Hà Nội trong mắt... Trần Văn Thủy

Từ bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai năm 1982 cho tới giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào tháng 10/2022 vừa qua, những thăng trầm thời cuộc đã theo đuổi đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy (ảnh bên) trong suốt cung đường bốn thập niên và đưa ông chạm tới đủ "ái ố hỉ nộ" của đời người.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ở hành trình ấy, cơ duyên từ hai chữ Hà Nội dường như cũng gắn liền với hai từ mà trước sau ông luôn lặp lại trong mọi câu chuyện, mọi thước phim - "con người" và "sự thật".

1 Tuổi 82, nghẹn ngào xúc động khi được tôn vinh ở hạng mục Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội (dành cho những cá nhân gắn bó, cống hiến cho Thủ đô suốt cuộc đời và sự nghiệp), vị đạo diễn này nói ngắn gọn trong ngày nhận giải: "Bất kể thế nào, tôi tuyệt đối chưa bao giờ có ý định sống ở nước ngoài và cũng không thể sống được ở nước ngoài -dù đã từng sống ở châu Âu cả năm trời và ở Mỹ sáu tháng để tìm hiểu về cộng đồng người Việt tại đó".

Có lẽ bây giờ, xem lại Hà Nội trong mắt ai, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên về những lận đận cay đắng mà cả bộ phim lẫn người khai sinh ra nó nhận về. Giống như câu chuyện mà ông Thủy từng kể trong hồi ký, rằng một vị lãnh đạo cấp cao khi đó đã băn khoăn và chân tình hỏi ông sau khi xem: "Phim chỉ có vậy thôi à, sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn nên tôi không hiểu?".

"Chỉ có vậy" và mọi thứ cũng bắt đầu như một sự tình cờ. Khi ấy, ở tuổi 42, vị đạo diễn nhận kế hoạch dựng một bộ phim quảng bá du lịch cho Hà Nội. Đọc kịch bản đã được duyệt về những chùa chiền phố cổ, của ngon vật lạ, con người thanh lịch của một Hà Nội xưa, ông ngó ra phố xá, nhìn cảnh rồng rắn xếp hàng mua lương thực, cảnh người cơ nhỡ lay lắt nơi công viên, di tích rồi thừ người ra...

Bỏ hằng tháng vào thư viện, ông Thủy đọc lại tất cả những gì từng có về một Thăng Long-Hà Nội trong quá khứ. Đọc, rồi ám ảnh và "bàng hoàng, mặc cảm", như cách nói của ông. Và lựa chọn được đưa ra: Cũng tiền của, công sức, thời gian ấy, cũng vẫn đề tài Hà Nội nhưng bộ phim phải làm khác đi, cả về nội dung lẫn hồn cốt.

Hà Nội trong mắt ai được thực hiện không theo phong cách chính luận đương thời, cũng không có sự khoa trương, tự hào về những gì đang có. Đó là một Hà Nội mang âm hưởng tha thiết, trong sáng và có chút ngậm ngùi từ tình yêu dành cho nó của nhạc sĩ mù Văn Vượng và danh họa Bùi Xuân Phái. Là một Hà Nội với vẻ đẹp về chiều sâu tư tưởng, về cách trị nước yên dân trong quá khứ. Với một Tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng để cấm các chức quan sách nhiễu dân lành. Một đền thờ Nguyễn Trãi - người để lại lời nhắn nhủ "mến người có nhân là dân, mà người chở thuyền lật thuyền cũng là dân". Một chùa Bộc đặt tượng Vua Quang Trung - trên đầu không thờ chữ Dũng, chữ Vũ hay chữ Uy, chữ Linh mà chỉ có một chữ Tâm rực rỡ...

Cười buồn, ông Thủy kể mình cũng không hình dung nổi việc để cảnh một nhạc sĩ mù mở đầu và khép lại bộ phim có thể dẫn dắt tới những quy chụp nặng nề sau đó. Cũng như chữ "ai" trong tên phim được phát hiện rằng không chỉ là một đại từ nhân xưng, mà còn mang nghĩa ai oán, bi ai. Cũng như, mấy chữ "thời phong kiến xưa" trong lời bình khiến ông khốn khổ trước câu hỏi: Tại sao không phải chỉ là "thời phong kiến"? Nói vậy là có cả thời phong kiến nay?...

2 Bốn thập niên từ thời điểm ấy, Hà Nội trong mắt ai đến giờ đã được công chiếu hàng ngàn lần và giành giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988. Phần 2 của nó - Chuyện tử tế - cũng gây tiếng vang không kém khi nhận giải thưởng Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (CHDC Đức). Còn đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cách đây 21 năm.

Hai năm gần đây, sức khỏe không tốt, ông Thủy thường xuyên nằm viện nhưng vẫn viết nhiều và đọc nhiều. Vừa nhúc nhắc ngồi dậy, ông đã lên đường sang châu Âu để tham gia thực hiện bộ phim tài liệu Mẹ ngóng con về (Đài truyền hình Việt Nam) gắn với số phận của những người Việt Nam xa xứ. Cũng đã từ rất lâu, hình ảnh những người khao khát trở về với mảnh đất sinh ra mình luôn xuất hiện trên các trang viết và câu chuyện của Trần Văn Thủy.

