Từ sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng chi tiêu ngày càng tiết kiệm do những lo ngại rủi ro về sức khỏe, tài chính đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.
Tâm lý “thắt lưng buộc bụng”
Tết năm nay, chị Nguyễn Hương được nghỉ sớm hơn mọi năm gần một tháng. Do có ít đơn hàng nên công ty chị cho nhân viên nghỉ sớm với một khoản thưởng ít hơn nhiều so với năm ngoái. Tình hình này khiến chị lo lắng khi không biết cân đối chi tiêu như thế nào để bảo đảm cho gia đình nhỏ và cả hai bên nội ngoại.
Chị cho biết, với tình hình tài chính hiện tại, chị dự định sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn cho dịp Tết. “Năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập không được cải thiện nhiều nên tôi chỉ tập trung cho việc mua sắm hàng hóa thiết yếu, chứ sẽ không chi nhiều các khoản không cần thiết và hạn chế đi chơi để tiết kiệm”.
Nhiều khảo sát cho thấy, Tết năm nay, người tiêu dùng đã không còn lạc quan trước nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, sự đóng góp của giá trị ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong 2 tháng cuối năm đang có dấu hiệu giảm dần.
Cụ thể, vào Tết năm 2019, giá trị đóng góp FMCG tại khu vực thành thị 4 thành phố lớn nằm ở mức 21%, trong khi nông thôn là 24%. Tuy nhiên, sau 3 năm, con số này đã lần lượt giảm xuống 19% ở khu vực thành thị và 21% tại các vùng nông thôn.
Dù người tiêu dùng vẫn chi tiêu cho ngành hàng này, song họ thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua. Trong đó, khách hàng có xu hướng tìm những mặt hàng có mức giá rẻ hơn nhằm giảm các khoản chi tiêu.
Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn 2019-2024, nhóm người cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 24%. Họ chủ động thay đổi nhu cầu mua sắm sang các thương hiệu rẻ hơn. Từ đó, downtrading - xu hướng chuyển sang mua sắm giá rẻ cũng dần được hình thành.
Dựa theo khảo sát thị trường, đại diện Kantar cho biết, trong mùa Tết năm 2025, người tiêu dùng mong muốn đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết để giảm mức chi tiêu. Đồng thời, thay vì dành thời gian gặp gỡ bạn bè, nhiều người lại chọn nghỉ ngơi nên chi phí trong ngày Tết cũng ít hơn.
Người tiêu dùng cũng chủ trương lựa chọn những món quà tặng FMCG thiết thực, tốt cho sức khỏe, phù hợp túi tiền.
Giảm gánh nặng chi tiêu Tết
Tết là một trong những kỳ nghỉ lễ dài và đặc biệt của người dân trong năm. Để chuẩn bị, nhiều người thường dự trù một khoản ngân sách không nhỏ để bảo đảm gia đình có một cái Tết “rực rỡ”. Nhưng xu hướng này đang ngày càng thay đổi.
Với chị Thu Hoài, vài năm trở lại đây, chị không còn mua sắm quá nhiều đồ dùng, thực phẩm trong dịp Tết bởi thông thường các cửa hàng, siêu thị đều mở cửa từ rất sớm, thậm chí xuyên Tết, nên rất tiện lợi để mua sắm.
“Tôi không có ý định mua sắm gì nhiều trong những ngày Tết mà chủ yếu để dành thời gian nghỉ ngơi, tập luyện, thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng. Xu hướng mọi người ăn uống ngày càng ít hơn mà chú trọng đến chất lượng, nên cũng không có gì đáng lo cả”, chị Hoài chia sẻ.
Còn với bà Như, Tết luôn là dịp để sum họp con cháu. Nhưng năm nay, bà Như cũng không quá nặng nề chuyện chi tiêu.
“Năm nay cũng khó khăn. Hơn nữa là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), đặc biệt là ở khu vực miền bắc, thế nên gia đình cũng thắt chặt chi tiêu hơn so với mọi năm. Thí dụ như năm ngoái gia đình chi tiêu thoải mái hơn, nhưng năm nay tôi chỉ tập trung mua các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết. Tôi cũng không dự trữ nhiều, chỉ tập trung vào 3 ngày Tết”, bà Như cho biết.
Thích ứng với xu hướng chi tiêu của người dân, nhiều kênh bán lẻ đã tập trung ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc cho người dân.
Đại diện Siêu thị Go! cho biết, mặc dù nguồn hàng cho dịp Tết năm nay được chuẩn bị tương đối dồi dào nhưng siêu thị cũng chú trọng nhiều hơn vào các mặt hàng có mức giá trung bình. Đặc biệt, lần đầu tiên siêu thị này chào bán các giỏ quà có mức giá 99.000 đồng (bao gồm 1 chai nước ngọt, hộp bánh, túi kẹo, hộp
cà-phê và túi đậu phộng). Ngoài ra, còn các mẫu quà khác có giá phổ biến trong khoảng 200.000-300.000 đồng. Các giỏ quà loại này thường có thêm đồ uống có cồn, trà cùng các loại hạt và trái cây sấy.
Tương tự, tại Co.op Mart, các giỏ quà Tết đã lên kệ một vài tuần gần đây. Trong đó, rẻ nhất là từ 199.000 đồng là dạng giỏ quà dành cho các khu công nghiệp (bao gồm 2 chai nước giải khát, bánh gạo, nước mắm, nước tương, hạt nêm, đường tinh luyện). Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị này còn có các loại giỏ quà khác với các mức giá 217.000 đồng, 222.000 đồng, 279.000 đồng và 299.000 đồng, đều bao gồm các nguyên liệu là thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu như nước mắm, hạt nêm. Các giỏ quà Tết này cũng được áp dụng khuyến mãi 12-14% trừ thẳng vào giá.
Chuỗi siêu thị Lotte năm nay cũng tung ra nhiều giỏ quà Tết giá bình dân từ 103.000 đồng đến 262.000 đồng. Đây là mức giá đã được giảm từ 18% đến 31%. Phần quà Tết này chủ yếu bao gồm các loại bánh ngọt và đồ uống có ga.
Sự thích ứng nhanh chóng của các đơn vị bán lẻ được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá, việc có thêm những sản phẩm khuyến mãi sâu, có chương trình tặng kèm hay những combo quà Tết giá bình dân giúp người dân bớt đi gánh nặng chi tiêu dịp Tết. Từ đó cũng kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân hơn.