Hài hòa lợi ích trong giải phóng mặt bằng

Một hộ dân có nhà chắn đường ở Bạc Liêu suốt 20 năm nay đã đồng ý giao đất làm đường. Vụ việc tưởng chừng đơn giản, giải tỏa, lấy đất làm đường, phục vụ dân sinh… thế nhưng phải mất đến 1/5 thế kỷ mới được giải quyết xong xuôi.
0:00 / 0:00
0:00

Xét về mặt quy mô thì đây là sự việc nhỏ ở cấp tỉnh. Thế nhưng với tính chất phức tạp và dai dẳng của sự việc, có thể coi đây là một trường hợp đáng chú ý, từ đó có thể rút ra những bài học trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh trong buổi họp báo về sự việc trên: Tính đúng, tính đủ cho dân thì không có thưa kiện. Một câu nói đơn giản nhưng hàm chứa quá nhiều vấn đề, sự việc mà đôi khi khó có thể thực hiện cùng lúc trong thực tế.

Hiểu đơn giản, nếu nói về lợi ích, lợi ích của cá nhân không phải lúc nào cũng tương đồng với lợi ích của tập thể. Phần lớn khiếu kiện của người dân về đất đai trong phạm vi giải tỏa đều liên quan đến giá đền bù. Trong khi đó, giá đền bù phải theo khung giá đất của Nhà nước. Phạm vi điều chỉnh và mức độ tiếp cận thực tế của khung giá đất cho đến nay còn quá nhiều hạn chế.

Việc xác định bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường, đã được đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đang chờ được Quốc hội thông qua. Để đi được đến thời điểm áp dụng vào thực tế còn cần thời gian. Vẫn còn một số ý kiến lo ngại nếu bỏ khung giá đất sẽ gây tăng giá đất, giá giải phóng mặt bằng tăng, giá đầu tư tăng, người nghèo khó tiếp cận đất…

Trong một số trường hợp, vài khâu trong quy trình giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện đúng. Đối với trường hợp ở Bạc Liêu, ông Thiều cũng thẳng thắn thừa nhận: Trước đây làm sơ sài. Nhận thức cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng rất sơ sài, có khi sai, nhất là sai tên, không đúng hộ, sai thửa, nên làm không được. Hộ bà Hường (chủ nhà bị giải tỏa) đặt mấy vấn đề về giá, do nhà nằm trên hai tuyến đường. Áp dụng thời điểm đó, bà chưa đồng tình nên chưa nhận tiền bồi hoàn, hơn nữa còn có tình tiết sai thửa, sai bản đồ địa chính…

Ý kiến “tính đúng, tính đủ cho dân...” thật sự rất khó để hiểu riêng về mặt vật chất, cũng bởi đối với từng cá nhân, thật khó để biết khi nào là đủ. Nhưng nếu chúng ta hiểu câu nói đó theo nghĩa rộng hơn, rằng mỗi người tham gia quá trình đó đều làm đúng phần việc, thực hiện đúng vai trò của mình, trong đó người dân biết nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội còn cán bộ thực hiện đúng nghiệp vụ, chức năng thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc hài hòa lợi ích, từ đó tài sản của người dân được “tính đúng, tính đủ”, còn quyền lợi của cộng đồng, xã hội cũng luôn phải được người dân quan tâm, đặt lên trên hết, trước hết.