Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn

Hiện tượng See tình - dấu hiệu khởi sắc của Vpop

Trước See tình của Hoàng Thùy Linh, một số sản phẩm thu âm của nghệ sĩ Việt cũng đã ghi được dấu ấn quốc tế nhất định, được coi là những cú đột phá trong khi họ vẫn thiên về hoạt động underground. Nhưng trường hợp của Hoàng Thùy Linh hơi khác, khi cô bền bỉ gây dựng được danh tiếng trong nước với sự hỗ trợ của một ê-kíp chuyên nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Huy Tuấn.
Nhạc sĩ Huy Tuấn.

Nhạc sĩ, nhà sản xuất Huy Tuấn đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Hoàng Thùy Linh và ê-kíp. Anh cũng dự báo đây có thể là một tín hiệu đáng hy vọng cho tương lai quốc tế hóa của âm nhạc đại chúng Việt Nam.

May mắn không tự đến

Anh nhìn nhận sao về việc See tình được ưa thích ở nhiều châu lục? Đó có phải hiện tượng đột biến, thưa anh?

Gọi đột biến cũng được, coi là có tính toán cũng được. Bởi xét ở cả chất lượng tác phẩm, tính thời đại của bài hát thậm chí cả tính dân tộc đậm đặc, nếu không được Hoàng Thùy Linh và nhóm DTAP đầu tư chất lượng và hệ thống từ những album đầu tiên thì sẽ không bao giờ có được thành quả như bây giờ. Việc See tình được yêu thích ở nước ngoài dựa phần lớn vào những yếu tố rất Việt Nam. Mà yếu tố đấy ê-kíp đã từng đưa vào sản phẩm từ cách đây 3-4 năm, hồi chưa có TikTok, giờ có rồi thì được lan tỏa hơn thôi.

Đôi khi chỉ một đoạn nhạc có tiết tấu (chưa cần giọng hát) đã có thể làm nên hiện tượng vượt biên giới như “vũ điệu cồng chiêng” trước đây của Tóc Tiên. Phải chăng See tình trở thành hiện tượng cũng nhờ có đoạn nhạc gợi... nhảy trong bài?

Cũng có thể, nhưng trong See tình, đoạn lan tỏa nhất đối với tôi là “tình tình tình tang tang tính…” và đoạn đấy thì rất Việt Nam.

Như vậy nghệ sĩ có sức lan tỏa quốc tế mạnh nhất hiện nay cũng sử dụng chất liệu Việt Nam một cách bài bản, có hệ thống. Anh có cho rằng nhạc Việt với màu sắc riêng đã đến lúc được thế giới quan tâm sau khi đã bão hòa với nhạc Âu-Mỹ, Latin hay Hàn Quốc?

Tôi không nghĩ như thế. Âm nhạc mang tính thời thượng phải hội đủ rất nhiều yếu tố. Mọi thứ hội tụ trong bài See tình thì nó được lan tỏa thôi chứ không phải vì nó Việt Nam hay Hàn Quốc. Nó có thể là bất cứ nước nào, thuộc châu Phi hay Ả-rập… Cái này nó là duyên, chứ không phải nhạc Việt đã đến thời. Tất nhiên còn phải cộng thêm các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng nếu các bạn không sẵn sàng chuẩn bị cho những thứ đó thì may mắn không bao giờ đến.

Trước See tình của Hoàng Thùy Linh đã có một số sản phẩm thu âm được khán giả và các bảng xếp hạng quốc tế ghi nhận nhưng chất lượng, sự duyên dáng trong cách mà DTAP cùng Linh sáng tạo đã vượt hẳn lên. Những cái kia có thể là mang yếu tố lạ, đột biến nhưng ở đây không chỉ có mới lạ mà còn có cả những yếu tố thời thượng, được theo đuổi một cách xuyên suốt và có chiều sâu từ những năm trước rồi. Như giải Cống hiến mới đây cũng không đề cử See tình mà lại là một bài khác cùng album. Điều đó càng chứng tỏ sự đầu tư xuyên suốt, kỹ lưỡng của ê-kíp này, khi bài nào cũng có thể trở thành hit.

