Huy động vốn - Rào cản lớn với start-up công nghệ
- Ở Việt Nam, phong trào start-up sáng tạo nổi lên từ cách đây hai thập niên, đến nay, có doanh nghiệp thành công, song phần lớn doanh nghiệp “chết yểu” ngay sau khi khởi nghiệp. Thưa ông, đâu là lý do dẫn đến tình trạng này?
- Một trong những lý do quan trọng và phổ biến nhất dẫn đến tình trạng start-up “chết yểu” đó chính là vốn và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Câu chuyện huy động vốn cho các start-up công nghệ luôn làm đau đầu các nhà khởi nghiệp. Nếu chỉ là “mua đầu chợ, bán cuối chợ” một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hữu hình nào đó thì có lẽ bỏ tiền ra hay đi vay để làm có thể không khó khi chứng minh được hiệu quả của nó. Thế nhưng chữ “khởi nghiệp” mà ta nói ở đây lại gắn với “sáng tạo” công nghệ, nghĩa là công nghệ rất mới, chưa có tiền lệ, và “có thể thắng, cũng có thể thua”... thì việc huy động vốn lại không dễ!
Thông thường, doanh nghiệp start-up huy động vốn bằng những cách sau. Một là, tự bỏ tiền ra làm (bootstrapping); huy động tiền từ gia đình và bạn bè (FFF- Family, Friends & Fools). Cách huy động này không được nhiều và dễ dẫn đến xung đột lợi ích do sự cam kết thiếu chặt chẽ. Hai là, huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân (angel investor). Dựa trên sự tin tưởng vào ý tưởng, giải pháp và sản phẩm của start-up, bỏ tiền, kinh nghiệm, quan hệ vào doanh nghiệp ở giai đoạn đầu đổi lấy tỷ lệ sở hữu, quản lý doanh nghiệp, áp lực kỳ vọng lãi, triển vọng phát triển… để huy động vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) khi các nhà đầu tư tin vào tiềm năng tăng trưởng mạnh của start-up. Nhà đầu tư sẽ được đổi lấy cổ phần, nhưng phải sẵn sàng chịu rủi ro để có thể kiếm được lợi nhuận lớn nếu dự án khởi nghiệp thành công. Cách huy động này lại gắn với việc đàm phán phức tạp, kéo dài. Ba là, vay ngân hàng, tuy không dễ vì các ngân hàng luôn yêu cầu lịch sử tín dụng ổn định mà doanh nghiệp start-up không thể có được, lãi suất lại cao, phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh. Ở Việt Nam, những hình thức huy động vốn này khá phổ biến, quy định pháp luật cũng rõ ràng.
- Ngoài ra còn phương thức huy động vốn nào khác, thưa ông?
- Các start-up cũng có thể huy động từ các hình thức khác như: vườn ươm doanh nghiệp (incubator) thì khá cạnh tranh, yêu cầu chặt chẽ, hạn chế về lĩnh vực đã được quy định ở Luật Công nghệ cao, Quy chế Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP, hay huy động từ các nền tảng đầu tư cũng đều có thể được thực hiện vì có quy định.
Và ít phổ biến hơn do chưa có quy định rõ ràng về pháp luật là các hình thức: Thứ nhất, huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding) - phương thức huy động vốn mới nhằm tăng khả năng thực hiện các dự án khác nhau, thường là các ý tưởng kinh doanh mới, ở giai đoạn đầu triển khai các start-up nhỏ và siêu nhỏ, từ nguồn lực của một nhóm người sẵn sàng tài trợ những khoản tiền nhỏ qua một kênh huy động dựa trên nền tảng internet.
Thứ hai, huy động nguồn hỗ trợ, trợ cấp của các tổ chức thuộc Nhà nước, các quỹ, doanh nghiệp lớn, thường là không hoàn lại để thực hiện một số dự án với những tiêu chí nhất định. Cách này khá phức tạp, khắt khe về thủ tục, quy trình nộp hồ sơ…
Thứ ba, nhận vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cách này có khả năng được đầu tư dài hạn, có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, phải chia sẻ lợi nhuận hoặc cam kết cho các tập đoàn sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Tại Hàn Quốc, mô hình này khá phổ biến khi các thiết chế thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa các bên tham gia. Ở Việt Nam, dù có một số quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… nhưng chưa tập trung, chưa rõ, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, đối với các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ mới có khả năng rủi ro cao, dễ mất vốn hoặc khó thu hồi vốn.
