Triển vọng năng lượng Việt Nam

Việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật, mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Đây là một trong những phát hiện chính của “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không” (EOR-NZ) công bố ngày 19/6.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ công bố Báo cáo EOR-NZ.
Lễ công bố Báo cáo EOR-NZ.

Chuyển đổi xanh hiệu quả

Phát biểu ý kiến tại lễ công bố báo cáo, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng chuẩn bị cho lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). “Việt Nam đang có điều kiện phát triển kinh tế rất tốt. Để đạt được những mục tiêu Net Zero, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Báo cáo là một kết quả quan trọng của Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng (DEPP) lâu dài giữa hai nước. Tôi hy vọng báo cáo sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho Việt Nam trong quá trình ra quyết định, cũng như hỗ trợ trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh”, Đại sứ Prytz cho biết.

Báo cáo EOR-NZ do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT), Bộ Công thương, Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam hợp tác biên soạn. Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan, duy trì đà tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhu cầu sử dụng năng lượng cao, đặt ra yêu cầu cần tách biệt tăng trưởng kinh tế với tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn.

Cục trưởng Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Bottzauw cho rằng, nghiên cứu cho thấy Việt Nam sẽ có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô NLTT, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Ông Ramsus Munch Sorensen, Cố vấn dài hạn Chương trình DEPP cho biết, so Báo cáo lần thứ 3 công bố năm 2022 cách đây ba năm, thì đây là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi báo cáo EOR-NZ và thể hiện quá trình hợp tác giữa các cơ quan hai nước. “Giá trị hơn, đó là những nội dung thảo luận, các hoạt động đào tạo, tư vấn ở Cục Điện lực và NLTT Việt Nam, các trường đại học… Chúng tôi cũng thực hiện những phân tích và thảo luận cách thức cải thiện những mô hình, kịch bản, sau đó đưa vào thực hiện ở các đơn vị, cơ quan liên quan. Thông qua đó, các công ty, đơn vị tư vấn ở Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cải thiện quy định cho việc bảo đảm tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam”, ông Ramsus chia sẻ.

Các khuyến nghị với Việt Nam

Bà Giada Venturini, Cố vấn cao cấp của DEA cho biết, nhóm chuyên gia và cố vấn đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam, chia thành 6 nhóm giải pháp với 22 khuyến nghị. Theo phân tích tối ưu hóa chi phí các lộ trình phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong tương lai, quá trình chuyển đổi xanh không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn hiệu quả về mặt kinh tế. Ngay cả khi không có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) rõ ràng thì tổng phát thải vẫn đạt đỉnh vào năm 2030 và giảm dần sau đó. Hơn nữa, lượng phát thải KNK hằng năm dự kiến vào năm 2050 sẽ thấp hơn 21% so lượng phát thải được ghi nhận vào năm 2022.

Trong nhóm khuyến nghị bảo đảm an ninh cung cấp điện khi chuyển đổi năng lượng, các chuyên gia đề xuất cải thiện hiệu suất của hệ thống điện bằng các giải pháp tăng cường tính linh hoạt và ưu tiên thực hiện giải pháp theo từng giai đoạn. Những giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải cũng đề cập việc cần nhanh chóng điện hóa phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng, nhằm giảm tác động đến khí hậu và môi trường với chi phí hiệu quả hơn. “Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội việc làm mới trong nước và đòi hỏi phải có lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Để hỗ trợ quá trình tăng trưởng của lĩnh vực NLTT, Việt Nam nên khuyến khích mở rộng giáo dục về công nghệ năng lượng sạch”, bà Giada cho biết thêm.

Cục trưởng DEA, ông Kristoffer Bottzauw chia sẻ một số kinh nghiệm của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, cần xem việc chuyển đổi xanh là một vấn đề quan trọng, đồng thời phải có cơ chế khuyến khích chuyển đổi ở một số ngành trong nền kinh tế. “Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới bắt đầu phát triển điện gió ngoài khơi từ những năm 90 thế kỷ trước. Để bảo đảm an ninh nguồn cung ứng điện, chúng tôi tập trung vào độ linh hoạt trong các nguồn điện, phải có những nhà máy điện linh hoạt trong vận hành để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”, ông phân tích.

Sau lễ công bố báo cáo, nhiều chuyên gia, học giả, đại diện các cơ quan hữu quan và khu vực tư nhân đã tiếp tục tham gia tọa đàm thảo luận về những tác động chính, các rào cản và khuyến nghị được đưa ra trong EOR-NZ.

Phó Cục trưởng Điện lực và NLTT, Bộ Công thương, ông Đoàn Ngọc Dương nhấn mạnh, chuyển đổi năng lượng xanh được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Việt Nam. Ông Dương đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch và hy vọng trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả hơn nữa các chương trình hợp tác năng lượng.