Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến cuối quý III/2024, tổng số dư tiền gửi thanh toán cá nhân đã đạt hơn 1,19 triệu tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 9% so với đầu năm. Số tiền này hiện chiếm khoảng 17% tổng số tiền gửi của khách hàng cá nhân trong hệ thống ngân hàng, với tổng cộng hơn 6,9 triệu tỷ đồng.
CASA “cứu” lợi nhuận ngân hàng
Việc tăng mạnh số dư tiền gửi thanh toán (CASA) hiện nay đang tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Tỷ lệ CASA cao mang lại lợi thế lớn trong việc tối ưu chi phí vốn, giúp các ngân hàng cải thiện biên lợi nhuận (NIM) và gia tăng lợi nhuận.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2024, tính đến cuối tháng 9/2024, chỉ có 6 ngân hàng đạt tỷ lệ CASA trên 20%, gồm ACB (22,3%), VietinBank (23,1%), MSB (24,2%), Vietcombank (34,8%), MB (36,7%) và Techcombank (40,5%). TPBank và BIDV lần lượt xếp sau với tỷ lệ CASA đạt 19,3% và 18,7%.
Trong đó, Techcombank dẫn đầu với tổng số dư tiền gửi của khách hàng đến cuối tháng 9/2024 đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số dư CASA của Techcombank đã đạt mức kỷ lục 200.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2023, tỷ lệ CASA bình quân của Techcombank đạt 39,5%, vượt trội so với mức bình quân 19,3% của 10 ngân hàng lớn trong hệ thống.
Trong khi đó, mặc dù xếp thứ 5 về tỷ lệ CASA, VietinBank lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số dư CASA. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, số dư CASA của VietinBank đã tăng thêm 33.000 tỷ đồng, lên 352.000 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy chiến lược thu hút tiền gửi không kỳ hạn của VietinBank đang phát huy hiệu quả.
Theo nhận định của VPBank, các ngân hàng như Vietcombank, MB, Techcombank, MSB và VietinBank sẽ tiếp tục duy trì ưu thế về tỷ lệ CASA nhờ vào việc đầu tư đồng bộ vào số hóa, mở rộng mạng lưới và khai thác tối đa hệ sinh thái khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn phụ thuộc vào thu nhập từ tín dụng, chiếm tới 70-80% cơ cấu lợi nhuận.
Điều này kéo theo việc tối ưu hóa chi phí vốn đang trở thành yếu tố then chốt trong bối cảnh lãi suất huy động tăng và áp lực giảm lãi suất cho vay vẫn tiếp tục hiện hữu. Bên cạnh đó, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, chi phí huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng sẽ cao hơn, kéo theo chi phí vốn gia tăng.
Thực trạng này càng làm tăng tầm quan trọng của việc duy trì và gia tăng tỷ lệ CASA để các ngân hàng có thể ổn định và duy trì khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ CASA không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thực tế, các ngân hàng đều nhận thức rõ về lợi ích của việc gia tăng số dư tiền gửi thanh toán, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Mối lo rủi ro thanh khoản hiện hữu
Dù cũng đánh giá cao mặt lợi của CASA nhưng ông Lê Hoài Ân (thành viên Hiệp hội CFA toàn cầu), chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng lại bày tỏ mối quan ngại. Theo đó, tỷ lệ CASA cải thiện sẽ đi đôi với sự tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với các doanh nghiệp lớn, đang tạo ra những lo ngại trong giai đoạn hiện nay.
Ông Ân nhận định, việc tỷ lệ CASA chủ yếu được tạo ra từ tăng trưởng cho vay khiến mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng trở nên chặt chẽ hơn, làm gia tăng rủi ro chung của cả hệ thống.
Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 8/2024, NHNN đã có động thái giảm lãi suất OMO, lần đầu tiên kể từ đầu năm. Trước đó, vào cuối năm 2023, NHNN đã giảm lãi suất OMO, nhưng sau đó tăng lãi suất này hai lần vào tháng 4 và tháng 5/2024, mỗi lần tăng 0,25%/năm.
Giám đốc khối nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định rằng, việc giảm lãi suất OMO là động thái nhằm thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới, đồng thời với việc giảm lãi suất tín phiếu, thể hiện định hướng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Trong thời gian gần đây, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục tăng để thu hẹp chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác. Đặc biệt, từ đầu tháng 12/2024, đã có 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, với mức lãi suất cao nhất vượt 7%/năm cho các kỳ hạn dài.
Trước tình hình này, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định rằng, sự tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng trong thời gian qua chắc chắn sẽ kéo theo việc tăng lãi suất cho vay. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng nhu cầu vốn cuối năm tăng mạnh đã buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, từ đó đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN sẽ gặp phải khó khăn. Trong trường hợp này, khả năng phải tăng lãi suất để giảm bớt áp lực lên tỷ giá là điều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu cũng tạo thêm sức ép đối với hệ thống ngân hàng, khiến các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính nhận định, các ngân hàng phải đưa ra các dịch vụ hấp dẫn hơn, như tính năng sinh lời tự động, chấp nhận trả mức lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thông thường để thu hút khách hàng, vì khi tỷ lệ CASA tăng, ngân hàng sẽ giảm được chi phí huy động vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.