Góp một niềm tin

Lặng thầm và tâm huyết, 19 năm qua, y sĩ Trần Mạnh Hùng đã cùng với đồng nghiệp dốc lòng, dốc sức cho một công việc đặc biệt: chăm sóc, cảm hóa các đối tượng nghiện hút, mại dâm, những người nhiễm HIV tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục -Lao động xã hội tỉnh Tiền Giang.

Góp một niềm tin

Từ trái tim đến trái tim

Khi tìm đến Trung tâm, thay vì đưa chúng tôi đi gặp y sĩ Hùng, chị Lê Thị Ánh Hồng - Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Tiền Giang đã dẫn chúng tôi đi gặp các học viên. Chị cười bảo: "Nghe học viên nói thì sẽ khách quan hơn!".

Người đầu tiên chúng tôi gặp là V.V.H - một học viên đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh HIV. Khi được hỏi về y sĩ Hùng, V.V.H bùi ngùi nói: "Nếu không có chú thì tinh thần em đã không phấn chấn như thế này để sống đến hôm nay đâu. Do bị nghiện nên gia đình đưa em vào trong này. Sau khi làm thủ tục xét nghiệm, em biết mình đã bị nhiễm "H" nên rất bi quan, không muốn điều trị và luôn tìm cách xa lánh mọi người".

Để giúp bệnh nhân vượt qua mặc cảm, thời gian đó, y sĩ Hùng kiên nhẫn tiếp xúc, kể những câu chuyện vui, những tấm gương vươn lên ở ngoài xã hội để động viên tinh thần của em. "Sau một tháng, em thấy chú và mọi người quan tâm em còn hơn cả người thân trong nhà nên em nghĩ mình cần phải thay đổi. Bệnh thì cũng đã bệnh rồi, bi quan cũng không giải quyết được gì nên em bắt đầu sử dụng thuốc ARV điều trị" -V.V.H cho biết thêm.

Giơ cánh tay có chút cơ bắp của mình ra, V.V.H khoe: "Anh xem, nhìn em thế này có ai nghĩ em bị HIV sắp chết không?".

Một học viên khác là T.T.Đ, vào cai nghiện đã được bảy tháng, chia sẻ thêm: "Lúc đầu bị đưa vào Trung tâm, em rất cứng đầu, nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để hành hạ các cán bộ. Nhưng sau khi được chú Hùng cảm hóa thì em bắt đầu nghe lời, không dám quậy phá nữa".

Cảm động trước sự bao dung, tấm lòng nhân ái của một thầy thuốc, Đ đã quyết tâm thay đổi. Nhìn tôi, Đ cười tươi bảo: "Tháng sau là em được về với gia đình đấy". Hỏi Đ, nếu tái nghiện để vào đây lần nữa không? Đ lắc đầu nói: "Vào thăm y sĩ Hùng và các cán bộ ở Trung tâm thôi. Em sợ ma túy rồi!".

Theo như chia sẻ của chị Hồng thì hiện nay trung tâm có 231 học viên. Trong đó chủ yếu là các đối tượng nghiện hút ma túy, một số ít đã mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao phổi... Với vai trò là Trưởng phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe, bốn năm trở lại đây, anh Hùng phải đảm nhiệm một khối lượng công việc rất lớn, trong khi điều kiện làm việc thì thiếu thốn cả về sức người và các trang thiết bị kỹ thuật. Tuy phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm các căn bệnh xã hội và đối mặt với tâm lý bất ổn của người bệnh nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, anh Hùng vẫn lo lắng, quan tâm, chăm sóc học viên như người thân của mình. Có nhiều người mới vào, do đã quen với nếp sống "ngày ngủ, đêm thức" ở ngoài nên anh Hùng phải cùng thức trắng đêm để uốn nắn họ dần vào nền nếp.

Anh cùng với các cán bộ tại Trung tâm đã tạo ra một môi trường hòa đồng để giúp học viên cảm nhận được Trung tâm như một gia đình. Từ đó những con người lầm lạc nhận ra được giá trị của cuộc sống, nhìn ra được sai lầm về những việc đã làm để nỗ lực vươn lên. Nhờ vậy mà số người tái nghiện phải quay lại Trung tâm điều trị giảm dần qua từng năm.

Hỏi kinh nghiệm thuyết phục người bệnh, anh Hùng khẽ lắc đầu: "Cũng gian nan dữ lắm. Đứa trẻ ba tuổi chưa biết gì, mình có thể lấy cây kem dụ là nó nghe. Còn các đối tượng này, mùi đời có gì là không trải qua đâu, nên phải dùng tình cảm. Cái gì xuất phát từ trái tim thì cũng sẽ đến được trái tim, quan trọng là mình phải kiên trì, nhẫn nại".

Lương tâm người thầy thuốc

Hỏi anh Hùng về cơ duyên đưa anh đến với công việc này, anh bồi hồi nhớ lại: "Năm 1995, tôi đang làm việc ở Trung tâm Da liễu tỉnh thì một người quen biết đã thuyết phục tôi về đây. Khi tôi tham khảo ý kiến mọi người, bạn bè và gia đình đã phản đối dữ lắm. Ai cũng bảo sống không muốn lại tự nhiên chui về nơi chỉ toàn người mắc các bệnh xã hội, ai biết lây bệnh rồi chết lúc nào. Bản thân tôi khi đó cũng không mấy hào hứng".

"Sau khi trực tiếp đến Trung tâm, tận mắt thấy học viên phải vật lộn với bệnh tật, trong khi không có y sĩ thăm khám chăm sóc, tôi đã rất day dứt. Nghĩ mình là thầy thuốc, thấy bệnh mà quay lưng thì còn đâu là lương tâm của người thầy thuốc nữa, huống hồ người ta lại đang cần mình. Sau một đêm trăn trở, tôi đã quyết định về Trung tâm nhận việc. Lúc đầu, nhìn thấy những hình xăm kỳ quái trên người học viên, tôi còn e dè, nhưng lâu dần thành quen, tôi thấy họ cũng giống với các bệnh nhân bình thường ở ngoài" - anh Hùng cho biết.

Suốt 19 năm gắn bó với công việc, anh cùng đồng nghiệp đã điều trị, cảm hóa được hơn 2.000 học viên. Mỗi khi có người được cảm hóa, chịu hợp tác điều trị đã giúp anh có thêm niềm vui và động lực để gắn bó với công việc mà nhiều y, bác sĩ đến xin việc đã "chào thua" không dám quay trở lại. Chị Hồng đúc kết: "Phải thật sự có tâm thì mới trụ lại được nơi này gần hai chục năm như anh Hùng!".

"Dù họ có thế nào đi nữ thì trên hết, họ vẫn là con người, họ vẫn cần tì thương và sự cảm thông chia sẻ từ cộng đồng".