Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn bia

So các hiện vật khác trong di tích, văn bia dường như ít được quan tâm bảo quản hơn, mặc dù có những bia đá còn có niên đại lớn hơn những hiện vật khác. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân ở mỗi địa phương trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử khi vẫn còn kịp.
0:00 / 0:00
0:00
Các văn bia đá tại nhà bia trong khuôn viên chùa Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội.
Các văn bia đá tại nhà bia trong khuôn viên chùa Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội.

Di sản bằng đá trước sự phá hoại của thời gian

Ta hẳn chưa hết bàng hoàng trước sự việc văn bia tạo tác trên núi đá tại chùa Quan Thánh, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, Thanh Hóa bị khoan, đục lỗ, làm biến dạng văn tự viết trên đó.

Trên một hội nhóm trực tuyến chia sẻ nội dung về triều Hậu Lê, người ta lại phát hiện tình trạng nhiều tấm bia đá bị vỡ, vứt dưới gốc cây, bờ tường rào ở sân đình thôn Trung, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Trong đó, có tấm bia ghi lại công đức những người đóng góp tiền bạc, ruộng đất được xác định tạo vào năm 1661.

Vào tháng 7 vừa qua, báo chí cũng đã phản ánh, trong khi đang trùng tu di tích Phủ Trịnh tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, tấm bia đá cổ duy nhất của Phủ Trịnh nay bị vứt chỏng chơ ngay lối vào.

Thực tế cho thấy, các hiện vật bày trí bên trong không gian thờ tự như tượng thờ, bài vị, điêu khắc gỗ, hoành phi, câu đối… thường được người ta để tâm nhiều hơn. Đặc biệt là hệ thống các pho tượng thờ, bài vị là vật phẩm đại diện cho đối tượng thờ cúng, nên càng được ưu tiên chăm chút. Còn đối với văn bia bằng đá, có lẽ do nằm ngoài không gian thờ tự, không có màu sắc nổi bật, nên ít thu hút thị giác hơn so các hiện vật khác. Và phải chăng, một phần là bởi suy nghĩ vật liệu này có độ bền cao.

Thế nhưng, “Trăm năm bia đá cũng mòn”. Trước tác động của thời tiết, sự xâm thực rêu mốc, chưa kể sự phong hóa tự nhiên của đá, dẫn đến nứt vỡ, mờ chữ trên văn bia là điều khó tránh khỏi. Chúng lại càng khó kháng cự được trước sự vô tâm của cộng đồng sở hữu di sản ấy.

Cần nhận thức được giá trị

Thật đáng tự hào cho một di tích như chùa Dâu, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương hiện đang có tấm bia Sùng Thiên tự bi được công nhận bảo vật quốc gia. Có điều, qua điền dã thực tế, GS, TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho hay, người dân địa phương dù cao niên cũng không biết chính xác nội dung tấm văn bia viết gì. Có người còn lầm tưởng bia đá ghi lại tên tuổi những người đỗ đạt cao trong vùng.

Nhằm giúp người dân cũng như du khách hiểu rõ hơn về nội dung văn bia, ông Thuân đã gửi tặng lại nhà chùa bản dịch nghĩa. Bởi cá nhân ông thấy rằng, một tấm bia được công nhận là bảo vật quốc gia có ý nghĩa gì khi chính những người địa phương, chủ thể sở hữu gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thụ hưởng di sản văn hóa này. Nhờ hiểu được nội dung trên văn bia, người dân mới thật sự nhận thức được và trân trọng hơn giá trị văn hóa, lịch sử trên tấm bia đó. Bản thân người làm công tác văn hóa tại mỗi địa phương cũng cần phải có trách nhiệm lan tỏa giá trị các văn bia đến với mọi người.

Ông Thuân còn nhận thấy, sau các đợt trùng tu, thường thì người ta không còn vứt bia đá đi. Thế nhưng, phương pháp bảo quản còn tồn tại nhiều hạn chế, vẫn có thể dẫn đến việc bia đá bị hư hỏng theo thời gian. Nhiều địa phương đã nhờ người phân loại các loại bia. Loại bia nào có giá trị nghiên cứu lớn hơn, như ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng, sẽ được giữ gìn cẩn thận hơn. Còn những loại bia như bia gửi giỗ lại chưa thật sự chú trọng lắm. Sự nhận thức như vậy, ông Thuân cho rằng, có phần hơi cực đoan. Hậu thế đã vô tình quên ơn tiền nhân đã bỏ tiền ra xây dựng, tôn tạo trong quá khứ, để ngày hôm nay chúng ta có di sản để kế thừa. Những tấm bia ghi lại công đức của những người dân đã hưng công, đóng góp tài sản xây dựng cũng gắn bó mật thiết và tạo thêm bề dày cho lịch sử của mỗi di tích.

Tại chùa Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội, hệ thống tượng thờ bên trong di tích được sơn lại cho mới. Còn đối với bia đá, có tấm được dựng cẩn thận, có tấm thì không. Như tấm bia tạo năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) ghi chép việc một vị hòa thượng đã cho dựng nhiều hạng mục công trình trong chùa, được đặt trang trọng tại hành lang bên trong chùa. Còn ở nhà bia ngoài sân, có duy nhất tấm bia tạo năm Bảo Đại thứ 19 (1944) ghi chép lại việc dựng tam quan và nhà bia được giữ nguyên vị trí ngay ngắn. Còn lại những tấm bia khác xếp sát nhau, thậm chí, có tấm bia còn bị vứt ở ngoài nhà bia, phơi nắng, phơi mưa. Việc xếp bia dưới một mái che như vậy đã phần nào cho thấy ý thức của nhà chùa trong việc lưu giữ cổ vật. Nhưng cách làm này chưa phải là hiệu quả, bởi việc các mặt bia cọ xát vào nhau vẫn sẽ gây hư hại cho các nội dung tạc trên văn bia.

Tìm giải pháp chống xâm hại

Dẫu biết, tất cả các hiện vật đều khó có thể kháng cự được trước sự tàn phá theo thời gian, tuy nhiên, về cơ bản, giải pháp xây dựng các công trình phụ trợ để đặt bia có thể xem là cách bảo quản phù hợp nhất ở các địa phương. Song, khi xây dựng phải bảo đảm được khoảng cách giữa các bia với nhau và ánh sáng đầy đủ, cho mọi người khi cần có thể vào tham quan, khảo sát được. Cũng nên đưa ra những hướng dẫn cụ thể, hạn chế tiếp xúc trực tiếp của khách tham quan lên bề mặt văn bia. Quan trọng hơn nữa, cần tính đến công trình kiến trúc mới ấy phải hài hòa với tổng thể kiến trúc được xây dựng từ trước của di tích.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để xây dựng nhà bia. Vì vậy, có thể tính đến phương án tạm thời trong thời gian vận động kinh phí, như dựng công trình kiên cố có lợp mái tôn che chắn cho các văn bia. Các địa phương cần sớm nhận thức được tầm quan trọng các văn bia cổ. Bởi nếu chậm trễ, nhiều thông tin quý báu rồi sẽ mờ nhạt theo các chữ viết lưu trên văn bia.