Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang):

Giúp dân hiểu bảo tồn sẽ có lợi cho du lịch

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những định hướng lớn từ trung ương đến địa phương. Nhưng mỗi địa phương có lợi thế về nguồn di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, lại cần có sáng tạo linh hoạt và phù hợp. Từ đó mới tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng về sản phẩm và định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch địa phương. Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chia sẻ với Thời Nay một số kinh nghiệm mới trên địa bàn “điểm đến Đồng Văn”.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề làm bạc truyền thống của người Mông tại Đồng Văn đang được giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Ảnh: KHIẾU MINH
Nghề làm bạc truyền thống của người Mông tại Đồng Văn đang được giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Ảnh: KHIẾU MINH
Giúp dân hiểu bảo tồn sẽ có lợi cho du lịch ảnh 1

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ một số nét mới trong việc phối hợp với đồng bào để làm du lịch?

Ông Nguyễn Văn Chinh: Huyện đã có sự hỗ trợ cho những người dân với điều kiện người dân phải giữ kiến trúc truyền thống. Chúng tôi đã vận động được rất nhiều hộ trong làng văn hóa để gìn giữ và bảo tồn kiến trúc nhà trình tường, nhà lợp ngói âm dương. Hiện nay, tại một số điểm, đồng bào sử dụng vật liệu thay thế là làm cột và xây gạch sau đó trát một lớp áo ngoài giả đất, nhìn vẫn thấy đúng đặc trưng bản địa. Hoặc như với bờ rào đá ghép lâu ngày dễ bị đổ hay chuột làm tổ, hiện đã có sáng kiến ghép tường đá có vữa bên trong nên vừa bảo đảm mỹ quan, tính truyền thống và sáng tạo. Về trình tường thì đã xây gạch bên trong và dùng keo trộn đất trát bên ngoài. Việc này đã được chuyên gia của UNESCO đánh giá vừa hài hòa, vừa bảo đảm cuộc sống.

PV: Như vậy, ông thấy câu chuyện thống nhất được tiếng nói chính quyền và người dân cùng với những sáng kiến từ cơ sở có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chinh: Theo khuyến cáo của UNESCO, để cao nguyên đá Đồng Văn giữ được địa chất, địa mạo, phải đồng thời phát huy được giá trị di sản văn hóa và ổn định vấn đề an sinh đối với người dân bản địa. Nhìn lại trước kia, có những thời điểm, nói thật là chúng tôi chưa nắm bắt được hết tư tưởng chỉ đạo chung và định hướng của các chuyên gia về công viên địa chất. Cho nên còn lúng túng. Sau khi được đi làm việc cùng các chuyên gia, có sự tìm hiểu, phân tích và trao đổi, có những khuyến cáo về địa phương, chúng tôi cũng đã thấm nhuần và hiện người dân cũng đã thấm nhuần quan điểm chung là bảo tồn được những yếu tố bản địa nhất, từ kiến trúc, văn hóa cho cảnh quan nhằm phát triển du lịch ở Đồng Văn.

PV: Trên những kinh nghiệm và sự hướng dẫn đó, huyện đang triển khai cụ thể với đồng bào tại những điểm đến ra sao?

Ông Nguyễn Văn Chinh: Hiện nay Đồng Văn đang có ba làng văn hóa, du lịch tiêu biểu được tỉnh công nhận: Làng văn hóa Lô Lô Chải (thị trấn Lũng Cú), làng Văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủi Là) và làng văn hóa Ma Lé (xã Ma Lé). Mỗi làng văn hóa có một không gian văn hóa của một dân tộc khác nhau cho nên có những đặc thù về kiến trúc, văn hóa, ẩm thực… khác nhau. Chúng tôi tận dụng sự hỗ trợ của tỉnh cho hoạt động duy trì văn hóa truyền thống, giúp các hộ gia đình về thay mái ngói âm dương, cải tạo nhà vệ sinh hoặc bếp ăn để phục vụ cho du lịch. Đến thời điểm này, làng văn hóa Lô Lô Chải hoạt động rất tốt, làng văn hóa Lũng Cẩm thì hoạt động khá, nhưng khu vực bán hàng chưa được mỹ quan cho lắm do lượng khách đến thì đông, mà vị trí để bố trí cho bà con bán hàng chưa được ổn thỏa. Làm ra hành lang đường thì vướng khu vực giao thông, bán hàng trong làng thì lại biến làng thành cái chợ. Tới đây huyện sẽ tiếp tục chấn chỉnh, sắp xếp lại. Còn với làng văn hóa Ma Lé thì đang tiếp tục củng cố lại. Làng này có đặc trưng kiến trúc của đồng bào Giáy, về văn hóa thì đang tiếp tục sắp xếp lại do chưa đi vào nền nếp lắm.

Ngoài các làng văn hóa, tại trung tâm huyện đã có sự chỉnh trang và nhiều hoạt động trong khu vực di tích phố cổ Đồng Văn, một số hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian diễn ra vào các buổi tối trong tuần, tạo sân chơi rất hiệu quả thu hút đông du khách, đặc biệt là tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.

PV: Những điểm đến nào khác của Đồng Văn cần chú trọng khai thác để thu hút du khách trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chinh: Ngoài điểm đến cột cờ quốc gia Lũng Cú, khu vực Nhà Vương hiện nay vẫn đi vào hoạt động bảo đảm phát huy giá trị của di tích, còn có những điểm mới nổi khác, thí dụ như dốc Thẩm Mã - một điểm dừng chân mới, đang thu hút lượng lớn khách đến ngắm cảnh. Nhìn chung nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, bản địa từ trang phục của kiến trúc nhà ở, trang phục, ăn uống, sinh hoạt… nên du khách, nhất là khách quốc tế có thể trải nghiệm cuộc sống của đồng bào, nhân dân nơi đây. Đấy là những điểm nhấn thuyết phục đối với du khách nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Chinh: Đợt dịch là dịp để người dân mình phải chấn chỉnh lại hoạt động của cơ sở mình, từ cơ sở lưu trú, ăn uống cho đến các hướng của các tour, tuyến, các đơn vị lữ hành. Mỗi đơn vị lữ hành đến đều xác định cho mình một tuyến riêng, định hình ra hướng đi riêng. Sau đại dịch Covid-19, chính người dân nhận thấy rõ việc mở cửa trở lại có giá trị thật sự, nên bà con đang rất tích cực thích ứng với hoàn cảnh mới.