Giữ bình yên biên cương (kỳ 2)

Kỳ 2: Gần dân, được dân tin yêu
0:00 / 0:00
0:00
Công an xã thường xuyên xuống tận nhà thăm hỏi và chia sẻ thông tin với bà con Nà Ca.
Công an xã thường xuyên xuống tận nhà thăm hỏi và chia sẻ thông tin với bà con Nà Ca.

(Tiếp theo và hết)

Bên cạnh những chính sách phát triển của chính quyền địa phương, việc bảo đảm an ninh, trật tự để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) an cư lập nghiệp và bảo đảm tự do tín ngưỡng cũng rất quan trọng. Phối hợp cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, các đơn vị công an xã, những người sống gần gũi nhất với bà con dân tộc đang chứng tỏ vai trò then chốt cho nhiệm vụ này, đặc biệt với một địa bàn rộng lớn và hiểm trở như Cao Bằng.

Lan tỏa “Ánh sáng an ninh”

Con đường tới xóm Nà Ca gần thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm) không chỉ dốc, lầy lội mà một bên là sườn núi, một bên là vực cao. Đó là chưa kể trước đây vào ban đêm, con đường này không hề có đèn điện. Những ngày mưa to, việc đi bộ lên xuống của bà con, đặc biệt là các cháu nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. “Trong quá trình công tác, chứng kiến khó khăn của người dân như vậy, anh em chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng về chương trình “Ánh sáng an ninh”, đề xuất xin nguồn lực của công an huyện và công an tỉnh lắp cột đèn năng lượng mặt trời dọc đường lên xóm”, Trung tá Dương Thanh Hải, Phó trưởng công an huyện Bảo Lâm chia sẻ.

40 đèn chiếu sáng trị giá 80 triệu đồng đã được công an tỉnh Cao Bằng lắp đặt cho xóm Nà Ca và một số xóm khác trên địa bàn. Ngoài ra, trong 1-2 tháng nữa, những con đường sẽ tiếp tục được bê-tông hóa qua sự phối hợp của người dân và chính quyền. Xóm Nà Ca hiện có 2 điểm nhóm theo tôn giáo Tin lành được chính quyền cấp phép hoạt động, đó là điểm nhóm của người H’Mông do ông Hoàng Văn Sùng (35 tuổi) làm trưởng nhóm và điểm nhóm của người Dao do ông Chảo Vần Phin làm trưởng nhóm. “Năm 2008, chính quyền cho phép chúng tôi hình thành điểm nhóm tôn giáo Tin lành và thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng tự do. Từ đó tới nay, cán bộ chính quyền thường xuyên thăm hỏi và cán bộ công an xã luôn bảo vệ an toàn, an ninh trật tự, giảng giải cho người dân những điều không biết về luật an ninh hay an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy...”, ông Sùng chia sẻ.

Ông Sùng còn tích cực giải thích, tuyên truyền cho bà con những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bà con không đi lệch hướng và được tự do thể hiện đức tin trong khuôn khổ pháp luật. “Chúng tôi phải cảm ơn vì sự giúp đỡ và tin tưởng của chính quyền để tạo nên điểm nhóm phát triển như hôm nay. Định hướng nhất quán trong điểm nhóm là ngoài tín ngưỡng ra, các tín đồ tuân thủ pháp luật và biết làm kinh tế”, ông Sùng nói thêm. Với những thực tế đó, xóm Nà Ca trở thành điểm sáng, được UBND thị trấn Pác Miầu chọn là nơi đầu tiên triển khai mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” vào ngày 26/6 vừa qua.

Giữ bình yên biên cương (kỳ 2) ảnh 1

Công an xã Thượng Thôn hỏi thăm tình hình sản xuất của người dân.

Vượt khó bám cơ sở, hiểu lòng dân

“Năm 2022, tôi tìm trên mạng về thông tin việc làm dưới Hà Nội. Theo như họ giới thiệu, công việc của tôi là bốc vác và có thể được phụ xe. Nhưng xuống tới nơi thì bị thu hết giấy tờ và điện thoại, họ nhắn người nhà mang tiền xuống chuộc mới tha cho về. Trong thời gian chờ tiền chuộc, tôi còn bị bắt buộc đưa xuống Thái Nguyên làm không công cho họ mất 20 ngày. Nhiều tháng sau khi xảy ra vụ việc, tôi sợ không muốn đi làm ở đâu mà chỉ quanh quẩn ở nhà”, anh Hoàng Văn Sự, một người dân tộc H’Mông ở xóm Nà Ca nhớ lại.

Số tiền hơn một triệu mà anh Sự bị lừa có thể không lớn, nhưng so thu nhập của bà con DTTS ở vùng cao là không hề nhỏ, cùng với đó là hệ quả tâm lý hoang mang, e ngại. Gần đây, khi nhận báo cáo về vụ việc, các cán bộ, công an xã đã thăm hỏi, đồng thời cố gắng khai thác thông tin, địa chỉ của những kẻ lừa đảo từ phía nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi để xảy ra một thời gian khá dài mà không khai báo, cộng thêm việc không biết đường sá tại Hà Nội nên trí nhớ của anh Sự về vụ việc không còn rõ ràng. Câu chuyện đáng tiếc này cho thấy tầm quan trọng của việc bà con DTTS có sự thông báo, trao đổi với cán bộ, công an xã thường xuyên về mọi mặt cuộc sống.

