Giữ bình yên biên cương (kỳ 1)

Lên Cao Bằng hôm nay, dù khó khăn vẫn còn bề bộn nhưng đến nơi đâu cũng cảm nhận được tinh thần vượt khó, niềm tin của đồng bào, cộng hưởng với sự vào cuộc mạnh mẽ và thiết thực của chính quyền từ trung ương tới địa phương. Tất cả đang giúp cái nôi cách mạng xưa đổi thay, phát triển vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách đến du lịch tại Hoài Khao được giới thiệu sản phẩm truyền thống.
Du khách đến du lịch tại Hoài Khao được giới thiệu sản phẩm truyền thống.

Kỳ 1: Sát cánh thoát nghèo

Công tác xóa đói, giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên của địa phương mà còn trở thành “mặt trận” quan trọng nhằm bảo đảm an ninh, trật tự vùng biên giới. Tất cả đang giúp cái nôi cách mạng xưa đổi thay từng chút từng ngày, tiếp tục là “thành đồng” vững chãi nơi biên cương.

Khi mái nhà, cái ăn không còn là nỗi lo

Có thể nhìn vào trường hợp của Thượng Thôn, một trong những xã vùng cao rất khó khăn của huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Nơi đây nhiều đồi, núi hiểm trở dẫn tới hạn chế giao thông và cơ sở hạ tầng, thiếu thốn cả nguồn nước phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt, gây ra nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Xã có số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ tương đối cao, khoảng hơn 69% và hộ cận nghèo là hơn 10%. Với những hạn chế kể trên, nơi này từng là “điểm nóng” mà một số tổ chức không thân thiện tranh thủ lôi kéo người dân, xuyên tạc chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.

Song hành cùng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt thì việc đi sâu tuyên truyền, gần gũi hỗ trợ người dân của cán bộ địa phương và lực lượng công an xã đã giúp người dân các xóm của Thượng Thôn nhận ra hướng đi đúng.

Mất khoảng 30 phút từ thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) đi men theo những sườn đồi, dốc núi quanh co trên tuyến đường DT210, xóm Lũng Mủm (Thượng Thôn) dần hiện ra lọt thỏm giữa những ngọn núi trùng điệp. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, các hộ dân của nhiều xóm như Lũng Mủm, Lũng Tu, Sỹ Điêng... được xã cung cấp téc chứa nước. Nhờ đó, sinh kế chính của bà con dân tộc đã không phụ thuộc chủ yếu vào trồng ngô mà mở rộng sang các loại cây trồng khác như đỗ tương, lạc, gừng trâu... Bà con còn kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà hay vỗ béo lợn đen, phục vụ cho các buổi chợ phiên hoặc bán cho miền xuôi. Trong xóm, không ít hộ đã khá lên, có tiền mua xe máy, sửa sang nhà cửa.

“Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Nhưng từ năm 2010 tới 2016, nhờ sự thay đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng giống ngô lai mới, kết hợp nuôi vỗ béo trâu bò, gà và lợn đen mà đời sống đã khấm khá hơn. Được vay vốn ngân hàng chính sách mà nhiều người như tôi đã từng bước thoát nghèo. Gần như tất cả bà con trong xóm đã được vay tối đa 100 triệu đồng với lãi suất thấp, chỉ từ 0,55%”, anh Lý Văn Sì, trưởng điểm nhóm tôn giáo thuộc hệ phái Liên hữu Cơ đốc tại xóm Lũng Mủm chia sẻ. Hiện tại ngoài việc trồng ngô, gia đình anh Sì đã có hai con trâu vỗ béo làm vốn.

Không chỉ được hỗ trợ sinh kế, những căn nhà gỗ mái lá dột nát, xập xệ của xóm làng vùng cao ở Thượng Thôn cũng dần được thay thế bằng nhà bê-tông, mái tôn chắc chắn. Tính riêng tại Thượng Thôn từ năm 2021 đã xây mới 25 nhà, sửa chữa 4 nhà, 7 nhà lắp ghép với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2022, có 41 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 19 nhà làm mới, 22 nhà sửa chữa. Năm 2023, hoàn thành xây mới 6 nhà, sửa chữa 12 nhà, xã hội hóa 2 nhà, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Năm nay, xã được phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ 110 hộ, trong đó 50 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa nhà ở.

Có được kết quả này là nhờ hành động thiết thực từ chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan, thí dụ như trường hợp của xóm Sỹ Điêng (Thượng Thôn), nơi một số hộ dân được Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hỗ trợ tới 40 triệu đồng làm lại nhà mới. Anh Lý Văn Nó (34 tuổi), người dân tộc H’Mông ở xóm Sỹ Điêng kể: “Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Sau đó, đoàn cán bộ xã với bí thư đoàn thanh niên xã còn xuống tận nhà thăm và thấy nhà tôi dột nát sắp đổ, cán bộ bảo hỗ trợ làm cái mới thôi. Thế là mấy tháng sau, tôi được UBND xã làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ xây nhà”. Từ ngày có nhà mới, vợ chồng anh Nó cùng 6 người con không còn chịu cảnh mùa hè thì nóng nực bí bách, mùa đông thì mưa lạnh, gió lùa nữa.

