Hạ nhiệt “điểm nóng” ma túy Mộc Châu (kỳ 2)

Kỳ 2: Chuyển hóa địa bàn cơ sở
Cán bộ CLB cảm hóa (trái) thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Lê Đình Ngoan.
Cán bộ CLB cảm hóa (trái) thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Lê Đình Ngoan.

(Tiếp theo và hết)

Ngày 29/7 vừa qua, Công an huyện Mộc Châu đã phá thành công chuyên án, bắt giữ Tráng Thị Dợ và Lầu Thị Xi là hai mẹ con cùng trú tại bản Co Cháy, xã Lóng Sập về hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Ở Mộc Châu, còn rất nhiều những bi kịch gia đình như vậy! Có những nhà 3-4 án tử hình vì ma túy, có bản thanh niên bị bắt hết, chỉ còn người già và trẻ nhỏ… Hệ lụy xã hội để lại vô cùng lớn! Quyết tâm đẩy lùi ma túy trong giai đoạn mới tại Mộc Châu được xác định là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Đẩy lùi bi kịch vùng biên

Mộc Châu có gần 40 km đường biên giới giáp Lào, kéo dài trên địa bàn 10 bản thuộc ba xã Chiềng Sơn, Chiềng Khừa, Lóng Sập. Những năm trước đây, kinh tế - xã hội ở các bản giáp biên giới chậm phát triển, hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật còn thiếu; sản xuất manh mún, lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy còn xảy ra.

Trước thực trạng đó, ngày 11/11/2021, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HU với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ 10 bản biên giới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HU, các bản biên giới đã có nhiều đổi thay. Chuyển biến lớn nhất là vai trò của hệ thống chính trị các cấp và toàn dân trong công tác phòng chống ma túy đã được nâng lên.

Từng được coi là “thánh địa” ma túy tại Mộc Châu, Lóng Sập có 5 bản biên giới giáp Lào trải dài trên đường biên 23,3 km cùng hàng loạt đường mòn lối mở. Nghiêm chỉnh triển khai Nghị quyết số 09/NQ-HU, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập Lò Văn Nước xác định, với vị trí địa lý đặc thù, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc chiến cam go, cần kiên trì, quyết liệt. “Thời gian qua, Đảng ủy xã cùng bộ đội biên phòng đã duy trì họp giao ban hằng tháng, hằng quý để nắm thông tin nội biên, ngoại biên xây dựng quy chế phối hợp. Hiện xã đã có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các khối, cả hệ thống chính trị chú trọng vào công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu được tác hại của ma túy. Bên cạnh công tác tuyên truyền, muốn đẩy lùi ma túy, chúng tôi cũng tập trung phát triển kinh tế xã hội cho bà con nhân dân”, ông Nước nhấn mạnh.

Chiềng Khừa - xã vùng biên xa nhất của huyện Mộc Châu, những năm trước luôn là trọng điểm buôn bán ma túy với những điểm nóng như bản Căng Tỵ, bản Trọng, Suối Đo. Xác định đấu tranh đến cùng trong việc loại trừ tệ nạn, theo ông Hà Văn Mươi, Chủ tịch UBND xã, kể từ năm 2022, UBND đã phối hợp Công an huyện thành lập ba dòng họ tự quản tại bản Căng Tỵ là họ Giàng, họ Pùa, họ Dừ nhằm tuyên truyền, vận động bà con tránh xa ma túy.

Ngoài mô hình dòng họ tự quản, hằng năm xã cũng phối hợp công an huyện, cùng các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức chuyển hóa địa bàn đối với các bản trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. “Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt chú trọng tuyên truyền. Xã cũng phối hợp cùng công an và bộ đội biên phòng tập trung tổ chức đấu tranh với tội phạm ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể của xã cũng tích cực vận động người nghiện tự giác đi cai, lập hồ sơ giáo dục tại địa phương, triển khai phiếu tố giác nhằm sớm phát hiện các đối tượng có hành vi buôn bán ma túy”, ông Mươi cho biết.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân tố giác tội phạm, Chiềng Khừa cũng tích cực triển khai các mô hình tạo công ăn việc làm, hỗ trợ về mặt tinh thần cho các đối tượng cai nghiện trở về để họ có thể tái hòa nhập với cộng đồng. Trong năm 2023, xã đã thành lập mô hình chăn nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả…, hiện có hơn 50 thành viên tham gia.

Hạ nhiệt “điểm nóng” ma túy Mộc Châu (kỳ 2) ảnh 1

Đưa mô hình trồng chè vào xóa đói, giảm nghèo tại xã Lóng Sập.

