“Thời điểm vàng” của doanh nghiệp bán lẻ

Những tháng cuối năm luôn được xem là “thời điểm vàng” của thị trường bán lẻ. Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Các loại hàng hóa thiết yếu được lựa chọn nhiều. Ảnh: NAM ANH
Các loại hàng hóa thiết yếu được lựa chọn nhiều. Ảnh: NAM ANH

Năm nay, xu hướng và khả năng sắm Tết của người dân được dự báo là đơn giản hơn bởi nhiều lý do, từ tâm lý tiêu dùng, tình hình tài chính hộ gia đình đến thay đổi trong cách đón Tết.

Thay đổi thói quen sắm Tết

Chị Bích Hồng sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, dù tình hình kinh doanh năm nay đã tốt hơn năm trước, nhưng thu nhập vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch trong khi giá cả vẫn có xu hướng tăng. “Gia đình tôi năm nay tập trung vào nhóm hàng thiết yếu ở mức độ vừa phải, đơn giản hơn các năm. Nhìn chung, sẽ thiên về nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và quà tặng Tết cũng không mua quá nhiều”.

Thống kê những tháng cuối năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực; thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Kantar Worldpanel Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường), vào quý IV/2019, 84% số hộ gia đình tỏ ra lạc quan về kinh tế trong tương lai nhưng tỷ lệ này đã biến động liên tục kể từ sau dịch, còn 69% trong quý III vừa qua. Điều này cho thấy tâm lý người tiêu dùng tỏ ra không lạc quan bằng thời điểm trước và bất kỳ biến động nào xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chi tiêu, dẫn đến xu hướng tìm giá hời.

Đáng chú ý, mua sắm Tết ở khu vực thành thị đang giảm từ 21% xuống còn 19%, khu vực nông thôn giảm từ 24% xuống 21%. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân muốn đơn giản hơn, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không muốn tụ họp nhiều. Cùng với đó, hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết cũng đơn giản hơn trước rất nhiều. Cụ thể, một số ngành hàng quan trọng truyền thống trong dịp Tết như bia, bánh kẹo chứng kiến sự sụt giảm, chỉ những loại bánh kẹo lạ, các loại hạt tốt cho sức khỏe được lựa chọn mua sắm cho Tết nhiều hơn. Các loại hàng hóa mang tính thực tiễn tiêu dùng cho cả gia đình như dầu, đường, bột ngọt, mì ăn liền,... lại được lựa chọn nhiều hơn.

Tương tự, khảo sát người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 của PwC Việt Nam cũng cho thấy, tại Việt Nam, dù nền kinh tế đang từng bước phục hồi song việc tăng giá lương thực, năng lượng, nhà ở và các chi phí thiết yếu khác được xem là rủi ro lớn nhất của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới (63%). Trong khi đó, biến động kinh tế vĩ mô được xếp ở vị trí thứ hai (52%). Vì vậy, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn. Họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu như các mặt hàng xa xỉ, sản phẩm giải trí, sách/báo, ưu tiên các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội. Họ sử dụng mạng xã hội cho việc mua sắm và tương tác với người bán trong suốt quá trình mua hàng của họ (sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo các đánh giá trước khi mua hàng). Cụ thể, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực với 67% qua điện thoại di động; 44% qua máy tính cá nhân; và tại cửa hàng vẫn đang ở mức cao là 63%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo đánh giá trước khi mua hàng, với 71% số người tiêu dùng cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.

Bài toán tăng doanh số

Những diễn biến khó lường từ những mùa cao điểm mua sắm trong năm cho thấy, thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, các đơn vị sản xuất, kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết thì bài toán khuyến mãi, giao nhận cũng quan trọng không kém việc doanh nghiệp tập trung cải thiện tính ổn định chất lượng, giá cả sản phẩm…

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long cho biết, sức mua từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 15- 20% so với cùng kỳ năm do Tết cổ truyền của Việt Nam đến sớm hơn mọi năm, gần với mùa Noel và Tết dương lịch. Đây là cơ hội để tất cả các nhà bán lẻ đẩy mạnh khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm. Hiện, doanh nghiệp cũng đã mở rộng khu vực trưng bày các sản phẩm hàng Tết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng đến tham quan và tiếp cận được những sản phẩm Tết. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến trên ứng dụng (app) đi siêu thị GO!, Big C, Tops Market. “Chúng tôi làm việc với tất cả các nhà cung cấp và đưa ra sản lượng dự báo đối với tất cả các mặt hàng liên quan đến sản phẩm Tết”.

Còn theo đại diện siêu thị WinMart, hệ thống bán lẻ đã làm việc trước với các nhà cung cấp từ 2 - 3 tháng trước Tết để tăng cường dự trữ hàng hóa lên 20% so với cùng kỳ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, siêu thị cũng đã triển khai hình thức mua sắm qua website với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với các mã giảm giá để kích cầu tiêu dùng. “Toàn hệ thống sẽ hoạt động đến 12 giờ trưa ngày 29 Tết và mở bán lại từ ngày mồng 4 Tết. Chúng tôi cũng điều chỉnh giờ mở cửa linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu mua sắm của từng khu vực và từng mô hình cửa hàng”.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ tiêu dùng và Bán lẻ, PwC Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, cùng với yếu tố then chốt là xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng thì những giá trị vượt trội bên ngoài như cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng và khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm cũng là những vấn đề cần đẩy mạnh. Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững một cách thực chất bằng việc minh bạch hóa các thông tin về quá trình sản xuất và có chứng nhận của bên thứ ba sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Với những hành động này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện tại mà còn nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam, một trong những thị trường được dự đoán là sẽ sôi động nhất thế giới vào năm 2030.

Dịp Tết Ất Tỵ sắp đến, người dân được nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng (25/1-2/2). Hoạt động mua sắm thường bắt đầu 4-5 tuần trước Tết, tức thị trường sẽ sôi động từ nay đến hết năm.