Chuyện “Cây ATM” nơi miền biên viễn

Tưởng như không bao giờ làm mới được một ngôi nhà để ở, nhưng gia đình ông Xồng Bá Lù lại là một trong hai hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở bản Phà Lõm được nhận hỗ trợ từ mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” để xóa nhà tranh tre dột nát trị giá 30 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ giúp sức của Đồn Biên phòng Tam Hợp (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) và bà con dân bản, chỉ sau vài tháng thi công, căn nhà của ông được dựng mới kín trên bền dưới.
Đảng viên Chi bộ bản Phà Lõm góp Quỹ 1.000 đồng.
Đảng viên Chi bộ bản Phà Lõm góp Quỹ 1.000 đồng.

Mái ấm từ “Cây ATM”

Từ Quốc lộ 7A vượt gần 20 km đường rừng dù dốc núi nhưng không còn lầy lội, cheo leo như trước bởi đường lên biên giới Tương Dương (Nghệ An) giờ đã được đầu tư thảm nhựa. Bản làng người Thái, Tày Pọong, H’Mông giờ được sắp xếp định cư quần tụ dọc bên con khe Chà Lạp ngay hàng thẳng lối. Vào bản, những ngôi nhà sàn hay nhà trệt đều đã khang trang, ít thấy những ngôi nhà lụp xụp tạm bợ. Đến bản Phà Lõm (xã Tam Hợp), nơi có 126 hộ, chủ yếu là dân tộc H’Mông, cuộc sống gắn liền với nương rẫy, thu nhập thấp, đa số đều kinh tế eo hẹp nhưng đã vui hơn trước vì bắt đầu đã có của ăn của để. Đến thăm gia đình ông Xồng Bá Lù, bước vào ngôi nhà mới dựng thưng ván kín trên bền dưới ai cũng chúc mừng.

Trước đây, gia đình ông Lù năm người từng tá túc chui luồn dưới căn nhà lợp tranh lụp xụp rộng chừng

50 m2. Cứ vào mùa mưa bão, gia đình ông luôn nơm nớp lo sợ, phần vì dột ướt, gió bão nhà đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều hôm mưa to gió lớn, cả gia đình phải chạy sang nhà hàng xóm nhờ tá túc. Cuộc sống vất vả nghèo túng ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc đâu dám mơ ước đến việc xây cất được một nhà kiên cố. Ba con trai của ông đều đi làm ăn xa, mình ông ở nhà, miếng ăn còn chật vật, ông nói không dám nghĩ đến việc sửa lại nhà.

Cuối năm 2022, gia đình ông Xồng Bá Lù là một trong hai hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở bản Phà Lỏm được bình xét ưu tiên nhận hỗ trợ từ mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” để xóa nhà tranh tre dột nát trị giá 30 triệu đồng. Nhờ sự giúp sức của các anh bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp và bà con dân bản, chỉ sau vài tháng thi công, căn nhà của ông đã được gia cố chắc chắn, mái lợp mái fibro xi-măng, lát nền gạch. Cùng với làm nhà, gia đình ông được hỗ trợ thêm tiền mua sắm được một số tiện nghi bên trong.

Bản Phà Lỏm dần thay đổi khi Huyện ủy Tương Dương triển khai nhân rộng mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ neo đơn. Trưởng bản Phà Lỏm Xồng Bá Chớ cho biết: “Hằng quý, chi bộ sẽ thống kê quỹ để báo cáo lên xã. Để hỗ trợ một gia đình, cán bộ sẽ khảo sát cụ thể tình hình kinh tế của họ, sau đó đưa ra họp bỏ phiếu minh bạch, ưu tiên người già cả, neo đơn”. Thời gian tới bản sẽ cố gắng duy trì quỹ, đặt mục tiêu mỗi năm dựng được một nhà cho hộ nghèo.

Đến bản người Thái ở Văng Môn, gia đình ông Kha Văn Ót là một trong những hộ thuộc hộ nghèo, trước đây thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, đầu tắt mặt tối vậy mà vẫn thiếu thốn trăm bề. Để nuôi các con đi học phải vay mượn thêm bà con họ hàng. Ông chia sẻ bước thoát nghèo của gia đình mình: “Ba năm nay, từ lúc được sự quan tâm của đảng, chính quyền các cấp mở “Cây ATM 1.000 đồng” đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Lúc đầu được cấp giống ba con lợn đen cùng nhiều gà, gia đình tập trung chăm sóc và nhân giống. Từ đây, hằng năm gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng, cuộc sống kinh tế dần ổn định. Mỗi lần bán được gà hay lợn, gia đình đều trích một ít tiền lời vào quỹ xã hội hóa của bản để giúp những hoàn cảnh từng khổ như mình”.