Sức mạnh toàn dân

Cách trung tâm thị trấn Mộc Châu 20 km, Chiềng Sơn có 8,7 km đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Với vị trí địa lý tự nhiên như vậy, nơi đây từng là điểm nóng của những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn được trang bị vũ khí. Hiện xã có 108 người đã cai nghiện; 234 người đã chấp hành xong án ma túy trở về địa phương… Nhằm cảm hóa các đối tượng lầm lỡ, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công an xã đã báo cáo và được Đảng ủy, UBND xã nhất trí chủ trương xây dựng mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng”.

Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Trong quá trình triển khai, nhận thấy nhiều người trở về địa phương không có việc làm, rất dễ đi lại con đường cũ, CLB đã phối hợp các cơ quan, đoàn thể phân phát cây giống, vận động thành viên tham gia lao động sản xuất. CLB còn kết nối với các ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng giúp những người lầm lỡ vay vốn phát triển kinh tế. Hiện chúng tôi đã giúp đỡ 103 lượt người lầm lỡ tránh xa con đường tệ nạn, phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2007, sau 11 năm hoàn thành án phạt tù và cai nghiện tập trung, ông Lê Đình Ngoan, 60 tuổi trở về bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn sinh sống. “Tuổi trẻ lầm lạc, trở về mặc cảm với gia đình, bà con, lại không có việc làm, tôi né tránh không muốn giao tiếp với ai! Năm 2012, được CLB cảm hóa động viên tinh thần, giúp đỡ kết nối vay vốn, tôi bắt đầu trồng cây ăn quả. Từ 30 triệu vốn vay ban đầu, lấy ngắn nuôi dài, vườn cây ngày một mở rộng. Năm 2022, chỉ tính riêng hồng giòn, tôi thu được gần 300 triệu đồng”, ông Ngoan vui vẻ kể.

Ông Phan Thanh Hoằng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn đánh giá, mô hình CLB là sáng kiến hiệu quả, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ. Ngoài mô hình cảm hóa, địa phương còn đẩy mạnh thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong cộng đồng dân tộc H’Mông nhằm đẩy lùi hủ tục, tệ nạn, đặc biệt là ma túy. Nhờ đó, các vụ việc buôn bán và tỷ lệ người nghiện trên địa bàn xã Chiềng Sơn đã giảm rõ rệt. Người dân đã biết đi làm ăn, phát triển kinh tế. Những năm gần đây, tận dụng đỉnh Pha Luông để phát triển du lịch, thu nhập của bà con tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng!

Trong ngôi nhà khang trang là mồ hôi, nước mắt, là sự nỗ lực vươn lên, làm lại cuộc đời sau những năm tháng lầm lỡ, ông Ngoan tự hào “khoe” đã chuyển về đây được hơn một năm. Cảm kích trước sự hỗ trợ của các cán bộ, hiện ông là hạt nhân cùng Ban Chủ nhiệm CLB động viên, hướng dẫn những người lầm lỡ mới trở về cộng đồng sống tích cực.

Xây dựng địa bàn không có ma túy

Thực hiện Đề án 135 về “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND huyện Mộc Châu đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến từng xã, bản tổ chức thực hiện phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 23 văn bản; Ban Chỉ đạo Nghị quyết 18/NQ-TU huyện ban hành 27 văn bản; UBND huyện ban hành 55 văn bản để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn… Mỗi năm Mộc Châu sẽ thực hiện chuyển hóa 2 địa bàn xã đạt tiêu chuẩn 4 không ma túy và giảm mức độ phức tạp về ma túy đối với tất cả các bản. Định kỳ hằng tháng Ban chỉ đạo từ huyện, xã đến bản họp, báo cáo tình hình, giao nhiệm vụ cụ thể. Mộc Châu cũng ra quy định liên quan đến xử lý cán bộ đảng viên, cơ quan, đơn vị có liên quan đến ma túy, coi đây là một tiêu chí để nhận xét, đánh giá, phân loại hằng năm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu chia sẻ: Thành công lớn nhất trong thời gian qua là đã tạo được sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để dần kiểm soát và từng bước xây dựng địa bàn không có tệ nạn ma túy. Mấu chốt vẫn phải tập trung phát triển hạ tầng, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là 10 bản biên giới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai đồng bộ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở để nâng cao tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trong cộng đồng.

Hạ nhiệt “điểm nóng” ma túy Mộc Châu (kỳ 1)