Góp vào chân dung người chiến sĩ hôm nay

Tập bút ký “Những vì sao biên giới” của Trung tá - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) vừa được NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Đó là kết quả của hành trình biên giới xứ Thanh nơi nhà văn chứng kiến những câu chuyện đẹp, những cuộc đời vì người khác của những người lính với nhiều chân dung, số phận đặc biệt. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tá - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (ngoài cùng bên trái) và các nhân vật.
Trung tá - nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (ngoài cùng bên trái) và các nhân vật.

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn, từ đâu anh đến với hành trình “Những vì sao biên giới”?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đó là khi Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tổ chức cuộc thi “Biên cương một dải vững bền” và tôi có được mời tham dự. Hai chuyến đi thực tế sáng tác về các đồn biên phòng tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Lào với những điểm dừng chân là các bản làng vùng cao, những cảnh đời, những thân phận, những câu chuyện đẹp đẽ nhân văn về các chiến sĩ biên phòng và nhân dân vùng biên đã khiến trái tim tôi rung động. Họ đã chạm đến trái tim tôi và sau những chuyến đi ấy tôi tự nhủ, mình hãy làm gì đó để chạm đến trái tim bạn đọc.

PV: Trước đó, anh đã có nhiều hành trình, từ biển đảo cho tới biên giới, điểm đặc biệt của hành trình này là gì?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đó là lần đầu tiên tôi đi xuyên suốt một dải biên giới hơn 200 km, khép kín một hành trình in dấu chân của những chiến sĩ biên phòng thuộc một tỉnh có đường biên giới trên bộ, có đồng bằng, có biển, như một Việt Nam thu nhỏ. Dải biên giới Thanh Hóa như một “trích đoạn tiêu biểu” trong dải biên giới trên bộ 4.510 km của cả nước. Quan trọng hơn, nó cho tôi một hình dung sinh động về hình ảnh người lính biên phòng thời bình. Giúp tôi nhận thấy một cách chân xác nhất, trong thế giới phẳng hôm nay vẫn còn đó những “vùng lõm”. Đa phần những “vùng lõm” ấy nằm ở dọc tuyến biên giới. Những vùng lõm ấy chứa đựng nhiều yêu thương và cũng cần đón nhận nhiều yêu thương hơn nữa.

PV: Phác họa chân dung những người lính thời bình là mảng đề tài anh luôn đau đáu. Trong tác phẩm này, họ hiện hữu với những trăn trở ra sao của người cầm bút?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Có thể nói tôi đã gặp những nhân vật người lính truyền cảm hứng, để nhận ra còn rất nhiều những tốt đẹp hiện hữu trong cuộc đời này. Họ luôn đồng hành cùng nhân dân vùng biên, trăn trở trước mỗi di biến động nơi vùng biên, không chỉ giữ gìn chủ quyền an ninh quốc gia, họ còn trăn trở chăm lo cuộc sống của bà con nhân dân các dân tộc, quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ, việc học tập của các em nhỏ, phát triển kinh tế hộ gia đình... Những giá trị phổ quát mà xã hội hôm nay đang hướng tới đã được những người lính thời bình nỗ lực chung tay kiến tạo. Tôi muốn truyền đạt tinh thần ấy đến bạn đọc như một sự tiếp sức, lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực.

Góp vào chân dung người chiến sĩ hôm nay ảnh 1

PV: Anh chia sẻ gì về hành trình rong ruổi của mình? Nhất là khi cũng đã lâu rồi anh mới bắt nhịp lại một việc anh yêu thích?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi luôn theo cách cổ điển nhất của một người cầm bút. Làm báo hay viết văn thì những nguồn tư liệu từ đời sống với tôi vô cùng quan trọng, nhất là những mảng, những khu vực mình còn khuyết thiếu, cần được lấp đầy. Chỉ đi mà không viết thì những chuyến đi cũng phần nào nhạt nhẽo, ngược lại chỉ viết mà không đi thì những trang viết cũng thiếu sức sống, với tôi, được đi và viết là hạnh phúc, nhất là khi đã cập tuổi 50, thời sung sức đã lùi lại phía sau.

