Gìn giữ sợi dây gắn kết kiều bào và đất nước

Những năm qua, công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Qua đó, góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các học viên dự khóa tập huấn chụp ảnh lưu niệm.
Đại diện các học viên dự khóa tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em kiều bào

Từ năm 2013, hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đều phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng.

Năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19 bùng phát, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức khóa tập huấn theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào. Năm nay, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 14/8 đến ngày 30/8/2022 tại Hà Nội, với sự tham dự của 80 học viên từ chín quốc gia. Lễ khai mạc khóa tập huấn diễn ra hôm 15/8 vừa qua.

Cô giáo Phạm Phi Hải Yến đã có 12 năm học tập, sinh sống ở Nhật Bản và đang làm nghiên cứu sinh. Gần một năm qua, cô Yến duy trì một lớp học trực tuyến có tên là “Líu lo tiếng Việt” dành cho trẻ em gốc Việt tại Nhật Bản. Cô cho biết, cách đây khoảng sáu, bảy năm, số lượng trẻ em gốc Việt ở Nhật chưa tăng mạnh nên việc giữ gìn tiếng Việt cho con chưa được quan tâm nhiều. Không ít gia đình đã đặt tiếng Việt của con ở hàng ưu tiên thấp hơn so tiếng Nhật, tiếng Anh hay tiếng Trung, thậm chí, có gia đình còn nghĩ “con em không biết tiếng Việt cũng được”.

Gần đây, dù chưa có các chính sách cụ thể nhưng Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ của học sinh có yếu tố nước ngoài tại nước này, trong đó có tiếng Việt. Hiện nay, tại một số địa phương, trường học của Nhật Bản đã tổ chức các lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh nước ngoài nhưng thời lượng học tập còn rất ít. Bản chất của những lớp học này chủ yếu là để học sinh làm quen với văn hóa Việt Nam, để các em không bị mất tự tin vào nguồn gốc của mình và học tiếng Việt là để hỗ trợ cho việc học tiếng Nhật, phục vụ cho việc học ở trường. Chính vì vậy, việc giữ gìn, duy trì và phát huy tiếng Việt cho các em vẫn nhờ vào gia đình, bố mẹ và các giáo viên là chính.

Cô Hải Yến bày tỏ vui mừng trước việc các khóa tập huấn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã giúp cộng đồng có nhiều giáo viên hơn và việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp. “Khi tham gia khóa tập huấn này, tôi không chỉ mong muốn được nâng cao kỹ năng sư phạm, kiến thức ngôn ngữ, nắm bắt tư tưởng, phương châm, chính sách của Nhà nước, mà tôi còn mong muốn được kết nối thêm với các anh, chị có cùng tâm nguyện giữ gìn và phát huy tiếng Việt cội nguồn cho các em học sinh, cùng nhau xây dựng một cộng đồng mà ở đó tiếng Việt dù có là một ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhưng không phải là một ngôn ngữ yếu thế trong xã hội”, cô Phạm Phi Hải Yến cho biết.

Trong khi đó, Tô Như Hoa - nghiên cứu sinh tại Nga, luôn nhớ câu nói “lá rụng về cội”. “Phải biết cội nguồn của mình ở đâu thì mới “rụng” về được. Thế nhưng, có cháu ở nước ngoài không “sõi” ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt mà chỉ thông thạo tiếng bản địa”, Tô Như Hoa giải thích lý do tham gia hoạt động tình nguyện, giảng dạy tiếng Việt cho các bạn nhỏ kiều bào ở Nga hơn một năm qua. Hoa tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt vì trước đây, việc tham gia giảng dạy của em chỉ mới mang tính bản năng, dùng tiếng “mẹ đẻ” để dạy những gì mình biết, không có hệ thống, chương trình hay giáo trình cụ thể.

Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức bồi dưỡng, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới, trao đổi phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm dạy học cho giáo viên kiều bào là hết sức cần thiết nhằm giúp các giáo viên dạy học dễ dàng, hiệu quả hơn, góp phần duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em kiều bào, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khóa tập huấn năm nay có nhiều điểm mới như thời lượng tập huấn kéo dài gấp ba lần so các khóa tập huấn trước, các công cụ giảng dạy đã được tính chuẩn hóa từng bước, đầy đặn hơn. Đặc biệt, ở các năm trước, các giáo viên chỉ cần tham gia đầy đủ khóa là được cấp chứng nhận nhưng năm nay, Ban tổ chức kiểm tra chặt chẽ đầu vào và thí điểm chỉ cấp chứng nhận cho các giáo viên bảo đảm về thời lượng, chất lượng chuyên môn, có kết quả bài kiểm tra đầu ra đạt yêu cầu.

Trong chương trình khóa tập huấn, các học viên sẽ được tập huấn kỹ năng sư phạm cần thiết và các kiến thức về các lĩnh vực như văn hóa, đất nước, con người… của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tổ chức các hoạt động bên lề như tham quan thực tế tại các di tích lịch sử, địa danh văn hóa để tăng cường sự hiểu biết của giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó giúp nội dung giảng dạy của họ sau này phong phú, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu, kết nối với những cơ quan, tổ chức làm công tác giảng dạy trong nước cũng có thể hỗ trợ cho các giáo viên trong giảng dạy.

Gìn giữ sợi dây gắn kết kiều bào và đất nước ảnh 1

Cô Phạm Phi Hải Yến hết lòng với lớp “Líu lo tiếng Việt”.

Sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt

Theo ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, việc duy trì đa dạng văn hóa, trong đó có đa dạng ngôn ngữ được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã có Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đây là nền tảng để thúc đẩy đa dạng văn hóa, trong đó có ngôn ngữ, trên bình diện quốc tế.

Với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, việc sử dụng liên tục và giữ gìn tiếng Việt trong nhiều thế hệ mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, bởi tiếng Việt là động lực, là sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhau cũng như với từng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, việc có nhiều người Việt ở nước ngoài sử dụng tiếng Việt cũng giúp Việt Nam phổ biến và quảng bá các giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam, ý nghĩa nhân văn trong tư tưởng, tâm hồn và cốt cách của người Việt Nam ra nước ngoài, để bạn bè quốc tế hiểu hơn đất nước, con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị, tình cảm đoàn kết, hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy vậy, cộng đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một về ngôn ngữ dân tộc, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những hạn chế về phương pháp sư phạm, giáo trình... của các chương trình dạy tiếng Việt trong cộng đồng cũng là những thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.