Hào hứng với các cuộc thi viết

Nhiệt tình quan tâm và tham gia các giải thưởng cả văn chương và báo chí, nhiều gương mặt được anh em, đồng nghiệp thân quý gọi vui là “vua giải”, “thợ săn giải”... Với các tác giả, mỗi lần tham dự cuộc thi là mỗi lần thử sức, và may mắn đạt giải cũng sẽ nhận về niềm vinh dự và sự khích lệ thiết thực, đó là tiền thưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Nguyễn Văn Công (thứ hai từ trái sang) nhận giải trong cuộc thi của tạp chí Đồ uống.
Tác giả Nguyễn Văn Công (thứ hai từ trái sang) nhận giải trong cuộc thi của tạp chí Đồ uống.

Thêm đam mê, thêm kinh nghiệm

Có nhiều tác giả đang là những người “thu hoạch” nhiều giải thưởng hoặc hăng hái “săn” giải như Nguyễn Văn Công, Đinh Thành Trung, Vinh Kiu ở Hà Nội, A Lăng Ngước ở Quảng Nam, Nguyễn Chí Diễn ở Bắc Giang, nhà văn Lê Quang Trạng ở An Giang, nhà thơ Hoài Khánh ở Hải Phòng, nhà văn Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các cây bút trẻ đang sinh sống và làm việc như Phương Huyền, Tống Phước Bảo, Trần Đức Tín… cũng thường xuyên gặt hái các giải thưởng văn chương.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tại các lễ tổng kết của nhiều cuộc thi, Nguyễn Văn Công là người có duyên với giải thưởng, có năm anh lĩnh đến… 9 giải. Theo dõi tần xuất Công xuất hiện trên bục nhận giải, nhiều người mừng cho anh. Trước đây, Công thường tham gia các cuộc thi viết nhỏ trên mạng xã hội, 50% số điểm dựa vào lượt tương tác của bạn đọc. Gần đây anh thường tham gia các cuộc thi do các báo, tạp chí uy tín tổ chức, tính chuyên môn cũng cao hơn và qua các cuộc thi anh cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, kỹ năng viết lách được rèn luyện. Qua các cuộc tổng kết, trao giải anh được gặp gỡ các cây bút lớn, các tác giả đến từ nhiều vùng miền và được học hỏi, đó là những kỷ niệm rất đẹp trên con đường viết lách của cá nhân anh.

Tôi hỏi tác giả Nguyễn Văn Công, nếu có người nói anh là “vua săn giải”, anh nghĩ sao? Công trả lời: “Tôi thấy được gọi như vậy thì cũng vui thôi. Việc viết lách, dù ở bất kỳ cuộc thi lớn nhỏ nào cũng mang tính sáng tạo và chuyên môn, tôi nghĩ có may mắn nhưng chỉ là rất nhỏ, cũng phải tập trung, nỗ lực. Tôi thích tham gia các cuộc thi và tôi để ý, lắng nghe cũng như quan tâm đến thể lệ mỗi cuộc thi, để từ đó mà lựa sức viết”. Cũng câu hỏi này, tác giả Nguyễn Chí Diễn trả lời: “Bản thân tôi tham dự nhiều cuộc thi, và cũng gặp nhiều thất bại. Thất bại thì không “khoe” nên không ai biết. Vả lại những giải thưởng tôi giành được thường là những giải nhỏ. Song, dù thế tôi cũng rất vui”.

Với nhà thơ Hoài Khánh, anh đã cảm thấy rất vui thích khi được nhận giải thưởng ngay từ hồi đầu tập viết thơ văn, năm anh ở tuổi mới lớn. Sau mấy năm liên tục đạt giải thưởng lớn nhỏ, vì vướng bận gia đình, nghề nghiệp chuyên môn nên anh không còn nhiều thời gian cho các cuộc thi. Gần đây, nhà thơ tâm sự: “Bây giờ có nhiều thời gian hơn cho công việc sáng tác, tôi đã quan tâm đến giải thưởng văn chương hơn. Giải thưởng mỗi cuộc thi sáng tác sẽ khích lệ những người viết tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo nghệ thuật, chữ nghĩa với quá nhiều gian khổ, thử thách”.

Những động lực thiết thực

Để đạt giải thưởng, tất nhiên, chất lượng tác phẩm là trên hết, phải đủ sức chinh phục ban giám khảo, đồng thời phải đáp ứng thể lệ, quy định mỗi cuộc thi đề ra. Mỗi người dự thi cũng cần chuẩn bị tâm lý là tác phẩm của mình có thể đạt giải hoặc không, để vẫn giữ được thái độ và nhiệt huyết. Nhà thơ Hoài Khánh giãi bày: “Người viết phải biết lượng bút lực chính mình, việc đó không dễ, xem khả năng mình dự thi có thể đạt giải hay không, đỡ bị thất vọng khi không đạt giải. Dĩ nhiên bài thi phải được viết ra một cách cẩn trọng, gắng gỏi sức viết hết mình. Nếu có điều kiện theo dõi và thử so sánh bài thi mình viết ra và những bài thi đã công bố trước mình trong thời gian triển khai cuộc thi, thấy đủ tự tin thì hãy nộp bài thi của mình. Tôi thường nộp bài thi trước hạn nhận bài chừng nửa tháng hoặc mươi ngày. Ai đi thi cũng mong đạt giải thưởng, giải càng cao càng tốt. Nhưng nếu thắng không kiêu mà bại cũng đừng nản. Giải thưởng là thứ cần thiết nhưng không phải là tất cả”.

Điều đáng nói, qua mỗi cuộc thi các tác giả được rút kinh nghiệm từ những lời nhận xét của ban giám khảo, sự trần tình của bạn nghề cùng dự thi, được quen biết thêm những bạn viết xa gần và các thành viên đơn vị tổ chức. Tác giả Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Qua mỗi cuộc thi tôi có dịp được vào thăm các tòa soạn, làm quen với các anh chị biên tập viên, phóng viên và dần dần trở thành một cộng tác viên quen thuộc của tờ báo đó. Hầu hết các tờ báo đều rất trân trọng cộng tác viên, coi cộng tác viên như một phần không thể thiếu trong phát triển nội dung của tòa soạn, và tôi may mắn được làm cộng tác viên của một số tờ báo uy tín, đó là sự hãnh diện rất lớn”. Anh Công cũng nhấn mạnh: về tiền thưởng, các cụ xưa có câu “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, dĩ nhiên tôi cảm thấy rất hạnh phúc với những đồng tiền thưởng từ các cuộc thi và nó cũng giúp tôi không nhỏ trang trải cuộc sống thường nhật”.

Với mỗi người viết, người dự thi, tiền thưởng có giá trị khích lệ và cũng thật thiết thực, góp phần không nhỏ cho việc cải thiện đời sống thường nhật của mỗi tác giả. Qua đó, giúp cho mỗi tác giả có thêm động lực để tiếp tục viết, tiếp tục “nghe ngóng” và hướng đến mỗi cuộc thi, chinh phục những đỉnh cao và nỗ lực viết ra những tác phẩm chất lượng, như nhà văn Lê Quang Trạng chia sẻ: “Vượt ra ngoài cuộc thi là qua mỗi lần nhận giải, tác giả nhận ra khả năng của mình, viết được những tác phẩm có giá trị, cống hiến cho bạn đọc”.