Nền tảng phát triển vững vàng
Là trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp hơn 22% GDP cả nước, chiếm 30% tổng thu ngân sách và khoảng 50% tổng lượng giao dịch tài chính.
Với vị trí chiến lược nằm giữa các tuyến giao thương quan trọng của cả khu vực Đông Nam Á, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Nếu xét về tốc độ phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà trở thành một IFC với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ và sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc thúc đẩy cải cách chính sách, phát triển hạ tầng tài chính và thu hút đầu tư vào lĩnh vực fintech.
Sự tăng trưởng bùng nổ của các công ty fintech như: MoMo, VNPay, ZaloPay... không chỉ giúp phổ cập tài chính số mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ sinh thái tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó giúp thành phố trở thành một trung tâm tài chính số thực thụ.
Theo Báo cáo Fintech tại Việt Nam 2023, số lượng người sử dụng ví điện tử và dịch vụ tài chính số đã vượt 70 triệu tài khoản, thanh toán không tiền mặt chiếm hơn 50% tổng giá trị giao dịch tại các thành phố lớn. Các công ty fintech không chỉ đơn thuần cung cấp giải pháp thanh toán mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Tín dụng tiêu dùng và Nền tảng cho vay ngân hàng (P2P) giúp hàng triệu người tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.
Công nghệ bảo hiểm đang phát triển với nhiều nền tảng công nghệ tiện lợi hữu ích giúp nâng cao tỷ lệ tiếp cận bảo hiểm ở Việt Nam.
Các nền tảng đầu tư chứng khoán, tài sản số giúp số hóa quá trình đầu tư và quản lý tài sản.
Hệ sinh thái Blockchain Việt Nam đang phát triển mạnh với các dự án như Kyber Network, TomoChain, và các công ty phát triển giải pháp ứng dụng blockchain trong tài chính.
Một trong những động lực quan trọng giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế là việc thúc đẩy thị trường vốn và huy động vốn từ công chúng (IPO) của các công ty fintech.
Thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và sàn giao dịch UPCoM có thể đóng vai trò là bệ phóng cho các fintech nội địa. Nếu có những cơ chế hỗ trợ cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm IPO của Đông Nam Á dành cho các công ty công nghệ tài chính. Thí dụ như Singapore, nơi có sàn giao dịch SGX, đã trở thành điểm đến IPO hàng đầu khu vực. Những start-up công nghệ như: Sea Group (Shopee) và Grab là những doanh nghiệp Đông Nam Á đã niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán Singapore và Mỹ, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư...
Hóa giải những thách thức...
Mặc dù có tiềm năng lớn, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt nhiều thách thức khi hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ nhất, hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng. Một trong những rào cản lớn nhất đối với fintech tại Việt Nam là khung pháp lý chưa hoàn thiện. Chính phủ đang thử nghiệm Regulatory Sandbox cho fintech, nhưng vẫn còn thiếu các chính sách cụ thể về tài sản số, blockchain, ngân hàng số và bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Thứ hai, hệ sinh thái tài chính chưa đủ mạnh. Để trở thành một IFC, Thành phố Hồ Chí Minh cần có hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, bao gồm: Sự hiện diện của các ngân hàng đầu tư quốc tế như: Goldman Sachs, Morgan Stanley; các quỹ đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge funds) để tăng tính thanh khoản của thị trường; các sàn giao dịch tài sản số giúp hỗ trợ giao dịch Bitcoin và blockchain-based asset.
Nhiều chuyên gia tài chính trong nước và thế giới có chung nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh muốn vươn lên thành IFC cần học tập chính sách của Singapore và xây dựng một hệ sinh thái tài chính số hóa mở rộng. Chính phủ Singapore đã thực hiện các chính sách đột phá như: miễn thuế và ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp fintech; hợp pháp hóa Bitcoin và tài sản số; cấp phép cho các sàn giao dịch tiền điện tử lớn; đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và giáo dục để thu hút nhân tài fintech toàn cầu.
Thực tế minh chứng Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành IFC quốc tế của Đông Nam Á. Hơn nữa, nếu tận dụng tốt những lợi thế sẵn có, Thành phố Hồ Chí Minh có thể vươn lên ngang hàng với Singapore, Hồng Công (Trung Quốc) và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) trong thu hút dòng vốn quốc tế.
Tuy nhiên, muốn nắm bắt cơ hội này, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý với không gian đủ rộng, chiến lược thu hút nhân tài đặc biệt và xây dựng hệ sinh thái tài chính mạnh mẽ.
Hiện nay, phần lớn các startup fintech của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) như: Sequoia Capital, SoftBank, GIC. Để mở rộng hoạt động, tăng trưởng mạnh hơn nữa, IPO là hướng đi chiến lược.