Phóng viên (PV): Guồng quay của cuộc sống hiện đại khiến việc gói bánh chưng ngày Tết không còn như trước. Nhiều gia đình không có điều kiện chẻ lạt, vo đỗ, rửa lá dong để hưởng không khí Xuân trọn vẹn. Việc gói bánh chưng xanh ngày Tết có ý nghĩa gì đặc biệt thưa GS?
GS, TS Vũ Anh Tuấn: Phong tục gói bánh chưng, thờ bánh chưng vào dịp Tết như người đời lưu giữ trong truyền thuyết được cho là đã có từ đời Hùng Vương thứ sáu. Tục gói bánh chưng là thói quen từ lâu đời thể hiện nét đẹp văn hóa của Tết truyền thống, đã nhuần thấm trong tiềm thức của mỗi người chúng ta. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được.
Xưa, mỗi dịp Tết, mỗi gia đình đều thường tự gói và nấu nồi bánh chưng. Đó vừa là sự trầm kết và thăng hoa các giá trị tinh túy của văn hóa vật thể của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, vừa thể hiện tinh thần cộng cảm, thể hiện triết lý sống theo cái tôi đoàn nhóm mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tuy nhiên, không gian và thời gian văn hóa đương đại đã khác xưa. Tôi nghĩ hiện nay người quê cũng có thể không nhất thiết nhà nhà gói bánh chưng nhưng đã là Tết Cả - Tết Nguyên đán thì vẫn nên giữ tục thờ bánh chưng, trên ban thờ vẫn nên có cặp bánh chưng, trên mâm cỗ Tết vẫn nên có món bánh chưng.
Xin chữ đầu năm là nét đẹp truyền thống cần được duy trì. Ảnh: MINH KHIẾU
PV: Trong công tác chuẩn bị Tết, không ít gia đình chú trọng đến tính cổ truyền. Ba lễ trọng ngày Tết: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” hiện nay còn đúng không thưa GS?
GS, TS Vũ Anh Tuấn: Đây là phong tục Tết xưa. Trước đây thì đúng là phải thực hiện theo như vậy, không ai nghĩ rồi sẽ phải “sáng tạo lại”. Tức là: Sáng sớm ngày mồng 1 thắp hương, pha trà, bày cỗ cúng gia tiên. Cha mẹ, con cháu lần lượt khấn vái trước bàn thờ, rồi quây quần đông đủ chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng tuổi con cháu. Ngày mồng 2 là ngày đi lễ và chúc Tết bên ngoại, tức là bên họ đằng mẹ để tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với tổ tiên đã sinh ra bà và mẹ mình. Là người Việt, chắc không mấy ai trưởng thành mà không nhớ đến câu cửa miệng “Phúc đức tại Mẫu”. Ngày mồng 3 là ngày dành cho thầy học - người dạy dỗ mình nên người. Ngày nay, đương nhiên cái tinh thần ấy vẫn nên tôn trọng gìn giữ, song cách thức thì đã có thể thay đổi do thực tiễn của đời sống xã hội đương đại.
Tuy vậy, là người đã có đến nửa thế kỷ làm nghề dạy học tôi nghĩ đây cũng là dịp nên khuyến khích các thế hệ thầy trò, học trò cũ gặp nhau, truyền cho nhau kinh nghiệm sống, làm thế nào để khỏi phụ lòng mong mỏi của thầy đối với trò, gìn giữ cho được tình cảm tôn quý của các thế hệ trò với thầy.
Xã hội hiện đại ngày nay còn rất chú ý xây dựng một truyền thống mới là lấy ngày mồng 3 làm ngày các dòng họ quây tụ con cháu về lễ tổ xong là mừng thọ và khuyến học, tuyên dương khen thưởng cho các con, cháu có thành tích cao. Đây cũng là một cách tôn sư trọng đạo trong thời hiện đại.
PV: Không ít người cho rằng, Tết ngày nay là những ngày nghỉ kéo dài. Tết như dịp để nghỉ ngơi “an dưỡng”, đi du lịch… là dịp để sống cho riêng mình và gia đình. Vậy, chúng ta cần phải “ứng xử” với Tết cổ truyền ra sao để luôn giữ được giá trị văn hóa của dân tộc, thưa GS?
GS, TS Vũ Anh Tuấn: Tập quán Tết cổ truyền hiện nay, theo tôi vẫn được xem là một dạng tài nguyên văn hóa cần được gìn giữ và phát huy những mặt tích cực, những biểu hiện mang ý nghĩa hài hòa giữa các giá trị mang tính nhân loại muôn thuở với các giá trị bản sắc dân tộc tinh hoa vào cuộc sống đương đại. Trong xã hội hiện đại, tôi nghĩ câu tục ngữ xưa vẫn còn nguyên giá trị, rằng “Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh” nên nhà nhà có thể sắm Tết, đón Tết, ăn Tết chỉ trong một ngày giống nhau nhưng vẫn có những cách “chơi Tết” khác nhau, song ở đây vẫn có mẫu số chung. Đó là trong không gian an lạc, trong thời gian thiêng liêng, một niềm vui lâng lâng trong tâm tưởng con người lan tỏa khắp đất trời, cỏ cây tạo vật, mọi người đều như được lùi về thời điểm bình minh trước tạo thiên lập địa để lại bắt đầu từ khoảnh khắc Giao thừa (giao thời), mọi thức hôm qua sẽ đều cùng người mới lại thành cái hôm nay.
Năm mới là niềm vui mới, là gửi gắm hy vọng mới với những sáng tạo mới, thành tựu mới. Thế nên tôi vẫn nghĩ những nét phong tục Tết cổ truyền của dân tộc là biểu hiện của một tập quán mang tính giáo dục đạo đức và tràn đầy tinh thần nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Tết là bản sắc dân tộc, là gương mặt văn hóa cổ truyền Việt, các thế hệ cần phải tôn quý và đồng thời còn phải biết làm đầy, làm mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!