Tập trung cho hệ sinh thái khởi nghiệp
VIS 2024 quy tụ 7 startup tiên phong từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thailand và Malaysia, mang đến những giải pháp công nghệ đột phá trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, tương tác người - máy, công nghệ nano... Qarbotech, một công ty khởi nghiệp đến từ Malaysia, đã xuất sắc giành chiến thắng trong phần trình bày tại khu vực triển lãm. Là doanh nghiệp đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Qarbotech tập trung vào các giải pháp bền vững nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Trong đó, việc sử dụng công nghệ nano được ưu tiên để tăng cường quang hợp, giúp cải thiện năng suất và sức chống chịu của cây trồng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, góp phần hướng tới một tương lai xanh.
Trong khuôn khổ hội nghị, chương trình “Xu hướng đổi mới tại Việt Nam” tập trung vào các phương thức đổi mới quan trọng như chuyển đổi số, hệ sinh thái khởi nghiệp, công nghệ xanh, công nghiệp 4.0 và công nghệ tài chính. Các phần trình bày phân tích sâu về tác động của những xu hướng này đến các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam, nhu cầu về kỹ năng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và hợp tác toàn cầu. Các diễn giả đề xuất nhiều giải pháp thiết thực cho nội dung quan trọng này, như cải thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng công nghệ, tăng cường tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.
Đến nay, mô hình khởi nghiệp tại Việt Nam đã tạo được mạng lưới phát triển bền vững với khoảng 4.000 doanh nghiệp, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư, vườn ươm. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt vào tốp 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là năng động với hơn 50% doanh nghiệp khởi nghiệp, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây cũng là địa phương thu hút 44% lượng vốn đầu tư mạo hiểm và hơn 60% số thương vụ thành công của cả nước.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, bổ sung thêm nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tìm thêm giải pháp
Với chủ đề “Đổi mới - Chuyển mình - Bền vững: Chung tay kiến tạo tương lai”, VIS 2024 thu hút hơn 1.500 đại biểu đến từ các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các công ty khởi nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Bên cạnh chương trình tọa đàm và các phiên thảo luận, hội nghị còn có triển lãm doanh nghiệp, hoạt động gọi vốn từ các dự án khởi nghiệp, bàn về giải pháp đổi mới năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, giao thông xanh, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, sản xuất thông minh, giáo dục sáng tạo...
Phần thảo luận “Các giải pháp công nghệ mới nổi” cung cấp tầm nhìn cho kinh tế số Việt Nam vào năm 2030, đồng thời phân tích sâu về các lợi thế, thách thức mà doanh nghiệp trong nước có thể gặp phải khi nắm bắt xu hướng phát triển này. Các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về “người dùng số” tại Việt Nam và thảo luận về vai trò của họ trong việc xây dựng một “xã hội số” vững mạnh. Các diễn giả còn đề cập đến xu hướng “Phát triển bền vững” và “Sản xuất thông minh và tự động hóa”, đưa ra các giải pháp về sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Công Thắng Huỳnh (Chủ tịch InnoLab Asia, Trưởng ban tổ chức VIS 2024), để sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố cốt lõi. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó khẩn trương hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kịp thời tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ nhanh. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo cũng cần được quan tâm nhiều hơn.