Chuyện “Cây ATM” nơi miền biên viễn ảnh 1

Mô hình cây ATM 1.000 đồng được nhân rộng ở huyện Tương Dương.

Điểm sáng bên dòng Chà Lạp

Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) là nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số chung sống gồm Tày Pọong, Thái, H’Mông và Khơ Mú. Do địa hình biên giới phức tạp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Xã có 528 hộ, trong đó có 262 hộ nghèo, 70 hộ cận nghèo. Năm 2021, nhằm giúp đỡ người dân vươn lên trong cuộc sống, chính quyền xã Tam Hợp đã triển khai phát động và nhân rộng mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” trên tinh thần “mình vì mọi người”. Đảng bộ Tam Hợp gồm 11 chi bộ với 217 đảng viên, trong đó có 5 chi bộ thôn bản, mỗi chi bộ đều có gắn thùng “Quỹ 1.000 đồng”.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đóng góp 1.000 đồng/ngày vào quỹ. Cán bộ bán chuyên trách, đảng viên nông thôn, tổ chức, cá nhân đóng góp theo tinh thần tự nguyện. Từ huyện đến thôn bản đều có thùng quỹ đặt ở công sở, nhà văn hóa, hết tháng hoặc hết quý chi bộ cử người kiểm đếm công khai. Mới đầu, mô hình thùng tiết kiệm được thí điểm ở bản Xốp Nặm sau đó nhân rộng ra toàn xã. Vạn sự khởi đầu nan đã quyên góp được hơn 60 triệu đồng ủng hộ hai hộ khó khăn xóa nhà tranh tre dột nát tại bản người H’Mông ở Phá Lõm và hai hộ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất tại bản người Thái ở bản Văng Môn. Hai hộ được hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là hộ ông Lương Văn Niệm và Kha Văn Ót ở bản Văng Môn hiện đã thoát nghèo. Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cây ATM 1.000 đồng còn giúp gắn kết thêm khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xã biên giới Tam Hợp để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài việc xóa nhà tranh tre dột nát, đến nay cây ATM 1.000 đồng còn góp tiền mua cây giống, vật nuôi như lợn đen, bò, dê, gà... để người dân phát triển sản xuất. Năm trẻ mồ côi trên địa bàn cũng được hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng từ quỹ, bắt đầu từ tháng 5/2023, giúp đỡ các em bớt thiệt thòi.

Trưởng ban Dân vận huyện Tương Dương Lương Bá Vin đánh giá: Với khẩu hiệu “mỗi cán bộ, đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, từ sáng kiến của xã Tam Hợp, mô hình “Cây ATM 1.000 đồng” đã đươc Huyện ủy Tương Dương phát động đến nay có sức lan tỏa rất lớn. Từ việc làm này đã gắn kết người dân và đảng, chính quyền lại thành một khối.Thời gian đầu có người còn băn khoăn do mức đóng góp 30 nghìn đồng mỗi tháng là không nhiều. Nhưng trên tinh thần “góp gió thành bão”, với người nghèo thì một đồng hay mười đồng vẫn quý. Sau hơn ba năm thực hiện mô hình “Cây ATM 1.000 đồng”, triển khai ở 252 chi bộ khối, bản, làng và các trường học, tổ chức công đoàn, đoàn thể thực hiện đã thu được hơn 717 triệu đồng. Kinh phí trích từ nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ 289 hộ nghèo mua con giống bò, dê, lợn, 135 hộ mua cây giống lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại, tặng 5 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu 19 cháu mồ côi, tiếp sức đến trường cho 148 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi thực hiện nhân rộng mô hình này, nhiều gia đình được cải thiện sinh kế, thoát nghèo.

Trên đường về, nhìn đàn cá mát tung tăng nghiêng mình khoe vảy bạc lấp lánh dưới thác nước khe Chà Lạp, ai cũng thầm cảm phục Tam Hợp dù nơi biên viễn ấy còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng vẫn đong đầy nghĩa cử tình đồng bào từ “ Cây ATM”!

Hiện, hằng tháng khi chưa đến ngày phát động, nhiều đảng viên đã tự nguyện đến góp quỹ trước vì sợ để lâu tiêu hết. Thậm chí, có người còn ủng hộ thêm từ 50 - 100 nghìn đồng”, Trưởng ban Dân vận huyện Tương Dương Lương Bá Vin cho biết thêm.