểm soát đám đông và an ninh.

“Mỗi thế hệ có thần tượng của mình. Bây giờ khán giả yêu thích những thần tượng phù hợp lối sống, cách suy nghĩ của họ. Đó là xu thế tất yếu của xã hội”. Ông Vinh cũng cho rằng, Việt Nam đang có cộng đồng người hâm mộ “đáng đồng tiền bát gạo”. Đó là những người trẻ, sẵn sàng chi trả cho điều mà họ yêu thích. Họ bộc lộ tình yêu thần tượng một cách mạnh mẽ, trực diện và nhiệt tình, không giống thế hệ trước (hâm mộ trong sự dè dặt và nhẹ nhàng hơn).

Những người hâm mộ này tạo ra một cộng đồng có văn hóa ứng xử riêng xoay quanh đam mê của họ và đồng thời cũng có những hành vi tiêu dùng riêng. Các chuyên gia cũng khẳng định, thành công của hai concert đã khơi mở nhiều hướng mới cho ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo đó, việc nghiên cứu tạo ra những sản phẩm đánh trúng nhu cầu và thị hiếu của người hâm mộ cần được kết hợp với những yếu tố văn hóa truyền thống sẽ mang đến giá trị bền vững hơn.

“Ngành công nghiệp giải trí có những tiêu chuẩn riêng, chỉ nhìn hình thức bên ngoài, sự phấn khích của khán giả hay những hình ảnh trên mạng xã hội chưa phản ánh hết được. Nhưng như thế này đã là rất đáng lạc quan và hy vọng rồi. Ta đang có những sản phẩm chất lượng và thị trường sẵn sàng chi trả”, đạo diễn Việt Tú nhận định.

Biến văn hóa hâm mộ thành tiền

Văn hóa hâm mộ thì không mới. Việc thần tượng một người là hiện tượng tâm lý hết sức bình thường ở con người, đặc biệt là những bạn trẻ ưa thích cái mới. Và giờ đây tình cảm đó được khai thác một cách có chủ đích và tạo dựng nên một mảng kinh doanh ăn theo thần tượng vô cùng thành công.

Hoạt động kinh tế phục vụ cho nhu cầu “đu idol” đã nở rộ ở nhiều nước và mang lại nguồn lợi bất ngờ.

Một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong nền kinh tế thần tượng là Trung Quốc. Sự phát triển của lượng người hâm mộ Trung Quốc đã dẫn đến sự xuất hiện của một tầng lớp người nổi tiếng mới - “thần tượng”. Những thần tượng này là một tập hợp của những người nổi tiếng được đào tạo cẩn thận để thu hút người hâm mộ thông qua ngoại hình, tính cách và câu chuyện của họ.

Người hâm mộ Trung Quốc cũng nổi tiếng sẵn sàng chi tiền cho thần tượng của mình. Họ coi đó là một cách để thể hiện sự ủng hộ và họ làm điều đó với niềm tự hào. Theo một cuộc khảo sát, khoảng 40% người hâm mộ Trung Quốc chi hơn 850 USD mỗi năm cho thần tượng của họ. Mức độ tận tâm này đã thúc đẩy nền kinh tế thần tượng ở Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Hay tại Hàn Quốc, quốc gia này có xu hướng coi thần tượng K-pop là một trong nhiều sản phẩm xuất khẩu, như điện thoại thông minh Samsung và xe tải nhỏ Hyundai. Ngành công nghiệp K-Pop toàn cầu được định giá hơn 5 tỷ USD vào năm 2020, với kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Hallyu, “làn sóng Hàn Quốc”, đã có tác động tích cực to lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc. Thí dụ, một báo cáo ước tính rằng ba buổi hòa nhạc do nhóm nhạc nam BTS tổ chức tại Seoul vào năm 2019 có tổng tác động trực tiếp và gián tiếp khoảng 923 tỷ won Hàn Quốc.

GDP của Hàn Quốc năm 2020 là khoảng 1,64 nghìn tỷ USD. Điều đó có nghĩa là một nhóm nhạc nam đã giúp tạo ra khoảng 0,30% sản lượng kinh tế của đất nước. Du lịch liên quan đến K-pop, hay còn gọi là “du lịch Hallyu”, cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng người hâm mộ đến Hàn Quốc để tham dự các buổi hòa nhạc.

Con đường để hướng ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam tới quy mô như tại Trung Quốc hay Hàn Quốc còn rất dài. Nhưng những tín hiệu thành công ban đầu vừa qua có thể là những "ngọn cờ đầu" để thổi bùng khát vọng đưa văn hóa Việt chinh phục người Việt và dần vươn ra quốc tế.