Giữ bình yên biên cương (kỳ 1) ảnh 1

Những ánh mắt tươi vui của trẻ em xóm Lũng Mủm.

Tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế du lịch

Ngoài phát triển kinh tế bằng nông nghiệp và chăn nuôi, Cao Bằng là tỉnh có nhiều địa điểm nổi tiếng như quần thể di tích lịch sử Pác Bó (Hà Quảng), Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (Nguyên Bình) hay thác Bản Giốc (Trùng Khánh)... Bên cạnh những khu du lịch lớn được Nhà nước đầu tư, có không ít thôn bản đã chuyển mình thành điểm du lịch hấp dẫn như điểm du lịch cộng đồng của người dân tộc Lô Lô tại Khuổi Khon (xã Kim Cúc), làng du lịch tại Hoài Khao (xã Quang Thành) bảo tồn nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao tiền hay Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền dân tộc Dao đỏ tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình...

Trong số đó, không thể không kể tới làng đá Khuổi Ki (Đàm Thủy, Trùng Khánh), nơi đang kết hợp thành công việc bảo tồn văn hóa của chính quyền với mô hình du lịch lưu trú (homestay) do người dân khởi xướng. “Sau khi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở một số tỉnh miền núi phía bắc, tôi nhận ra rằng, quê mình rất đẹp, đầy tiềm năng với nếp nhà sàn cổ bằng đá và mái ngói âm dương mà các nơi khác không có được. Chưa kể làng đá Khuổi Ki nằm trong trung tâm quần thể thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, vị trí làng chỉ cách thác có 2 km và cách động có 800 m. Bởi vậy, năm 2019 tôi quyết định xây dựng Tày’s homestay và bắt đầu đón khách vào năm 2022. Du khách đến đây được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản Cao Bằng cùng làn điệu hát then, đàn tính và tham gia nhảy sạp. Chúng tôi còn cho khách tham gia tour leo núi, trải nghiệm đi cấy, lấy củi như người địa phương”, chị Nguyễn Kim Phương, chủ của Tày’s Homestay tại làng đá Khuổi Ki cho biết.

Hầu hết khách du lịch đến với làng đá Khuổi Ki đều có ấn tượng rất sâu sắc. Anh Nicolas James, du khách người Anh bày tỏ: “Trước tiên, tôi thật sự choáng ngợp vì cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của sông núi nơi đây. Cũng thật ngạc nhiên khi đến một nơi xa xôi như vậy nhưng đất nước các bạn vẫn khiến tôi bất ngờ về sự hấp dẫn của ẩm thực, độc đáo về kiến trúc, trang phục và vẻ đẹp tín ngưỡng truyền thống. Một điều đặc biệt nữa mà tôi thích khi đến nơi này, đó là sự an toàn và mến khách của người dân”.

Lượng khách lưu trú ở làng đá Khuổi Ki đang dần đông đúc, đặc biệt là dịp cuối tuần các homestay ở đây luôn trong tình trạng kín phòng. Để nâng cấp chất lượng dịch vụ, người dân trong bản đã tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ, kỹ năng và các chị em trong bản thì dạy cho nhau những làn điệu hát then, đàn tính. Ngoài ra, chính quyền cũng hỗ trợ người dân vay vốn chính sách để phát triển homestay. Khi đông khách, chủ các homestay phải huy động người nhà hoặc hàng xóm hỗ trợ với mức ngày công là 350 nghìn đồng, còn làm bán thời gian là khoảng 100 đến 150 nghìn đồng/người. Hiện tại, thu nhập trung bình một tháng của mỗi người làm trong homestay khoảng 6 triệu đồng/tháng, trở thành nguồn thu chính cho bà con.

Theo ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, làng văn hóa dân tộc Tày ở xóm Khuổi Ki đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đầu tư phục dựng và bảo tồn từ năm 2009. Sau đó, nhờ sự đầu tư hạ tầng, đường sá và quảng bá mạnh của chính quyền mà tổ chức JICA (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư hơn 1 triệu USD cho làng đá Khuổi Ki phát triển trong giai đoạn mới bền vững hơn. Dự án của JICA sẽ được triển khai từ quý III năm 2024 tới 2028, tập trung vào 6 nội dung chính như kè lại dòng suối của bản Khuổi Ki; hỗ trợ dùng đá làm lại sân và đường làng; tiếp theo là tài trợ việc cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống nước thải; cải tạo và nâng cấp nhà sàn, nhà văn hóa; thành lập chuỗi hoạt động văn hóa và cuối cùng là đầu tư xây bãi đỗ xe, không gian trưng bày sản vật, đồ dùng và tập tục sinh hoạt của người dân địa phương.

(Còn nữa)