Cơ hội mới cho V-pop

Những thành công quốc tế, dù là đột biến hay đã có sự chuẩn bị của Hoaprox, Pháo, Tăng Duy Tân hay Quang Hùng Master D, Hoàng Thùy Linh liệu đã có thể chứng tỏ Vpop đang phát triển tiệm cận thế giới, các nghệ sĩ đã đủ sức trực tiếp bước lên sân khấu quốc tế để biểu diễn, theo anh?

Tôi nghĩ là với những thứ đang được phổ biến đại chúng thì câu trả lời là “rồi”. Những sản phẩm âm nhạc thời thượng được sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn đạt chuẩn quốc tế. Các nghệ sĩ ấy sản xuất, phối khí hoàn toàn không thua kém các quốc gia khác. Nếu chỉ may mắn thì thành công không rơi vào nhạc Việt nhiều đến thế. Điều đó chứng tỏ nghệ sĩ Vpop bây giờ đã có sẵn chất liệu, đủ chín, và nếu có cơ hội, họ có thể bước ra thế giới.

Từ đạt chuẩn quốc tế đến thực tế ra nước ngoài biểu diễn vẫn còn một khoảng cách khá xa. Theo anh, cần yếu tố gì để thu hẹp khoảng cách này?

Cần sự chung sức của những thiết chế lớn hơn là những cố gắng cá nhân của từng nghệ sĩ. Thậm chí rất cần những chính sách, chiến lược để hỗ trợ cho nghệ sĩ của dòng âm nhạc đại chúng. Bởi tôi nghĩ rằng những thiết chế đấy chưa thực sự đánh giá đúng họ. Trước nay chúng ta cứ nghĩ đó là nhạc thị trường, kém chất lượng hay có đôi chút coi thường những thành quả của âm nhạc đại chúng. Giờ mình cứ lấy trường hợp của See tình so với những thứ đang được đầu tư để đưa nhạc Việt ra thế giới, tôi nghĩ chưa có sản phẩm nào thành công hoặc lan toả như vậy.

Hiện tượng See tình - dấu hiệu khởi sắc của Vpop ảnh 1

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong đĩa đơn See tình.

Những nhà hát, dàn nhạc… tất nhiên cần phải đầu tư nhưng xét về hiệu quả quảng bá cho hình ảnh Việt Nam thì những sản phẩm mà các nghệ sĩ đại chúng mang lại rất đáng kể. Nghe thế giới ngân nga “tình tính tang tang”, thử hỏi chúng ta có chiến lược nào có thể mang cái câu thuần Việt ấy len vào đầu của những người không biết tiếng Việt?! Mình phải đánh giá cao những gì các bạn trẻ đang làm cho đất nước, phải nhìn nhận tài năng của họ, điều mà nhiều thế hệ Vpop trước đây cũng không làm được. Nặng về chuyên môn quá thì không có thị trường và ngược lại, giờ các bạn trẻ đã dung hòa được cả hai.

DTAP cũng như nhiều nhà sản xuất, nhạc sĩ trẻ hiện nay đều xuất thân “tay ngang”, không cần du học nước ngoài, không học trường trong nước nhưng vẫn thành công. Anh nhận xét sao về thực tế này?

Thời đại bây giờ khác rất nhiều, học cũng có nhiều cách, nhiều con đường. Các bạn trẻ có rất nhiều công cụ nền tảng để tự học, miễn là biết cách và đủ đam mê. Chúng ta có không ít trường hợp được học sáng tác nhưng không có tác phẩm để đời hoặc được yêu thích. Dù xuất thân thế nào thì hiệu quả công việc vẫn sẽ được đánh giá chính xác nhất qua tác phẩm.

