Điểm sáng thu hút FDI

Từ “vùng trũng” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, đến nay, Nghệ An thu hút được 147 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,69 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1. Ảnh: THÀNH CƯỜNG
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1. Ảnh: THÀNH CƯỜNG

Trong ba năm lại nay, thu hút FDI ở Nghệ An lọt vào tốp đầu toàn quốc. Hai năm 2023 và 2024, Nghệ An liên tiếp thu hút hơn 1,6 tỷ USD/năm vốn FDI. Nghệ An phấn đấu đến năm 2028, thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI.

Tín hiệu vui

Cuối tháng 11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua chủ trương cho nhà đầu tư MEGA Textile Singaporre Private Limited đầu tư Dự án Mega Textile - Vietnam có tổng mức đầu tư 590 triệu USD tại Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1), thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm dự án sẽ sản xuất khoảng 67.200 tấn vải các loại; 10.300 tấn đan các loại; 7.200 tấn sợi mầu; 100 triệu sản phẩm đai vòng; 130 triệu sản phẩm trang phục và bán thành phẩm cắt 2,2 triệu sản phẩm... Dự kiến, quý II/2028, dự án sẽ vận hành chính thức giai đoạn 1; các năm 2030 và 2034 vận hành giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và góp phần phát triển của ngành hàng may mặc tại địa phương.

Trước đó, cũng trong tháng 11, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho hai dự án FDI với số vốn 220 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết: Với việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án Mega Textile - Vietnam, kết quả thu hút đầu tư FDI 11 tháng năm 2024 của Nghệ An đạt hơn 1,567 tỷ USD, phấn đấu năm 2024 đạt gần 1,7 tỷ USD, kỳ vọng năm thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 10 cả nước.

Vì nhiều lý do, lâu nay Nghệ An vẫn thuộc diện “vùng trũng” trong thu hút đầu tư và nhất là đầu tư FDI. Tuy nhiên, kể từ 2019 - năm triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị “Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” đến nay, Nghệ An đang nổi lên, dần trở thành điểm sáng thu hút FDI. Nghệ An đã thu hút được 120 dự án trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có 40 dự án sản xuất công nghệ thuộc các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất linh kiện quang học, quang điện, phụ tùng ô-tô, sản xuất ắc-quy tính năng cao... Các dự án FDI đến từ các nhà đầu tư thuộc 14 quốc gia và vùng lãnh thổ; như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Thailand, Nhật Bản,...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An: Giai đoạn 2019-2024, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng rõ rệt. Tỷ trọng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cũng ngày càng chiếm ưu thế; góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 ước đạt 3,7 tỷ USD. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng các doanh nghiệp FDI góp phần giải quyết việc làm khá lớn cho địa phương. Năm 2024, số lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI là 49.000 người, tăng 78,18% so với năm 2019...

Tinh thần “5 sẵn sàng”

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ: Thời gian qua, để có kết quả thu hút FDI khởi sắc, vấn đề đầu tiên là việc lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất từ trên xuống dưới; trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy rất quan trọng với tư duy, quan điểm nhận định đúng tình hình, đặt ra đúng mục tiêu và có giải pháp cụ thể để triển khai. Nghệ An đã đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư từ tiếp cận theo diện sang theo điểm, tập trung vào những nhà đầu tư lớn; đặc biệt nhìn nhận đúng vấn đề xúc tiến đầu tư tốt nhất là thông qua các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; tỉnh cũng thay đổi tư duy tiếp cận về đất đai...

Nghệ An đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư với quan điểm "5 sẵn sàng" về quy hoạch, hạ tầng thiết yếu, mặt bằng đầu tư, nguồn nhân lực, đổi mới, cải cách, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lớn vào Nghệ An đều ghi nhận cách vào cuộc, thái độ, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Với nửa tỷ USD đầu tư vào Nghệ An đưa Goertek Vina trở thành một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina cho biết: Nghệ An đã giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng và luôn đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, từ đó tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư vào Nghệ An.

Để đẩy mạnh hơn nữa thu hút FDI, hướng đến năm 2028 thu hút được 10 tỷ USD, thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để mở rộng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt chủ động đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư về điều kiện hạ tầng các khu công nghiệp; hạ tầng chiến lược như cảng biển nước sâu, sân bay; hạ tầng năng lượng. Tỉnh cũng chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng với nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động...

Kinh tế Nghệ An tiếp tục phục hồi mạnh mẽ theo xu hướng tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Dự kiến GRDP của Nghệ An năm 2024 đạt khoảng 9,01%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 3 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung.