Phóng viên (PV): Thưa bà, bà có kỷ niệm riêng nào với danh họa Dương Bích Liên, để kể cho những người yêu mỹ thuật thế hệ sau?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Tôi có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với cả “bộ tứ huyền thoại” trong Tổ sáng tác của Hội thời đó (ngoài Dương Bích Liên, còn Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016); Bùi Xuân Phái (1920-1988); Nguyễn Sáng (1923-1988). Kỷ niệm về họ thì rất là nhiều, đặc biệt là Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên, bởi tôi vừa quản lý, vừa phụ trách hậu cần cho tổ, và các ông lại là những người đơn thân. Vì vậy, tôi được các ông coi như người em gái thân thiết. Năm 1978, buổi đầu tiên tôi về Hội, là ngày các ông tới nhận lương, và họ cũng muốn đến để xem mặt một lãnh đạo mới, trẻ, là nữ nữa, ra sao. Năm ấy, tôi mới 32 tuổi, đã có gia đình và sắp có con. Hồi ấy, rất nhiều chuyện phức tạp cả về nội tình nghệ thuật cho đến câu chuyện xã hội. Trước khi về Hội, tôi cũng đã nghe nhiều về các danh họa này, nên tôi vừa rất cẩn thận, vừa chu đáo thoải mái. Chính về việc lo lắng chu toàn của tôi, mà ông Dương Bích Liên, một thời gian ngắn sau, nói với những bạn thân với ông ở trong Hội là: “Các cậu cần gì, thì cứ đến gặp con bé ấy”. Ông bằng tuổi mẹ tôi, điều này thuận lợi cho các quan hệ về sau trong quá trình các ông sống, gặp những trắc trở gì, từ trong sáng tạo đến các nỗi niềm riêng tư, thì tôi đều được các ông coi như một người em gái.
Khi được làm việc trực tiếp với các ông, tôi cho đó là một niềm vinh hạnh vì đã ngưỡng mộ các ông trước đó một cách tự nhiên. Tôi đã chứng kiến trực tiếp nhiều điều thăng trầm trong cuộc đời cá nhân của các ông. Tôi nhớ phong thái ẩm thực của các ông rất là đậm “chất Việt”. Không hiểu sao các danh họa này nấu ăn giỏi thế, lãng tử như là ông Sáng, trầm tư như ông Liên, cũng rất giỏi nấu ăn đấy nhé, khi cần, mà họ trực tiếp dính tay...
PV: Thưa bà, ông nổi tiếng với tính cách sống của một ẩn sĩ, rất ít người biết nhiều về cuộc đời của ông. Cho nên đến giờ, người ta vẫn thắc mắc tại sao trong hai năm 1984-1985, Hội đã tổ chức triển lãm cá nhân lần lượt cho ba danh họa Sáng, Phái, Nghiêm. Mà không có triển lãm dành cho Dương Bích Liên, ngoài những chuyện như… huyền thoại trắc trở về bức tranh “Hào” nổi tiếng?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Rất nhiều người hiểu nhầm là Hội không làm triển lãm cho ông. Tôi là đại diện cho Hội thời đó, phụ trách trực tiếp về sáng tạo, thì tôi luôn khẳng định là tôi đã đặt vấn đề với ông hai lần. Lần thứ nhất, khoảng năm 1982-1983, tôi đề nghị trực tiếp với ông Liên, khi cùng có dự kiến triển lãm cho ông Bùi Xuân Phái, thì Dương Bích Liên không nói gì. Tôi chỉ nghĩ riêng là ông cho rằng tranh của ông ít quá, nên ông không muốn bày chăng?
Lần thứ hai, năm 1984, tôi đến làm quyển vựng tập cho ông Bùi Xuân Phái tại nhà, khi sắp sửa ra mắt triển lãm của ông Phái. Ai cũng biết ông Phái có tác phong vừa làm việc, vừa bàn chuyện, vừa vẽ ngay chân dung khách đến nhà. Ông ấy vẽ tôi được một lúc thì tôi thấy ông Liên đến chơi. Khi bước vào, ông lặng lẽ đứng xem ông Phái vẽ. Hai ông còn có những câu đùa nhau mà tôi còn rất nhớ một số. Ông Liên nói với ông Phái là cậu sướng thật đấy, cậu có gia đình nhé, vợ cậu là y sĩ chăm sóc tốt nhé. Ông Phái nói lại, ý hơi đùa đùa, là cậu mới là người hạnh phúc, vì cậu được tự do, còn tôi thì không có được cái “niềm” ấy! Nhân dịp các bậc đàn anh đang vui vẻ cả, tôi bèn đặt vấn đề luôn với ông Liên lần thứ hai. Rằng anh cho phép tôi làm triển lãm cá nhân nhé. Đến lần sau vậy, thì ông cũng lại chỉ cười, và cười rất hiền để đáp lại mà không nói. Tôi cũng không hiểu vì lý do tại sao, nhưng khi ấy tôi tôn trọng quyết định của ông, và cũng không đề cập nữa.
Về bức tranh “Hào”, cũng là câu chuyện đặc biệt mà tôi vẫn băn khoăn nhất cho đến giờ. Năm 1972, khi bom Mỹ đánh phá Thủ đô, thì ông không đi sơ tán, mà vẫn ngồi một chỗ ở căn nhà số 55 Bà Triệu, để vẽ hoàn thành bằng được bức tranh “Hào” bản chính bằng sơn dầu khổ lớn, cùng ba, bốn tấm phác thảo bằng chì và phấn mầu pastel khổ nhỏ hơn. Trong kho tàng của Dương Bích Liên, thì đó là một trong hai bức tranh ông tâm đắc nhất, ngoài bức “Bác Hồ qua suối” hoàn thành năm 1980 (tranh sơn mài - kích thước 100 x 180 cm - được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2017, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với cái tên đầy đủ là “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”).