Tất cả các hình thức huy động nêu trên cũng chỉ đáp ứng được một giai đoạn nhất định khi quy mô của doanh nghiệp start-up còn khá khiêm tốn. Trong quá trình phát triển, các start-up đều hướng đến việc huy động vốn từ công chúng (IPO) và coi đây là thước đo thành công và cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của start-up, trở thành một doanh nghiệp hoàn thiện đóng góp đầy đủ cho nền kinh tế-xã hội của đất nước.
- Trên thực tế, nhiều start-up Việt dù mong muốn nhưng vẫn không thể lựa chọn phương thức IPO, vì sao vậy, thưa ông?
- Đúng vậy! Theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của hai năm liên tục liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Đây là khó khăn hay thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với start-up công nghệ, vì giai đoạn đầu tư ban đầu của start-up thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí cao cho nghiên cứu và phát triển. Đối với các start-up quy mô lớn, rất lớn như các “kỳ lân” công nghệ lại càng khó vì số vốn cần huy động thường rất lớn, vài chục, vài trăm triệu USD.
Về lý, quy định này nhằm bảo đảm chất lượng chứng khoán niêm yết, bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khỏi nguy cơ thua lỗ khi đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả, song “vô tình” đang cản trở các start-up công nghệ tiếp cận thị trường vốn để phát triển. Và các nhà đầu tư mất đi cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ cho dù họ có đầy đủ thông tin doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro để đầu tư. Trong khi đó, với trình độ của công nghệ hiện nay, thì nhiều khi sản phẩm vô hình (giải pháp, bí quyết công nghệ) được định giá chính xác, có khi còn chính xác hơn cả sản phẩm hữu hình, như: bất động sản, hạ tầng giao thông, năng lượng…
![]() |
"Trong quá trình phát triển, các start-up đều hướng đến việc huy động vốn từ công chúng (IPO). Do đó, cần tạo điều kiện tối đa để các công ty này có thể IPO ngay ở thị trường trong nước thay vì phải tìm đến thị trường vốn nước ngoài”. TS TRẦN VĂN - Viện trưởng Chiến lược phát triển kinh tế số |
Có thể áp dụng cơ chế “một luật sửa nhiều luật”
- Thưa ông, Nhà nước cần kiến tạo thị trường vốn như thế nào để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số?
- Chính vì nhận thấy được vướng mắc, rào cản “khó gỡ” thuộc về chính sách, pháp luật đang kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực start-up công nghệ, sáng tạo nên trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Trung ương đã coi thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước.
- Vấn đề đặt ra là để các start-up công nghệ tham gia thị trường vốn, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung những quy định gì của pháp luật?
- Theo tôi, với cách tiếp cận theo yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW là “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo”, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm” thì cần sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, có thể là một chương riêng về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường; có thể sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp, hay quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về các trung tâm tài chính quốc tế, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tới đây… để bao quát được các hình thức huy động vốn của start-up công nghệ như đã trình bày ở trên.
- Cụ thể, tiến trình này nên được tiến hành khi nào và bằng phương thức nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng phương thức “một luật sửa nhiều luật” để start-up công nghệ có thể IPO theo cách áp dụng quy trình rút gọn (trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua trong một kỳ họp). Thực tế đã có tiền lệ và hiệu quả khá tốt. Do đó, có thể là tiến hành ngay trong Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới đây. Đó chính là tinh thần cách mạng, tiến công không ngừng nghỉ để vượt qua những “điểm nghẽn” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Còn một cơ hội nữa, đó là song song với việc ban hành danh mục công nghệ chiến lược của Việt Nam và chương trình quốc gia phát triển công nghệ công nghiệp chiến lược theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo ngày 4/3/2025 vừa qua, vấn đề huy động vốn để phát triển công nghệ chiến lược sẽ được giải quyết theo hướng tích cực nhất, tạo thuận lợi tối đa cho start-up công nghệ ngay trên thị trường vốn trong nước.
Có như vậy, những yêu cầu quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW là “tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia”, “đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” mới được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!