Trở về nơi mình lớn lên, tưởng nhớ tiền nhân, lần về nội tâm nguyên sơ - những điều ấy với Trần Văn Thủy là thứ quan trọng nhất để neo mình vào cuộc đời. Giống như tới thăm nhà, mọi người thường ngạc nhiên khi thấy ông luôn thắp hương trước khi trò chuyện. Ông kể, bàn thờ gia tiên đặt ở phòng khách là để tiền nhân chứng kiến những điều mọi người nói và làm với nhau: Không giả dối và đối đãi chân thành.

"Hà Nội đẹp và thiêng liêng bởi chiều sâu văn hóa lịch sử mà tiền nhân để lại, chứ không hề có thứ bùa phép nào buộc người ta dành cho nó một tình yêu lớn lao đến như thế" - ông nói. "Đến giờ, tôi vẫn luôn thấy mình có lỗi vì từng không ý thức được rằng cha ông ta đã dày công, đã hoài vọng với hậu thế đến mức nào...".

Trò chuyện, đạo diễn Trần Văn Thủy nói rất nhiều về những con người Hà Nội xưa. Đa phần trong số họ không sinh ra, nhưng gắn bó, làm dày và tô điểm cho hai chữ thiêng liêng Hà Nội. Để rồi, ở chiều ngược lại, đến lượt mảnh đất này nhào nặn, thấm đẫm "tinh thần Hà Nội" để tạo nên những con người như thế cho hậu thế luận bàn. Cũng như, chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà nội trong mắt ai gắn nhiều với chuyện cũ người xưa - khi mà giữa muôn ngàn mặt người, đất kinh sư trong sử cũ vẫn là biểu trưng của kẻ sĩ và trí thức Bắc Hà.

Ngay câu chuyện của những người đã giúp ông Thủy thực hiện bộ phim cũng làm vị đạo diễn này rưng rưng khi nhớ lại. Đó là nhà sử học Trần Huy Bá và nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc -hai học giả dày công tra cứu sử liệu, cậy cục xuống tận các di tích khi quay phim rồi rất khiêm tốn và nhẹ nhàng từ chối khi ông đề nghị ghi tên lúc hoàn thành, "chúng tôi già rồi, mà tên tuổi không có gì đáng kể". Đó là họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhận lời xuất hiện trong một cảnh quay nhưng vẫn băn khoăn: "Nói thật, tôi dính vào vòng gian nan nhiều lắm. Thủy đưa hình tôi vào phim, sợ rồi lận đận...".

"Sống thanh bạch và trải qua không ít lận đận khi ấy, các cụ nhiệt tình giúp tôi đơn thuần chỉ bởi sự đồng cảm trước một nghệ sĩ muốn trân trọng và tìm về một giá trị bất biến của Hà Nội: Vẻ đẹp của tinh thần tư tưởng, của phẩm giá con người", ông Thủy kể. "Và cả Văn Vượng nữa. Niềm tin rất mãnh liệt của anh rằng mình sẽ có ngày nhìn thấy Hà Nội khi đôi mắt được chữa khỏi đã giúp tôi vững tin hơn, khi thực hiện bộ phim và cả khi gánh những phiền lụy phía sau".

Hà Nội trong mắt... Trần Văn Thủy ảnh 1

3 Hỏi về một Hà Nội của cuộc sống bây giờ, ông Thủy cười. Như lời đạo diễn này, Hà Nội đã hiện đại và đẹp hơn rất nhiều so với thập niên 1980 nhưng câu chuyện về đạo đức, về sự tử tế giữa người với người lại đang chuyển sang một giai đoạn mới, "với rất nhiều khủng hoảng".

Chậm rãi, đạo diễn kể về lần làm phim tài liệu cùng Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) vào năm 1992. Được đề nghị chủ động chọn đề tài, ông thực hiện bộ phim Có một làng quê về người dân tại làng gốm Phù Lãng. Khi ấy, ông đơn thuần bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thanh bạch, ấm cúng đầy tình nghĩa giữa những người dân quê nghèo. Khi cùng xem ở Tokyo, những người Nhật xúc động bắt tay ông. Họ nói rằng đã tìm thấy ở đó câu chuyện của chính Nhật Bản những năm xưa, khi mà nhịp sống hiện đại chưa khiến quan hệ giữa con người dần trở nên thờ ơ, vô cảm như bây giờ.

Có nghĩa, như lời ông Thủy, mọi thứ gắn với một quy luật nghiệt ngã trong xã hội: Đời sống vật chất khá lên cũng là lúc khoảng cách giữa người với người lỏng lẻo và giãn ra dần. Và, cũng không phải ngẫu nhiên mà qua mọi biến thiên, những mối quan hệ với gia đình, dòng tộc, quê hương lại dần được coi trọng như những giá trị bất biến.

Ở phần lời bình cuối bộ phim ấy, ông Thủy đưa vào một câu chuyện của chính bản thân. Khi còn nhỏ, ông hỏi thím mình: "Nếu đi hết làng mình thì tới đâu?". "Hết làng mình thì tới biển". "Còn nếu hết biển?". "Đi hết biển tới đâu thì thím cũng không biết" - bà buồn bã trả lời. Lớn lên, kinh qua sự đời, ông xót xa thì thầm trong một lần thắp hương cạnh mộ: "Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết, thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng ta lại trở về quê mình, thím ạ".

Ở nơi đó, dù Hà Nội trong mắt ông có hình hài ra sao sau tròn bốn thập kỷ, Trần Văn Thủy vẫn dành cho mảnh đất ấy trọn vẹn một trái tim!