Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa khi về hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, song làn sóng người lao động xin rút vẫn gia tăng. Bên cạnh việc tiếp thu ý kiến để sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, còn cần đến cơ chế chính sách đặc thù khác nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động cần những chính sách đa tầng, hỗ trợ để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động cần những chính sách đa tầng, hỗ trợ để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.

Còn những quan ngại

Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có 4.058.317 người đề nghị và được rút một lần. Vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, người lao động. Đưa ra dự báo, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn tái diễn, thậm chí nửa đầu năm 2024 sẽ gia tăng, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, cần có giải pháp chủ động từ sớm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Để giải quyết thực trạng này, khi xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đề xuất hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Phương án một, người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút một lần. Người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được rút một lần, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Phương án hai, người lao động sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm nếu có nguyện vọng thì chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, cả hai phương án đều chưa tối ưu bởi thiếu những chính sách bổ trợ. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khuyến nghị, khi ban hành một quy định, việc lựa chọn phương án nào phải kèm theo cơ chế điều kiện của Nhà nước hỗ trợ lao động để hạn chế rút một lần, thí dụ như hệ thống tín dụng mở rộng, ưu tiên cho đối tượng công nhân. Hiện nay, chúng ta chưa có hệ thống tín dụng dành riêng cho công nhân.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần nữa nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu ở nghị trường cũng như các chuyên gia độc lập. Không ít chuyên gia kiến nghị Dự thảo Luật cần được tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện. Còn Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cam kết, ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến và báo cáo Chính phủ về phương án giải quyết theo hướng bảo đảm khuyến khích người lao động tiếp tục bảo lưu bảo hiểm xã hội và giảm chính sách với người rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tăng sức hấp dẫn của chính sách

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một bộ luật có tác động lớn nên việc sửa đổi cần phải được đánh giá nhiều chiều, giải pháp đưa ra phải hài hòa, tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội, như vậy mới giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến trực tiếp của người lao động để có phương án thấu đáo. Thêm nữa, cần có các hình thức truyền thông hiệu quả hơn, để người lao động nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Có chuyên gia đề nghị cần quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện đa tầng, cân đối giữa các chính sách có hình thức bắt buộc và tự nguyện, có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động tham gia, thiết kế nhiều gói chính sách để người lao động được quyền lựa chọn hình thức và mức độ tham gia.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, kiến nghị, có thể hạn chế số người rút một lần bằng cách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thật sự là công cụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần phát huy tốt các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…

Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai cho công nhân, người lao động được vay ưu đãi để giải quyết khó khăn trước mắt, với gói vay 20 nghìn tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Theo đó, công nhân lao động khó khăn sẽ được tổ chức công đoàn đứng ra bảo lãnh và tín chấp. Để hỗ trợ người lao động, một số ngân hàng đề xuất phương án: Thay vì đến làm thủ tục rút một lần thì người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội đề xuất đưa khoản tiền giá trị tương đương khoản tiền rút một lần thành khoản thế chấp để vay vốn từ ngân hàng. Sau khoảng hai năm, người lao động có tiền, trả lại ngân hàng, trường hợp không có điều kiện trả tiền thì mới làm thủ tục rút một lần. Tuy được đánh giá là thiết thực, song giải pháp này cũng sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, cần các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, sửa đổi một số quy định liên quan.

Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhấtở

nhóm tuổi từ 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40%); tiếp đó nhóm tuổi từ hơn 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37%), hầu hết có thời gian tham gia dưới 10 năm.