CHUYÊN ĐỀ: “NGƯỜI TRẺ KỂ CHUYỆN HY SINH”

Làm phim về người lính một cách đầy cảm xúc

Đề tài người lính và chiến tranh cách mạng luôn được Điện ảnh Quân đội nhân dân (ĐAQĐND) quan tâm kỹ lưỡng. Phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” sẽ là dự án có quy mô lớn nhất của đơn vị trong 10 năm trở lại đây. Thời Nay có cuộc trò chuyện cùng Thượng tá, nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, Giám đốc ĐAQĐND.
0:00 / 0:00
0:00
Làm phim về người lính một cách đầy cảm xúc

Phóng viên (PV): Thưa Thượng tá Nguyễn Thu Dung, ĐAQĐND đã quan tâm thế nào về những mảng đề tài lớn và xuyên suốt, trong đó có người lính và chiến tranh cách mạng?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Trong thời gian gần đây, ĐAQĐND đã kiện toàn đội ngũ làm phim, sáng tác, kỹ thuật, hậu kỳ, tuyên truyền; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho mỗi thành phần. Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, chúng tôi từng bước hoàn thiện hệ thống trang thiết bị đồng bộ tương đối hiện đại. Chất lượng phim ngày càng nâng cao, hình thức thể hiện được đổi mới, tiệm cận hơn với khán giả trẻ. Nhiều phim đạt giải cao trong những Liên hoan, Giải thưởng lớn như Bông sen, Cánh diều, Giải Báo chí quốc gia, Giải thưởng Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc…

Đề tài người lính luôn bao trùm, chi phối định hướng sáng tác của ĐAQĐND. Trong từng phân khúc đề tài như lịch sử chiến tranh, hậu chiến, thương binh - liệt sĩ, bộ đội thời bình… chúng tôi luôn lấy người lính là hình tượng trung tâm để xây dựng tác phẩm.

PV: Cùng với một đề tài, nhiều đơn vị khai thác, nhưng các tác phẩm của đơn vị luôn có nét đặc trưng riêng có. Theo chị, đặc trưng đó là gì?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Các nhà làm phim của ĐAQĐND đồng thời cũng là những người lính. Đó là những nghệ sĩ - chiến sĩ thấm nhuần phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi có sẵn sự đồng cảm sâu sắc, gắn bó đặc biệt với người lính - những người là đồng chí, đồng đội của chúng tôi.

Trong đời sống, sinh hoạt, học tập hằng ngày, đội ngũ những người làm phim của đơn vị thường xuyên học tập, nghiên cứu về lịch sử chiến tranh cách mạng, về Quân đội và người lính để trau dồi, bổ sung kiến thức về các lĩnh vực.

Một điểm quan trọng là lịch sử hình thành và phát triển của ĐAQĐND có dấu ấn sâu sắc của nhiều thế hệ đã xông pha tác nghiệp ở tuyến đầu trên khắp các chiến trường, đặc biệt là 38 liệt sĩ. Bản thân các tác giả, nhà làm phim cũng có nhiều người là con em thương binh, liệt sĩ. Bởi vậy, chúng tôi làm phim về người lính một cách đầy cảm xúc. Đây có lẽ là những điểm đã góp phần tạo nên màu sắc riêng của đơn vị khi làm phim về đề tài người lính.

Làm phim về người lính một cách đầy cảm xúc ảnh 1

Sa bàn bối cảnh Thành cổ Quảng Trị được dựng trong quá trình làm phim “Mưa đỏ”.

PV: Gần đây, thông tin về phim điện ảnh “Mưa đỏ” đã thu hút sự chú ý của công chúng dù đang ở giai đoạn khởi động. Xin chị chia sẻ về dự án này?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025) và các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội năm 2025.

Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đối với ĐAQĐND. Nội dung phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ chiến sĩ QĐNDVN trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cuộc đấu trí của chúng ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh; ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Đây là dự án đầu tiên mà chúng tôi đầu tư phục dựng lại bối cảnh chiến trường với diện tích lên đến 50 ha. Kịch bản của nhà văn Chu Lai, đạo diễn là NSƯT Đặng Thái Huyền.

Buổi tuyển chọn diễn viên cho phim “Mưa đỏ” tại hai điểm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 300 diễn viên đăng ký. Con số này là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ, có lẽ bao gồm cả những người làm điện ảnh và khán giả điện ảnh, đối với đề tài lịch sử chiến tranh.

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: “Hằng năm, ĐAQĐND đều chú trọng làm phim về đề tài thương binh, liệt sĩ. Nhiều bộ phim được bộ đội và nhân dân đón nhận tích cực. Có thể kể đến các bộ phim tài liệu “Ngày về” (sản xuất 2017), “ChưTankra” (2019), “Mầm xanh đất lửa” (2020), “Phim đỏ” (2020), “Nỗi đau da cam” (2021), “Niềm tin” (2022), “Suối nguồn” (2023); phim truyện “Hóa thổ” (2017), “Nơi ta không thuộc về” (2018)… Năm 2024, chúng tôi sản xuất 2 phim tài liệu “Linh ảnh” và “Lời nguyện tri ân” hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)”.

PV: Với “Mưa đỏ”, chị nhận định gì về khó khăn, thuận lợi?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phải khẳng định, kịch bản “Mưa đỏ” là kịch bản đã thu hút sự quan tâm lớn của ĐAQĐ, góp một phần động lực để chúng tôi mạnh dạn báo cáo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị xây dựng đề án phim. Tuy nhiên, vì đây là một dự án lớn trong vòng 10 năm qua nên chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn.

Thứ nhất, tái hiện lại bối cảnh lịch sử và không khí hào hùng của thời đại trong khuôn khổ một bộ phim hơn 100 phút đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao. Hình tượng nhân vật, kết cấu kịch bản, phục trang, đạo cụ, cho đến từng chi tiết trong phim… đều phải được thiết kế thật tỉ mỉ, sắc nét và chặt chẽ, đúng với lịch sử. Mọi thành phần làm phim phải có nghiên cứu sâu rộng, am hiểu lịch sử. Thứ hai, làm phim về lịch sử đã khó, phim lịch sử chiến tranh càng khó hơn. Thông tin trên phim phải chính xác về mặt lịch sử và lịch sử chiến tranh, về tác chiến, chiến thuật quân sự... Thứ ba, phim có nhiều cảnh chiến tranh, trong đó bảo đảm hiệp đồng tốt giữa các bộ phận và bảo đảm an toàn tuyệt đối là những vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Điều đó đòi hỏi ở chúng tôi rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành.

PV: Xin cảm ơn Thượng tá, nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung!