Seasia Stats, trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á mới đây đánh giá với quy mô kinh tế đạt khoảng 506 tỷ USD, Việt Nam sẽ lọt tốp 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhận định này được đưa ra dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo đó, với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới.
Duy trì đà tăng nhờ các yếu tố nội tại
Cùng chung đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam, trong báo cáo “Hướng đến năm 2025” mới đây, Vinacapital cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm tới có thể đạt 6,5% nhờ vào các yếu tố trong nước, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, sự phục hồi của thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh hơn 20% trong năm nay (so với mức giảm khoảng 10% trong năm 2023), đây là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mức 40% trong xuất khẩu điện tử và các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững lại vào năm sau, một phần do nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một đợt “hạ cánh mềm” và suy giảm kinh tế.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại vào năm sau liên quan đến chu kỳ tái dự trữ hàng hóa của Mỹ. Hơn nữa, xuất khẩu trên toàn châu Á hiện đang được thúc đẩy bởi sự đón đầu nhu cầu trước khi ông Donald Trump nhậm chức, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm dần vào năm sau. Do đó, tăng trưởng sản xuất của Việt Nam có thể sẽ giảm vào năm 2025, vì hầu hết các sản phẩm sản xuất đều được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ chuyển sang các yếu tố bên trong nhiều hơn. Dẫn dữ liệu của các công ty nghiên cứu tiêu dùng, VinaCapital cho rằng, tâm lý tiêu dùng yếu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và 2024, mặc dù đã có sự cải thiện phần nào trong năm 2024.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực tế (loại trừ tác động của lạm phát) ước tính khoảng 6% trong năm 2024, thấp hơn mức tăng trưởng 8-9% điển hình ở Việt Nam. Hơn nữa, khoảng một nửa trong con số 6% này là do sự phục hồi liên tục của lượng khách du lịch quốc tế, từ 70% so với trước dịch Covid-19 trong năm 2023 lên 100% vào năm 2024.
Chuyên gia của VinaCapital cho rằng, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất/lượng khách du lịch trong năm tới. Chính phủ cho thấy, sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025 và hy vọng rằng, các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu.
Theo ông Michael Kokalari, một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP, sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đáng kể. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào “hiệu ứng tài sản” liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu.
Nhận định về sự phục hồi ở hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, ông Andea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm đối mặt với các cú sốc tiêu cực, kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 2,7%. Trong bối cảnh chi phí tài chính tăng cao cùng những bất ổn liên quan đến các diễn biến địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được củng cố bởi lạm phát đang dần hạ nhiệt ở nhiều quốc gia nhờ giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực, giảm.
Ngoài ra, tác động trễ của làn sóng chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2023 cũng đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nhu cầu và hoạt động kinh tế. Yếu tố thứ ba, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giúp củng cố thương mại và đầu tư, vốn là động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi và tôi tin rằng, xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025”.
Lượng khách du lịch quốc tế đang có xu hướng tăng so với thời điểm trước dịch Covid-19. Ảnh: BẮC SƠN |
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 ban hành ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu các địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt hơn 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).
Thủ tướng cũng giao các bộ, cơ quan, địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao bắc - nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề nghị các cơ quan thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới.
Dựa trên các thông tin từ Chính phủ và các nguồn khác, VinaCapital cho rằng, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ tăng từ 15-20% vào năm 2025, đạt khoảng 31 tỷ USD (tương đương khoảng 6% GDP) cho các dự án.