Hà Nội và câu chuyện chuyển mình thế kỷ

150 tư liệu quý giá tại triển lãm “Thành xưa, Phố cũ” mang đến góc nhìn trầm sâu về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
0:00 / 0:00
0:00
Thềm rồng trước điện Kính Thiên, một trong những di tích còn sót lại sau đợt phá thành Hà Nội của thực dân Pháp.
Thềm rồng trước điện Kính Thiên, một trong những di tích còn sót lại sau đợt phá thành Hà Nội của thực dân Pháp.

Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Các phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được trưng bày theo hai chủ đề lớn: “Thành bên Phố” và “Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây”.

Từ thành xưa…

Năm 1805, Vua Gia Long đã sai phá thành Thăng Long thời Lê và cho xây thành mới đặt tên là Bắc thành ở vị trí cũ (đến đời Vua Minh Mạng đổi Bắc thành thành tỉnh Hà Nội).

Thành từng là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của Tổng trấn Bắc thành, quản lý khu vực Bắc Bộ Việt Nam (1802 - 1831), rồi tỉnh Hà Nội (từ năm 1831). Khi thực dân Pháp đánh thành lần đầu năm 1873, dù đã kiên cường chống đỡ nhưng thành vẫn bị thất thủ, cùng sự hy sinh của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và con trai Nguyễn Lâm. Sau khi thương thuyết thực dân Pháp trả lại thành, Vua Tự Đức đã có châu phê về việc chiểu theo luật “Chủ tướng bất cố thủ” xét xử các quan chức để thành Hà Nội thất thủ. Châu phê có đoạn “Thành trì quan trọng, mà các viên giữ thành lúc đó đã không thể sống chết với thành, hoặc là can tâm để nó cướp phá, hoặc bỏ thành mà trốn. Giao cho đình thần tham khảo điển lệ, sự việc tình thế, tất cả theo đó mà nghị xử cho rõ ràng rồi tâu lại đầy đủ”.

… đến phố cũ

Lần thứ hai, sau khi chiếm được thành Hà Nội năm 1882, thực dân Pháp đã phá hầu hết công trình cũng như kết cấu bao thành chỉ còn một số kiến trúc được giữ lại như: Kỳ đài, Đoan môn, bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc - minh chứng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng.

Tư liệu lưu trữ cho thấy, việc các công trình bị phá hủy đã gây tiếc nuối cho không chỉ người dân Việt Nam mà ngay cả toàn quyền Đông Dương lúc đó, Paul Doumer cũng thể hiện sự nuối tiếc, tư liệu có đoạn ông viết “Tôi sang quá chậm để giữ lại những chỗ cần thiết. Đặc biệt là các cửa thành đáng được giữ lại vì chúng có những quan hệ mật thiết với lịch sử hào hùng đáng cho ta phải kính nể. Giống như Khải Hoàn môn - ngôi sao ở Paris, các cửa đó sẽ làm đẹp cho các khu phố mà không cản trở giao thông…”.

Toàn cảnh Hà Nội thời bấy giờ được André Masson (Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) nhận định “Hà Nội 1873 không phải là một thành phố mà là một điểm cư dân hỗn hợp, trong đó có khu hành chính, khu buôn bán và nhiều làng được đặt bên nhau trong một khu vực kín...”.

Người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này. Tại đây, họ đã bắt đầu cho xây dựng các cơ quan hành chính đầu não của bộ máy chính quyền các cấp như Phủ Thống sứ Bắc kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Kho bạc Đông Dương, Sở Bưu điện Hà Nội chung quanh đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng)…

Những tuyến phố mới theo kiểu châu Âu đã được mở, như: phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay), phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), Đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), Đại lộ Républicque (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovanelli (nay là phố Lê Hồng Phong)... Qua đó, Hà Nội đã dần thay đổi từ đô thị của nhà nước phong kiến độc lập trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân.

Nói về thời kỳ này, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, với sự chuyển đổi công năng của thành phố Hà Nội và hình thành các tuyến phố mới, một đô thị truyền thống kiểu Á Đông đã dần thay đổi và giao hòa với những không gian mới, kiến trúc mới kiểu phương Tây. Những khu phố mới, trung tâm chính trị hành chính mới được xây dựng với những con đường thẳng tắp. Những đại lộ rợp bóng cây và những công trình kiến trúc tiêu biểu còn lưu giữ đến ngày hôm nay.

Giá trị từ tài liệu lưu trữ

Các tài liệu lưu trữ được trưng bày tại triển lãm đã cung cấp khá đầy đủ những tư liệu về quá trình thay đổi của Hà Nội từ quy hoạch của người Pháp. Chính sách xây dựng công trình mới, chính sách xây dựng các phố Tây và quy hoạch lại các khu phố cũ gợi cho chúng ta nhớ về những ký ức của Hà Nội xưa, nơi luôn lắng hồn sông núi gắn với một giai đoạn lịch sử.

Ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, những thứ còn lại là những công trình, di tích có tuổi đời hơn một thế kỷ và đó là những nhân chứng lịch sử. Các tài liệu quý báu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 giữ gìn đến ngày nay giúp chúng ta nhìn lại và phát huy những giá trị của các di sản kiến trúc đó.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia nhận xét, sự nghiệp bảo tồn và đặc biệt là phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho đến nay đã được tổ chức một cách có hệ thống, tiến tới chuyên nghiệp với những nội dung ngày càng đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu của xã hội.