Trên thế giới, các nghệ sĩ chuyên nghiệp đều đương nhiên phải có công ty quản lý. Nói chung không có nghệ sĩ độc lập nào mà sự nghiệp có thể đạt tầm quốc tế. Còn ở Việt Nam tuyệt đại đa số ca sĩ đang “tự làm tự ăn”. Theo anh đây có phải là yếu tố cản trở sự phát triển lên một tầm cao mới của Vpop?

Đúng là phần lớn những nghệ sĩ tầm cỡ hiện nay trên thế giới đều nằm trong một hệ thống phát hành rất lớn. Không phải Warner Brothers hay Sony gì đấy thì rất khó tiến ra thị trường nước ngoài. Việc các nghệ sĩ Vpop hoạt động độc lập phù hợp với một giai đoạn nhưng sắp tới cách tư duy cũng như vận hành của nền âm nhạc chắc chắn sẽ phải thay đổi. Hai “ông lớn” tôi vừa nhắc tên cũng đã có mặt ở Việt Nam bắt đầu độc quyền quản lý một số nghệ sĩ. Rõ ràng họ đã nhìn thấy tiềm năng lớn của nhạc Việt và bắt tay vào khai thác.

Như vậy thành công quốc tế của một số nghệ sĩ trẻ có thể coi là nền móng để âm nhạc đại chúng Việt Nam khởi sắc trong tương lai gần?

Bằng tinh thần lạc quan, tôi rất hy vọng đấy là một sự khởi sắc. Rất hy vọng những người có trách nhiệm, có tâm với âm nhạc kể cả trong bộ máy quản lý nhà nước lẫn bên ngoài sẽ dần thay đổi tư duy để cùng đoàn kết, đồng lòng, bắt tay nhau để sự khởi sắc đó sớm thành hiện thực.

Đối với tôi, âm nhạc của nhiều bạn trẻ bây giờ đang làm cho Vpop thực sự chất lượng. Từ R&B, dance tới rap, hiphop đều đâu ra đấy. Trước nhiều người nghi ngờ âm nhạc đại chúng, quan niệm thị trường này không chất lượng, giờ thì ngược lại. Qua những gì được biết được nghe, tôi rất lạc quan.

Gần đây, Thái Lan đang ngày càng có tầm ảnh hưởng trong khu vực, cả về phim ảnh lẫn âm nhạc. Anh đánh giá sao về mô hình quản lý âm nhạc của họ?

Nói về sự chung tay giữa các thành phần trong nền kinh tế văn hóa thì nó là một khoảng cách xa. Còn về cá nhân nghệ sĩ Vpop, Việt Nam hoàn toàn không lép vế với thế giới nên không có gì phải ngại Thái Lan. Nhưng họ đã có được cái nhìn vĩ mô trong phát triển văn hóa, thực hiện bài bản và chuyên nghiệp hơn mình nhiều. Họ hiểu đoàn kết, chung sức là con đường nhanh nhất để đưa bản sắc của mình hòa nhập thế giới. Con đường chỉ có một và vấn đề là bao giờ ta quyết tâm đặt chân lên đó mà thôi.

See tình sau hơn một năm ra mắt vẫn tiếp tục khiến thế giới phát sốt. Mới đây, bài hát này đã đạt vị trí 16, bản remix giữ vị trí 23 trong Top 50 bài hát được nghe nhiều nhất trên Spotify Hàn Quốc. Trước đó nó cũng lên đến vị trí thứ 4 trong số những bài hát được tìm kiếm nhiều nhất trên bảng xếp hạng Melon. Nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao của Hàn Quốc đã nhảy trên nền ca khúc này. Tình hình tương tự diễn ra ở Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản... và nhiều nước khác.

Hàng triệu video nhảy theo nhạc bài See tình được đăng lên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc ước tính đạt hơn 4 tỷ lượt xem. Ca khúc cũng nhiều lần được phát trong các chương trình truyền hình Trung Quốc nổi tiếng đến mức được truyền thông nước này gọi là “thần khúc”. Người hâm mộ nước ngoài gọi bài hát và cả Hoàng Thùy Linh là Tingting Tangtang vì yêu thích đoạn nhạc có ca từ thú vị này.