PV: Nếu để chia sẻ về phẩm chất của người lính hôm nay, trong sự tiếp nối truyền thống và hội nhập, anh nói gì?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Quân đội nhân dân Việt Nam từ thuở mới thành lập vốn là đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Đến hôm nay, sau gần 80 năm thành lập, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, quân đội của chúng ta đã có những bước tiến dài lên chính quy, hiện đại, đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thế nhưng vẫn có những phần việc nguyên bản như xưa. Đó là công tác vận động quần chúng, hỗ trợ đồng bào, cùng xây dựng trận địa lòng dân vì một nền quốc phòng toàn dân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó đậm đà màu sắc chiến tranh nhân dân.

Người lính thời bình, cụ thể hơn là người lính biên phòng luôn ở hàng đầu trong trận tuyến này. Có những lực lượng với vũ khí khí tài hiện đại, có những lĩnh vực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhưng với những chiến sĩ biên phòng bám biên giới, bám làng bản vẫn là chân đi, miệng nói, tay làm. Những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ hôm qua vẫn tỏa sáng trong những việc làm hôm nay ở mỗi người lính thời bình.

PV: Sau những chuyến đi, nhiều tác phẩm của anh đã ra đời và tập bút ký mới chỉ là một phần anh lựa chọn. Vì sao có lựa chọn ấy? Và sau đó anh dự định gì?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đúng là tôi muốn lựa chọn riêng một tập sách với những bút ký về Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa như một kỷ niệm nghề nghiệp về một vùng đất đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, một vùng đất có nhiều điểm đặc biệt về lịch sử, địa lý, văn hóa, nơi ôm chứa những câu chuyện về bộ đội biên phòng trong bản sắc xứ Thanh. Như phong trào “Con nuôi biên phòng” sau này được nhân rộng thành mô hình áp dụng trong lực lượng biên phòng cả nước, mở rộng thành mô hình trong toàn quân cũng xuất phát từ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa với những cách làm tiên phong, sáng tạo và quan trọng hơn là đầy tính thực tiễn khởi phát từ tình người, từ truyền thống tương thân tương ái của người Việt. Chỉ có cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, sống và làm việc vì nhân dân mới có những sáng tạo từ thực tiễn sinh động và lay động như thế. Tôi muốn từ những câu chuyện ở một vùng đất cụ thể góp phần dựng nên bức chân dung tổng thể về người chiến sĩ hôm nay trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi tự nhủ, có thể chỉ là đôi nét đóng góp nhưng đó phải là những nét đậm và nổi bật. Còn những bút ký khác về các đề tài khác, vùng miền khác tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc vào những dịp khác.

PV: Đời sống phía sau mỗi cuốn sách cũng khiến chúng ta luôn nghĩ ngợi. Đã có nhiều hoàn cảnh cần được sự giúp đỡ và anh đồng hành với nhân vật thế nào?

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Là một người viết, tôi đã rung động trước nhân vật của mình, trước những việc làm nhiều ý nghĩa của các chiến sĩ biên phòng, trước những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Tôi mong muốn một sự chung tay nho nhỏ nhưng hữu ích từ cộng đồng, ít nhất là những người tôi có kết nối. Trích tiền giải thưởng hay dành tặng nhuận bút cuốn sách, kêu gọi mọi người cùng chung tay sẻ chia với những trẻ em không may mắn nơi biên giới xa xôi tuy là hành động nhỏ nhưng tôi nghĩ nó có ý nghĩa trong việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay với người lính vì một xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn. Trong khả năng có thể tôi cũng muốn một chút đồng hành với những chiến sĩ biên phòng, như một cách tiếp sức, động viên những người đồng đội ở những việc làm giàu ý nghĩa xã hội, bởi trước khi là một người viết tôi cũng và vẫn đang là một người lính.

PV: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Thủy về cuộc trò chuyện!

Đầu năm 2024, khi về Thanh Hóa nhận giải cuộc thi “Biên cương một dải vững bền” nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã trích phần lớn số tiền thưởng để ủng hộ cho các nhân vật có hoàn cảnh khó khăn. Khi tập bút ký “Những vì sao biên giới” được phát hành, anh đã mua 150 cuốn từ NXB để phát hành, tiếp tục gây quỹ cho các hoàn cảnh khó khăn.