Hồn thổ cẩm
Khi bắt đầu dạy các con cháu nhuộm tấm thổ cẩm các mế thường đọc câu thần chú: “Mè nang hòm ơi, mè nang nin; lục ma nơ, pa ma nơ; ma hờ khòi nhọm đắng òn hong long”. Tạm dịch: (Tiên chàm ơi! Hãy thức dậy với ta đi đừng ngủ nữa; đến với ta để làm đậm màu đen, thắm thêm màu tím...). Ấy là một trong những câu thần chú thiêng liêng nhất của người phụ nữ Thái trước lúc tạo nên sắc mầu thổ cẩm. Người Thái gọi nước chàm là “Nặm nin”. Công thức nước chàm được các bà mế giữ bí mật, không cho ai biết. Quan niệm rằng nếu tiết lộ cho người khác biết thì “cái vía” của nước chàm cho rằng người đó không chung thủy và sẽ theo người khác đi. Ngày xưa nếu đôi bàn tay của người con gái Thái chưa đen nước chàm thì coi như chưa đẹp và đó là người con gái lười biếng.
Khi chọn người con gái làm dâu, các bà mẹ người dân tộc Thái phải chọn các cô có được những tiêu chuẩn: “Úp tay trái thành đóa hoa đào; ngửa tay trái thành cánh hoa thắm; khâu lụa có cánh bay lên; dệt vải thành vách hoa dâu; dệt tơ thành muôn màu sặc sỡ”. Có được những tiêu chuẩn trên, mẹ chàng trai mới ưng cái bụng: “Cô con dâu này thật chăm chỉ, siêng năng, khéo tay… nhà mình sẽ có phúc to”. Vì thế người con gái Thái không chỉ riêng miền Tây xứ Nghệ, ngay từ khi còn nhỏ đã được các mế, các chị dạy cho cách trồng bông, dệt vải, cầm kim thêu. Cho đến khi trưởng thành các cô phải thuần thục các công đoạn dệt nên những tấm thổ cẩm làm của hồi môn về nhà chồng. Nếu không người con gái sẽ thành “cá một con vờn không đẹp…”.
Hình tượng con rồng được thêu dệt lên ở chân váy của phụ nữ Thái đa dạng. Có đủ loại rồng theo trí tưởng tượng khá tinh tế : Rồng xanh, rồng đỏ, rồng vàng, rồng đất, rồng vực sâu; rồng biển, rồng mây, rồng có mào, có móng, rồng có vảy và không có vảy; rồng có mắt trước, mắt sau. Rồng dài suốt gấu váy; rồng ngắn, ngắn mập; rồng nối đuôi nhau, rồng đi riêng lẻ…
Khát vọng chinh phục rồng
Khác với quan niệm về hình tượng con rồng của người Kinh, người Thái ở miền Tây Nghệ An, quan niệm hoàn toàn ngược lại. Người Thái coi rồng là con vật bình thường, giống như muôn vàn con vật khác ở trên rừng hoặc dưới khe suối, có linh thiêng, có sức mạnh ghê gớm hơn nhiều con vật nhìn thấy bằng mắt, nhưng cũng rất bình dị. Con rồng trong trí tưởng tượng của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ vừa gần gũi lại vừa xa xôi, vừa hiền lành nhưng cũng vừa dữ dội; bí ẩn mà hiện thực; tưởng như siêu phàm nhưng cũng rất dễ khuất phục. Rồng ở đây cũng giống như con người, có yêu, có ghét, có lao động…! Từ xa xưa, đồng bào đã chia con rồng ra làm hai loại khác nhau: Rồng lành và rồng ác!
Trong quan niệm dân gian của người Thái ở miền Tây Nghệ An, rồng còn là biểu tượng cho sắc đẹp diệu kỳ. Đó là hình ảnh cầu vồng, con rồng duy nhất mà con người trông thấy được bằng mắt (ngược hung), còn lại chỉ nhìn thấy ở trong trí tưởng tượng. Chính vì thế mà ở hai đầu chân váy của phụ nữ Thái (nhóm Tày Mường), luôn được dệt bảy hàng chỉ với bẩy màu sắc giống hệt cầu vồng. Cho dù là rồng trông thấy được bằng mắt như cầu vồng, hoặc là con rồng chỉ trong trí tưởng tượng thì sự khao khát khuất phục loài vật vừa có vẻ đẹp diệu kỳ, vừa có sức mạnh ghê gớm này, để phục vụ cho cuộc sống, lao động và sinh hoạt của chính bản thân người Thái, là sự khao khát mang tính quyền lực cũng như sức mạnh vô địch của trí tuệ con người nói chung.
Xuất phát từ nhu cầu làm ruộng lúa nước, và hiện thực cuộc sống còn gắn bó mật thiết, gần gũi với tự nhiên, cho nên từ rất xa xưa, người Thái ở miền Tây Nghệ An luôn mơ ước chinh phục được con rồng, bắt con rồng phải làm ra “mưa thuận, gió hòa”, phải đào mương, đắp phai, đắp đập để lấy nước cho con người làm ruộng cấy lúa một cách tự chủ mà không quá phụ thuộc vào mưa nắng ở trên trời. Trong sâu thẳm của tâm thức dân gian, người Thái ở miền Tây Nghệ An tự coi rồng chính là nước, là mây, là gió, là mưa. Con rồng phải cùng với những con vật khác như: Trâu, bò, chó, lợn, khỉ, gấu, hươu, nai… giúp đỡ, phụng sự con người, phải coi con người là chúa tể của chúng, không được chống lại con người và lại càng không được ăn thịt con người. Những con vật nào làm trái với những điều ấy, sẽ bị con người trừng trị đích đáng!
Người Thái cũng cho rằng, loài rồng cũng chỉ là một trong muôn vàn loài vật mà thôi, cho nên những con rồng ở những nơi thấp nhất của trang phục con người. Những con rồng ấy vừa mang lại vẻ đẹp, vừa mang lại quyền uy cho họ trong ước vọng chinh phục một sức mạnh ghê gớm và kỳ bí như con rồng. Đó chính là chiếc chân váy của người phụ nữ dân tộc Thái!