“Chúng tôi thường xuyên đi tham dự các buổi thánh lễ để nắm bắt nội dung sinh hoạt, kết hợp tuyên truyền quy định pháp luật, nâng cao nhận thức của tín đồ trong điểm nhóm”, đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng công an thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm) cho biết.

Có lẽ khó khăn thực tế mà lực lượng chiến sĩ công an xã phải đối mặt còn nhiều hơn lời kể. Trước tiên là những hạn chế về nhân lực, thí dụ như lực lượng công an thị trấn Pác Miầu và công an xã Thượng Thôn có quân số chỉ từ 7-8 người nhưng địa bàn quản lý gồm nhiều xã, trải dài trên địa bàn quá rộng với địa hình hiểm trở. Cùng lúc công an xã phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, từ công tác dân vận, bảo đảm an ninh trật tự cho tới hành chính. Trong khi đó, nguồn vật lực cho các đơn vị công an xã hoạt động cũng còn nhiều thiếu thốn.

Tới nay, xóm Pác Rà nói riêng và xã nói chung đã có nhiều bước thay đổi đáng kể dựa trên sản phẩm thế mạnh là cây hồi, cây quế và lợn đen. Vừa qua đã có những hộ thu nhập cao nhất tới 250 triệu đồng/năm nhờ tinh dầu hồi, sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Nói để dân hiểu, làm để dân tin

Những nỗ lực vượt khó đã đem tới nhiều “trái ngọt”, đó là sự tin yêu của đồng bào. Cách xóm Nà Ca không xa, điểm nhóm tôn giáo Tin lành của xóm Pác Rà (xã Lý Bôn) mặc dù đang chờ xã hoàn thành thủ tục hồ sơ xin cấp phép sinh hoạt nhưng vẫn được chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức thánh lễ hằng tuần vì người dân hết sức tự giác tuân thủ, bảo đảm an ninh trật tự. Ông Hoàng A Dí, tín đồ của điểm nhóm bày tỏ: “Nhiều người trong xóm không sõi tiếng Việt nên ngoài nghe giảng giáo lý, chúng tôi được trưởng điểm nhóm và cán bộ, công an giảng giải không được vi phạm pháp luật, không rượu chè cờ bạc, chăm lo làm kinh tế và thương vợ con và gia đình”.

Ngoài ra, cán bộ và công an xã còn giúp bà con thay đổi một số thói quen xấu, hủ tục theo lối sinh hoạt cũ. Làm được điều đó không hề đơn giản nếu không phải người thân thiết, tin tưởng và thậm chí được coi như con cái trong nhà đồng bào, như câu chuyện của đại úy Nguyễn Danh Tùng, công an xã Cách Linh (Hà Quảng) là một thí dụ. “Trong buổi trực tối 29 Tết năm vừa qua, khi nhận được tin báo một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, tôi nhanh chóng tới hiện trường và phát hiện nạn nhân bất tỉnh, gặp đa chấn thương và khuôn mặt biến dạng, sưng vù. Mỗi nhịp thở nạn nhân đều có máu trào từ mũi và miệng, tôi xác định nạn nhân bị xuất huyết trong và phải nhanh chóng khai thông đường thở. Sau khi kê cao và đặt nghiêng đầu cho máu và dịch chảy ra không thành công và hơi thở yếu dần, tôi trực tiếp dùng miệng kề vào mũi và miệng nạn nhân để vừa hút vừa theo dõi nhịp thở nạn nhân nhiều lần cho tới khi xe cấp cứu tới”, đại úy Tùng nhớ lại.

Nạn nhân được đại úy Tùng cứu sống là một thanh niên trẻ sinh năm 1996 người dân tộc Tày gặp tai nạn do uống rượu, bia. Sau biến cố đó, gia đình rất yêu mến và nhận đại úy Tùng là con nuôi. Phối hợp với gia đình nạn nhân, đại úy Tùng và đồng đội đã đi đầu làm gương từ chối uống rượu bia khi xuống cơ sở, tích cực tuyên truyền cho bà con thấy rõ tác hại của bia, rượu và vận động được nhiều hộ dân trong xã từ bỏ hủ tục này.

Có thể nói, mối liên kết chặt chẽ giữa đồng bào DTTS với cán bộ chính quyền và lực lượng công an xã là hạt nhân cốt lõi bảo đảm tính hiệu quả và khả năng nhân rộng cho mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” trong tương lai. Hoạt động của mô hình này sẽ giúp hạn chế tối đa những điều kiện, yếu tố phát sinh tội phạm tại cơ sở và trong tôn giáo. Nó còn phát huy được tính chủ động, tự giác từ tín đồ, hoặc rộng ra là toàn bộ người dân trong xóm trong việc thông báo sớm tình hình cho cán bộ, công an địa phương. Nhờ đó, gia tăng hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ khi còn trong “trứng nước”. Trong tương lai, lan tỏa mô hình này tới các bản làng sẽ giúp người DTTS hướng tới lối sống tốt đời đẹp đạo, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Giữ bình yên biên cương (kỳ 1)