Bức “Hào” có số phận truân chuyên, từng có nhiều bài viết của ông Hào Hải, người bạn vong niên của họa sĩ kể lại câu chuyện đó. Nội dung tranh ấy đầy tính tư tưởng, và đầy chất thẩm mỹ đỉnh cao, nhưng sự ấu trĩ ở thời điểm ra đời khiến số đông chưa nhận ra. Bản chính giờ vẫn đang nằm ở nhà sưu tập tư nhân trong nước, sau cả một quãng dài trắc trở lận đận, còn có cả một khoảng thời gian “sang tay” một nhà sưu tập Việt kiều ở nước ngoài. Cho đến giờ thì những người đương thời như chúng ta phải nhìn nhận lại, công bằng mà xem xét nó. Ngoài việc ghi nhận về tài năng và cống hiến của Dương Bích Liên một cách xứng đáng, thì các cơ quan văn hóa lớn cần có cách tìm về và đón nhận sở hữu bức “Hào” để đưa ra công chúng, định vị lại giá trị lớn của nó trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam một cách công bằng và cần thiết. Và thêm nữa là theo như tôi biết, tên họa sĩ chỉ mới được đặt cho một con phố nhỏ ở Đà Nẵng. Trong khi tên phố Hà Nội thì chưa, mặc dù ông là một họa sĩ chất chứa “Hà Nội tính” rất nhiều, một ánh chớp thầm lặng trên chính xứ sở mình.
PV: Giới bình luận mỹ thuật và công chúng hiện nay đều đánh giá rất cao thành tựu của Dương Bích Liên với việc cách tân ngôn ngữ hội họa ở thời điểm “tiền Đổi Mới”. Nhưng lại có những ý kiến khác còn nhận định thêm là nghệ thuật của ông lại mang đậm tính hàn lâm hơn cả - khi so sánh sự khác nhau trong các phong cách của “bộ tứ huyền thoại”. Tại sao lại có những nhận định có tính chất “ngược chiều” nhau như vậy, thưa bà?
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Theo tôi thì những nhận định ấy có tính chất bổ sung cho nhau thôi, chứ không “trái ngược” gì đâu. Nhìn một cách tổng thể, thì nghệ thuật của Dương Bích Liên đóng góp một cái nhìn mới vào đời sống mỹ thuật. Ông dùng bút pháp Tả thực - Lãng mạn của trường phái hội họa “Tân cổ điển và Ấn tượng” để diễn đạt tâm tư con người trước hiện thực mới. Một sự gặp gỡ không ngẫu nhiên của cái nhìn trực giác phương Tây với cái nhìn nội tâm mẫn cảm của nguồn cội Việt, góp phần mang lại một nét diện mạo mới cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ở đó, có sự tiếp biến và điều hòa văn hóa, như một tất yếu của thời đại quốc tế hóa, xảy ra ở đầu thế kỷ 20. Ông là lớp sinh viên cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1944-1945). Bối cảnh của thời kỳ Pháp hóa đã ảnh hưởng đến tầng lớp thanh niên tiểu tư sản thành thị, và đặt họ giữa những khát khao và ưu tư canh tân - cách mạng. Dấn thân vào lý tưởng của mình, Dương Bích Liên tham gia kháng chiến, và cống hiến trọn đời cho cách mạng và nghệ thuật. Những kỷ niệm kháng chiến được ông lưu giữ, đặc biệt là những tháng ngày ở chiến khu, được nung nấu hàng thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế.
Phong cách của ông kiên định với cái nhìn duy mỹ, hoài cảm với ký ức chắt lọc hòa lẫn đậm đà trước xúc cảm trước hiện thực. Nhà bình luận mỹ thuật nổi tiếng Thái Bá Vân có viết một bài bình về tranh và người sau khi họa sĩ mất, có một câu gói trọn cả học vấn và nhân cách của Dương Bích Liên mà tôi nhớ nguyên văn như sau: “…(Anh) sống và chết như một thiên nhiên cô độc. Nhưng nghệ thuật của Anh là một thế giới sang trọng, miên man trí thức, và như vậy, nó là một tồn tại trang nghiêm. Ở đấy, chúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọng, mà sự yêu thương con người là cuồng nhiệt. Ở đấy, tranh chấp và thù hận được từ bỏ…”.
Còn tôi cho rằng, thật sự trong “bộ tứ huyền thoại”, thì ông vẫn là một người đầy bí ẩn. Thế giới nghệ thuật của Dương Bích Liên là cả một sự tương phản, vừa như lánh đời, vừa cuồng nhiệt; vừa uyên thâm, lại vừa bình dị, cao thượng và bâng quơ. Điều đó, phải chăng đến từ sự xúc cảm thuần khiết, chỉ có được ở những tâm hồn lớn, nhạy cảm bẩm sinh và lao động miệt mài. Sự lựa chọn của ông ấy là rất rõ ràng, ông ấy như là một ánh sao, một tia chớp thầm lặng đi qua bầu trời nghệ thuật của thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi Đổi mới, và để lại những ánh hào quang lung linh…
PV: Xin cảm ơn bà!