Trong ba ngày 28, 29 và 30/7, NSNA Nguyễn Á đã tổ chức triển lãm và ra mắt sách ảnh tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm tiếp tục được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) ngày 7 và 8/8 và tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên) vào ngày 2/9 nhân Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2/9.
Phóng viên (PV): Đề tài lịch sử luôn được ông quan tâm, tri ân và miệt mài tác nghiệp. Vậy đề tài lần này có khiến ông cảm thấy áp lực không?
NSNA Nguyễn Á: Mặc dù đã từng tác nghiệp ở nhiều sự kiện quan trọng nhưng ở Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một áp lực đối với tôi. Để thực hiện bộ sách, tôi có mặt tại Điện Biên từ trước ngày chính lễ và sau đó không chỉ túc trực tại lễ kỷ niệm mà còn tác nghiệp tại nhiều di tích, địa điểm như Hầm Đờ Cát, Di tích lịch sử đồi Al, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Tôi làm việc, xoay xở mọi thứ một mình và cố không bỏ lỡ một hoạt động nào, cho dù đó là những hoạt động đang diễn ra cùng lúc. Khoảnh khắc tập luyện, hình ảnh lễ diễu binh, diễu hành của các đội hình, các lực lượng ban, ngành... đặc biệt là khắc họa chân dung những nhân chứng sống ít ỏi còn lại, những cựu chiến binh đã đóng góp tuổi xuân, làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Khi cố gắng hết sức, tôi luôn tự nhủ, tự động viên mình để chiến thắng mọi trở ngại, khó khăn phát sinh trong quá trình tác nghiệp. Mục tiêu của tôi là bằng hình ảnh lan tỏa giá trị và tầm vóc của một chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đi vào sử sách.
PV: Mảnh đất Điện Biên để lại ấn tượng gì sâu sắc với ông?
NSNA Nguyễn Á: Suốt nhiều ngày tác nghiệp, từ khi các đội hình tập luyện cho đến ngày khai mạc chính thức, tôi chứng kiến sự khổ luyện và quyết tâm của các chiến sĩ trẻ để đội hình diễu binh, diễu hành thật trang nghiêm. Biết bao giọt mồ hôi khổ luyện và tinh thần kỷ luật của người lính đã in sâu trong tôi, tiếp cho tôi động lực mạnh mẽ và cảm hứng để ghi vào ống kính mình mọi khoảnh khắc quý giá. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, thân thiện và mến khách của người dân Điện Biên cùng với tấm lòng cả nước hướng về Điện Biên trong những ngày tháng 5 hào hùng đã tạo nên sự cộng hưởng tuyệt vời cho sự kiện. Tôi thấy mình cần lao động và cống hiến nhiều hơn nữa để lan tỏa thêm nhiều thông điệp tích cực cho cuộc sống.
PV: Trong lễ ra mắt sách và triển lãm diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảnh khắc nào ấn tượng với ông?
NSNA Nguyễn Á: Tôi nhớ sự xuất hiện của cựu chiến binh Điện Biên Phủ Nguyễn Thị Ngọc Toản - nhân vật trong ảnh đám cưới độc đáo trên nóc xe tăng tại Điện Biên Phủ, được nhiều người hâm mộ với câu chuyện độc nhất vô nhị trong hầm Đờ Cát; và Đại tá Hoàng Ngọc Thương (97 tuổi, nguyên Đại đội phó Pháo binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351). Hai cụ đã cùng tham gia giao lưu, kể những ký ức một thời về trận địa pháo Điện Biên Phủ. Nhiều bạn trẻ tham dự và rưng rưng xúc động trước chia sẻ của những nhân chứng đặc biệt.
PV: Hơn 30 năm trong nghề, ông có kinh nghiệm, bí quyết gì trong tác nghiệp, nhất là với những đề tài mang tính đặc thù?
NSNA Nguyễn Á: Chúng ta phải học và không ngừng học. Bây giờ, tôi vẫn trăn trở liên tục về công việc. Ta không thể hời hợt, làm chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà cần thả hồn mình vào. Phải bấm máy từ trước khi diễn ra sự việc cho tới phút cuối cùng. Phải mang một trái tim dành cho cộng đồng. Một cái tôi đập mạnh, nhưng cũng phải là cái tôi dành cho cộng đồng, cho cái chung. Nghề ảnh, xét cho cùng là nghề dạy nghề. Đừng bao giờ ngại hỏi, mà hỏi được những người giỏi kinh nghiệm trong nghề cũng như có kiến thức xã hội thì chắc chắn bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.
PV: Trong giới nhiếp ảnh, Nguyễn Á được nhắc tới với năng lượng tràn đầy… Điều đó có sẵn khi ông mới bước chân vào nghề không?
NSNA Nguyễn Á: Tôi có tới 11 anh chị em, trải qua tuổi thơ nghèo khó và cực nhọc. Tôi bươn chải khoảng hàng chục nghề nghiệp khác nhau, từ nhỏ đã làm chân đưa báo rồi mê đọc sách báo. Ở tuổi thanh niên, tôi giã từ sự nghiệp thể thao với “tài sản” là cái chân và cái tay gãy. Nhờ kiên trì và sự giúp đỡ của gia đình, mọi người chung quanh mà tôi có ngày hôm nay. Nhiếp ảnh, đến thời điểm này đối với tôi vẫn như một giấc mơ đẹp. Tôi nhận được rất nhiều từ bao nhiêu câu chuyện đẹp trong cuộc sống để yêu người, yêu đời và đó cũng là giá trị sống cốt lõi trong con người mình. Điều gì cũng vậy, phải đi tới tận cùng, phải lấy sự tử tế và công bằng làm yếu tố tiên quyết. Không ngừng bồi đắp chính mình, điều đó quan trọng lắm. Nghệ thuật không có may mắn, phải từ sự khổ luyện mà bước đi.
PV: Ông nghĩ rằng điều gì mang đến cơ hội được tác nghiệp ở những sự kiện, không gian đặc biệt mà nhiều đồng nghiệp của ông còn chưa thực hiện được?
NSNA Nguyễn Á: Cách đây chưa lâu, khi tôi được đồng hành cùng lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, nhiều người cũng hỏi tôi: Tại sao lại được Bộ Quốc phòng ra quyết định đồng ý cho sang nước bạn? Thậm chí là: Có “quen biết” ai không? Có “chiến lược” gì không? Trước đó, tôi đã tìm hiểu kỹ về lực lượng đặc biệt này, sau đó tôi gửi những cuốn sách ảnh của mình tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng với mong muốn được sự đánh giá, tin tưởng và tạo cơ hội. Đó là những việc tôi hoặc bất cứ ai cũng có thể làm. Tuy nhiên, khi có trên tay quyết định của Bộ Quốc phòng, tôi đã rơi nước mắt, đó thật sự là một niềm xúc động lớn lao, nghẹn ngào, khó tả bởi đó là một cơ hội thật quý giá. Thực tế, tôi chỉ có trái tim, nụ cười, những tác phẩm và sự cố gắng.
PV: Cảm ơn NSNA Nguyễn Á về cuộc trò chuyện!